Những hệ lụy khi bị sỏi thận - tiết niệu

Cần biết - 11/24/2024

Sỏi thận - tiết niệu là một bệnh thường gặp, dễ gây biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận cấp hoặc mạn tính...

Sỏi gặp nhiều ở người trưởng thành hơn là ở trẻ em và người già. Nam giới có tỉ lệ mắc cao hơn nữ từ 2 - 3 lần và những người sinh sống ở những nơi khí hậu nóng và khô cằn, tỉ lệ mắc sỏi cao hơn...

Sỏi có thể gây triệu chứng và nguy cơ nào?

Trong trường hợp sỏi không gây tắc nghẽn, thì triệu chứng không rầm rộ. Người bệnh chỉ thấy đau âm ỉ hố thắt lưng. Khi xét nghiệm nước tiểu có hồng cầu, bạch cầu trong nước tiểu hoăc người bệnh có thể tình cờ phát hiện được sỏi khi làm siêu âm thận hoặc chụp Xquang ổ bụng, khi thăm khám các bệnh lý khác.

Nếu sỏi gây tắc nghẽn đường niệu thì triệu chứng thường rầm rộ điển hình là cơn đau quặn thận. Cơn đau dữ dội từ hố thắt lưng lan xuống vùng sinh dục, không có tư thế giảm đau, kéo dài vài giờ đến hàng ngày, sau cơn bệnh nhân thường đái ra máu. Nếu sỏi ở bàng quang thì gây triệu chứng đái buốt, đái rắt.

Để chẩn đoán xác định bệnh cần dựa vào: Tiền sử bệnh, các biểu hiện lâm sàng với cơn đau quặn thận hoặc đau vùng hông lưng, đái máu, các triệu chứng của biến chứng do sỏi gây nên như ứ nước, ứ mủ bể thận, suy thận cấp và mạn.

Một số xét nghiệm tìm nguyên nhân trong một số trường hợp nghi ngờ bệnh lý chuyển hóa như đánh giá chức năng tuyến cận giáp, chức năng ống thận... phân tích thành phần sỏi sau khi can thiệp lấy sỏi. Các xét nghiệm sinh hóa máu và nước tiểu, các thăm dò cận lâm sàng như siêu âm, Xquang, chụp cắt lớp vi tính (CT)... sẽ cho chẩn đoán xác định.

Những hệ lụy khi bị sỏi thận - tiết niệu

Sỏi đường tiết niệu gây ra hai nguy cơ lớn đó là gây tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu và nhiễm khuẩn đường niệu. Tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu sẽ gây giãn to đài - bể thận, ép mỏng nhu mô thận và làm mất dần chức năng thận. Nếu sỏi niệu quản hai bên hay sỏi niệu quản một bên còn bên kia thận đã mất chức năng thì sẽ gây suy thận cấp, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Nhiễm khuẩn đường niệu thường tái phát nhiều lần gây viêm bể thận rồi lan vào ống - kẽ thận gây ra viêm thận - bể thận mạn, lâu dần gây suy thận mạn...

Xử trí ra sao?

Điều trị sỏi phụ thuộc vào kích thước và vị trí của sỏi cũng như biến chứng do sỏi gây ra.

Đối với kích thước sỏi

Nếu kích thước của sỏi dưới 5 mm (đường kính lớn nhất đo được của sỏi), thì chỉ cần cố gắng tác động bằng các thuốc giảm đau, giãn cơ trơn niệu quản và thuốc hỗ trợ như: Rowatinex (thuốc này làm tăng quá trình lợi niệu và giãn cơ trơn niệu quản) để sỏi có thể rơi xuống bàng quang một cách tự nhiên. Ngoài ra, có thể dùng kim tiền thảo viên hoặc sắc nước để uống. Cần uống nhiều nước.

Lưu ý đến biến chứng nhiễm khuẩn, theo dõi sát chức năng thận, vì dù là sỏi nhỏ nhưng nếu tắc nghẽn hoàn toàn niệu quản thì chức năng thận có thể bị suy giảm nghiêm trọng trong thời gian ngắn, có khi chỉ trong vòng 4 đến 8 tuần.

Nếu sỏi lớn hơn 5 mm hoặc nhỏ hơn 5mm nhưng sỏi không xuống được bàng quang sau 2-4 tuần điều trị bảo tồn, có thể dùng các kỹ thuật tán sỏi như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, tán sỏi qua nội soi đường tiết niệu hoặc cũng có thể mổ lấy sỏi bằng nội soi hặc mổ mở. Cần lưu ý rằng có thể loại được sỏi khỏi đường niệu bằng các phương pháp trên nhưng sỏi có thể tái phát. Sỏi tái phát nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào cơ địa và ý thức dự phòng của người bệnh.

Vị trí của sỏi

Sỏi thận với kích thước dưới 2cm thường được điều trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, nhưng nếu sỏi nằm ở phía đài dưới của thận thì kết quả kém hơn. Trong trường hợp sỏi nằm ở vị trí này thì chỉ định tán sỏi khi sỏi dưới 1cm.

