Khổ qua (mướp đắng) có vị đắng nên khá kén người ăn. Tuy nhiên, ăn khổ qua mang lại những lợi ích nhất định đối với sức khỏe con người mà có thể bạn chưa biết. Vậy những lợi ích của khổ qua là gì?
Nhắc đến khổ qua, có thể nhiều bạn sẽ nhăn mặt khi nghĩ tới vị đắng của nó. Mặc dù vậy, khoa học đã chứng minh ăn khổ qua khá tốt cho sức khỏe. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về loại thực phẩm này, biết đâu bạn sẽ suy nghĩ lại việc có nên tập ăn khổ qua hay không.
Trái khổ qua là trái gì?
Khổ qua được trồng ở các nước châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và Ấn Độ. Loài cây này có lá xoăn, hoa màu vàng, trái có màu cam vàng mang vị đắng nhưng ăn được. Quả chưa chín có màu xanh lá cây và hình dáng như quả dưa leo và bề mặt lốm đốm. Thịt quả, lá, hạt, dầu hạt và rễ đều sử dụng được.
Trái khổ qua được sử dụng để điều trị các chứng rối loạn dạ dày và ruột bao gồm rối loạn dạ dày – ruột, khó chịu, loét, viêm đại tràng, táo bón và trị bệnh giun đường ruột. Nó cũng được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường, sỏi thận, sốt, bệnh vẩy nến và bệnh gan. Ngoài ra, khổ qua còn được dùng để điều tiết và bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt sớm hay hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc bệnh HIV/AIDS.
Loại quả này còn được sử dụng để chữa các bệnh nhiễm trùng da nặng (như chứng áp xe) và vết thương.
Nó được xem như một loại rau củ ở Ấn Độ và các nước châu Á khác và là một thành phần thường thấy của một số loại cà ri.
Hiệu quả của trái khổ qua trong việc điều trị bệnh tiểu đường
Trong khổ qua có chứa một chất hóa học có chức năng như insulin giúp làm giảm lượng đường trong máu. Loại quả này còn chứa ít nhất ba hoạt tính có đặc tính chống tiểu đường, bao gồm charantin – hoạt tính được công nhận có tác dụng hạ đường huyết, vicine và một hợp chất giống insulin gọi là polypeptide-p.
Khổ qua dùng làm nguyên liệu trong các bài thuốc truyền thống
Nó được sử dụng làm phương thuốc truyền thống để chữa bệnh ung thư, hen suyễn, nhiễm trùng da, các vấn đề về dạ dày, huyết áp cao và các triệu chứng tiểu đường.
Loại quả này còn được sử dụng như một loại thuốc truyền thống ở Trung Quốc, Ấn Độ, châu Phi và phía Đông Nam Hoa Kỳ. Vào những năm 1980, hạt giống của cây này đã được nghiên cứu ở Trung Quốc để chứng minh nó có tác dụng như một biện pháp tránh thai tiềm ẩn.
Thận trọng và cảnh báo đặc biệt khi dùng khổ qua
Đối với mẹ đang mang thai và cho con bú
Nếu đang trong thời kỳ mang thai và cho con bú, bạn không nên ăn loại quả này. Một số hóa chất chứa trong quả, nước ép và hạt giống khổ qua có thể khiến cho chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu, dẫn đến tình trạng chảy máu và gây ra sẩy thai.
Bệnh tiểu đường
Trái khổ qua có thể làm giảm lượng đường trong máu. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường và dùng thuốc trị tiểu đường làm giảm lượng đường trong máu, việc ăn thêm nó có thể khiến lượng đường trong máu giảm đến mức quá thấp, không tốt cho sức khỏe. Hãy luôn kiểm soát lượng đường huyết của bạn một cách cẩn thận.
Sự thiếu hụt men glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD)
Những người bị thiếu men G6PD có thể mắc “chứng dị ứng đậu Fava” sau khi ăn hạt khổ qua. Một hóa chất chứa trong hạt khổ qua có liên quan đến các hóa chất trong đậu fava (gây ra chứng thiếu máu, nhức đầu, sốt, đau dạ dày và hôn mê ở một số người). Nếu bạn bị thiếu hụt men G6PD, hãy tránh ăn loại quả này.
Độc tính
Lớp thịt đỏ xung quanh hạt trái khổ qua mang độc tính gây hại đối với trẻ em. Do đó, bạn không nên ăn những trái khổ qua thịt đã ngả đỏ.
Tuy có vị khá đắng và cũng không nhiều người thích loại thực phẩm này, nhưng đúng với câu “thuốc đắng dã tật”, khổ qua như một vị thuốc mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho con người. Nếu chưa quen, bạn hãy thử tập ăn với liều lượng vừa phải để cải thiện sức khỏe nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Sỏi thận do biến chứng bệnh tiểu đường
- Sẩy thai: nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh mẹ bầu cần biết
- Bệnh tiểu đường: Nên và không nên uống gì?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!