Ngày 27/11, Đài Chiết Giang (Trung Quốc) thông báo nam diễn viên Cao Dĩ Tường đột tử khi đang ghi hình một game show khi mới có 35 tuổi. Nguyên nhân là do kiệt sức và chính yêu cầu vận động mạnh khi tham gia chương trình đã khiến nam diễn viên Hoa ngữ đột tử. Nguồn tin có mặt ở hiện trường cho hay Cao Dĩ Tường quay hình với tình trạng sức khỏe không đảm bảo. Dù liên tục nói với đồng nghiệp: 'Tôi sắp không thở được nữa rồi', anh vẫn cố chạy trước khi ngã gục.
Diễn viên Cao Dĩ Tường
Sự ra đi của Cao Dĩ Tường vì áp lực công việc khiến nhiều người liên tưởng đến cái chết của hàng triệu người trẻ tuổi mỗi năm trên khắp châu Á vì làm việc kiệt sức, đặc biệt là tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trước nam diễn viên Cao Dĩ Tường, hai nữ 'idol' Hàn Quốc Sulli và Goo Hara (thành viên nhóm Kara) cũng mới vừa qua đời cách đây không lâu.
Tương tự trường hợp của Cao Dĩ Tường, hai nữ nghệ sĩ Sulli và Goo Hara vốn là bạn thân của nhau, cũng gặp không ít áp lực trong môi trường làm việc khắc nghiệt tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, họ còn phải chịu chỉ trích từ cộng đồng 'anti-fan', khiến tâm lí rơi vào trạng thái bất ổn.
Đôi bạn thân Sulli và Goo Hara. Ảnh: Naver
Thực tế cho thấy, ở Hàn Quốc, một ngôi sao thường phải dành hàng năm làm thực tập sinh, chăm chỉ tập luyện thanh nhạc và vũ đạo cực kì vất vả. Ngoài ra, họ còn phải liên tục ép cân để duy trì vóc dáng hoàn hảo và chạy lịch trình rất căng thẳng. Do đó, thời gian dành cho công việc là cực kì nhiều.
Trước Cao Dĩ Tường và hai nghệ sĩ Sulli, Goo Hara trên, người mẫu Trung Quốc Ngải Vị Vị cũng đã qua đời vì làm việc quá sức. Hồi tháng 5/2011, Ngải Vị Vị nhập viện trong tình trạng kiệt sức. Thể trạng quá yếu khiến cô không qua khỏi và lìa đời ở độ tuổi 22 tuổi. Ngải Vị Vị là người mẫu online khá nổi tiếng, đồng thời là giám đốc của một công ty truyền thông. Chân dài này được biết đến với vai trò người mẫu ảnh cho chiến dịch FiFa World Cup 2010, game online... Quản lý của cô cho biết, làm việc xuyên đêm không nghỉ ngơi và ăn uống thiếu điều độ là lý do khiến Vị Vị kiệt sức. Trước đó, chân dài này từng thổ lộ cô không có thời gian để về nhà thăm gia đình.
Người mẫu Ngải Vị Vị
Vài ngày trước khi Vị Vị qua đời, cô được đưa đến viện trong tình trạng kiệt sức, bác sĩ cũng phát hiện cô bị căn bệnh bạch cầu. Tại đây, bác sĩ nhận định: 'Mặc dù thể trạng quá yếu nhưng cô ấy vẫn cố gắng làm việc và không chịu đi khám bệnh để chữa trị'.
Cái chết của những ngôi sao nổi tiếng trên khiến nhiều người nhớ đến Guolaosi – một từ trong tiếng Trung dùng để chỉ tình trạng làm việc đến kiệt sức. Theo Xinhua, mỗi năm có khoảng 600.000 người chết vì Guolaosi tại đất nước tỷ dân.
Tại Trung Quốc, nhiều thập niên qua, thời gian làm việc kéo dài, tăng ca, làm thêm giờ không còn xa lạ gì với người lao động.
'996' là lịch làm việc mệt mỏi kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần. Văn hóa này dù trở thành tiêu chuẩn tại nhiều công ty khởi nghiệp đã tạo ra không ít tranh cãi trong những năm gần đây.
Nhiều tỷ phú, doanh nhân luôn đề cao '996' như một giá trị tuyệt vời. Jack Ma, một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc, ca ngợi văn hóa làm việc 12 tiếng/ngày là 'một phước lành'.
Và không chỉ Trung Quốc, hai quốc gia láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có những khái niệm tương tự.
Tại Nhật Bản và nhiều nước phát triển thì chết vì làm việc quá sức là một vấn nạn nhức nhố và được cho là nguyên nhân đằng sau hàng chục ca tử vong do đột quỵ, đau tim hay tự tử mỗi năm. Người ta dành cả một thuật ngữ để ám chỉ điều này đó là Karoshi, - trong tiếng Nhật có nghĩa là 'chết do làm việc quá sức'.
Miwa Sado, phóng viên mảng chính trị của Đài Truyền hình NHK đã tử vong tại nhà riêng do suy tim sau 153 giờ làm việc không ngừng nghỉ. Hay trường hợp Matsuri Takahashi, nhân viên Hãng quảng cáo Dentsu cũng tự sát do không chịu nổi áp lực công việc vì đã bị buộc phải tăng ca liên tục tới 100 giờ. Đây là hai vụ việc gây chấn động đối với xã hội Nhật Bản cũng như các nước phát triển trên thế giới bởi mức độ nghiêm trọng của nó.
Vấn nạn 'Karoshi' đang được tập trung giải quyết tại các quốc gia phát triển khác như Hàn Quốc, Pháp, Đức, Anh, Mỹ…
Tại Hàn Quốc, Bộ Quản lý nhân sự cho phép công chức nước này rời công sở sớm trước vài giờ vào một ngày trong tháng. Đây là biện pháp nhằm giúp công chức có thời gian cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình.
Tại Pháp và Mỹ, chính phủ hai nước cũng có những biện pháp cụ thể nhằm giảm áp lực cho nhân công trong quá trình làm việc như kéo dài giờ ăn trưa, áp dụng kì nghỉ năm tuần, quy định tuần làm việc 35 giờ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!