Sỏi niệu quản có kích thước dưới 1cm, tán sỏi ngoài cơ thể cũng được áp dụng cho một số trường hợp. Tuy nhiên, tác động có hại cho buồng trứng là một trong những trở ngại để chỉ định phương pháp này ờ nữ giới trong độ tuổi sinh đẻ mà có sỏi nằm ở 1/3 giữa hoặc 1/3 dưới của niệu quản.

Phương pháp mổ lấy sỏi qua da được chỉ định cho các trường hợp sỏi thận có kích thước lớn và sỏi nằm ở niệu quản không có khả năng tán hoặc lấy sỏi qua nội soi.

Lấy sỏi qua nội soi: Ở các cơ sở có điều kiện nội soi bàng quang-niệu quản và dụng cụ tán và lấy sỏi.

Chú ý các biến chứng sau tán sỏi như đái máu, đau nhiều, nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn niệu quản thứ phát do sỏi di chuyển từ thận xuống niệu quản.

Một số thuốc giảm đau có thể dùng như: Nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid (như: voltaren, mobic, felden... dùng đường uống hoặc đường tiêm), nhóm thuốc giãn cơ…

Đối với biến chứng của sỏi có thể dùng kháng sinh (khi sỏi gây biến chứng nhiễm trùng), cầm máu khi có đái máu toàn bãi…

Những hệ lụy khi bị sỏi thận - tiết niệu

Tán sỏi ngoài cơ thể

Trong trường hợp biết được một số nguyên nhân thì có thể điều trị như sau:

Đối với sỏi calci:

Sỏi calci do tăng calci niệu, dùng lợi tiểu thiazid, để tăng tái hấp thu calci ở ống thận ở người có calci niệu cao và giảm hấp thụ calci từ ruột. Dùng kali citrat để ức chế kết tinh sỏi, nhất là đối với người có citrat thấp trong nước tiểu. Indapamid là thuốc được lựa chọn cho những trường hợp sỏi thận do tăng calci niệu nguyên phát.

Sỏi calci do tăng oxalat niệu, cần uống nhiều nước và làm kiềm hóa nước tiểu, điều trị bệnh nguyên phát gây nên tình trạng tăng oxalat niệu, giảm lượng oxalat ăn vào và tăng lượng calci trong khẩu phần bởi vì chỉ cần có sự thay đổi rất ít về nồng độ oxalat niệu là có thể dẫn đến tăng khả năng bão hòa tinh thể oxalat calci. Có thể dùng calci carbonat uống vào bữa ăn, kèm thêm với kali citrat và magnesi gluconat.

Sỏi đường tiết niệu gây tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu và nhiễm khuẩn đường niệu. Tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu sẽ gây dãn to đài - bể thận , ép mỏng nhu mô thận và làm mất dần chức năng thận.

Sỏi calci do giảm citrat niệu, do citrat hình thành một phức hợp hòa tan khi gắn với calci, do vậy citrat là một tác nhân dùng đề điều trị sỏi calci do bất cứ nguyên nhân nào.

Sỏi calci do toan hóa ống thận, cần kiềm hóa nước tiểu.

Sỏi calci do tăng acid uric niệu, cần tăng lượng nước đưa vào cơ thể. Điều trị bệnh chính gây ra tình trạng này, giảm thành phần purin trong chế độ ăn, có thể dùng thêm allopurinol.

Sỏi acid uric:

Duy trì pH niệu kiềm bằng cho uống bicarbonat natri. Có thể kết hợp uống allopurinol nếu có tăng acid uric máu.

Sỏi struvit:

Cần uống nhiều nước, điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ngay cả sau khi đã lấy sỏi. Có thể phối hợp cho uống thêm thuốc gắn với phosphate làm giảm sự gắn kết của phosphate vào sỏi struvit.

Sỏi cystin:

Uống nhiều nước (trên 2,5lít/ngày. Kiềm hóa nước tiểu bằng kali citrat hoặc natri bicarbonat để đảm bảo pH trên 7,4 hoặc có thể dùng D-penicillamin hay a-mercaptopropionylglycin để giảm nguy cơ sỏi, tuy nhiên hay gặp tác dụng phụ là giảm tiểu cầu.

Phòng sỏi tiết niệu như thế nào?

Dự phòng sỏi tái phát phụ thuộc vào từng loại sỏi. Tuy nhiên, với bất kì loại sỏi nào cũng cần uống nhiều nước, đảm bảo lượng nước tiểu khoảng trên 2,5 lít/ngày; điều trị các đợt nhiễm khuẩn, viêm thận-bể thận; điều trị các biến chứng hay các yếu tố thuận lợi dễ gây hình thành sỏi.

Đối với người bị sỏi calci cần ăn các thức ăn ít calci, ít oxalat và phosphat, acid hoá nước tiểu bằng cách uống dung dịch acid phosphoric, natri phosphat acid. Những người bị sỏi acid uric cần ăn ít thịt động vật, kiềm hoá nước tiểu bằng uống natri bicarbonat, uống thuốc làm giảm acid uric máu như Allopurinol. Để dự phòng sỏi amoni - magie phosphat cần dự phòng và điều trị tích cực nhiễm khuẩn đường niệu và acid hoá nước tiểu.

BS. Lê Bách

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!