Bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp (HH) - BV Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết, mùa mưa, số trẻ em nhập viện vì bệnh viêm HH tăng vọt. Trong số này, có đến 70% nhiễm khuẩn HH cấp tính. Ngoài ra, có nhiều trẻ bị dị ứng HH, đặc biệt là viêm mũi dị ứng (VMDƯ). Đáng lưu ý, một số sai lầm của phụ huynh đã làm cho trẻ dễ mắc bệnh.
- Giữ ấm quá mức hóa… lạnh: Trẻ sơ sinh và bé dưới hai tuổi là đối tượng cần được chăm sóc chu đáo vì dễ nhiễm bệnh và bệnh dễ trở nặng, khó điều trị, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Các bé độ tuổi này do sức đề kháng chưa qua 'chinh chiến' nên khả năng thích ứng với môi trường kém, đặc biệt là thời tiết thay đổi thất thường.
Các bác sĩ khoa HH nhận thấy, đa số phụ huynh giữ ấm quá đà khiến con bị nhiễm lạnh. Khi trời mưa, gió, cả bé khỏe lẫn bé húng hắng ho đều được mặc quần áo dày, ấm để chống lạnh. Nhưng đến khi nhiệt độ thay đổi, người lớn lại không cởi bớt áo quần cho bé. Nóng quá, cơ thể điều tiết bằng cách xuất mồ hôi. Mồ hôi xuất ở bề mặt da rộng nhằm hạ nhiệt cho cơ thể nhưng không được lau khô nên thấm ngược, làm nhiệt độ cơ thể hạ nhiều hơn, khiến bé bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm HH.
Trời nóng, phụ huynh cho con ra chỗ gió lùa cho mát. Khi nhiệt độ tăng, các lỗ chân lông sẽ mở ra để thoát nhiệt làm mát cơ thể, gặp cơn gió lùa gây lạnh, bề mặt da diện rộng sẽ làm mất nhiệt nhanh, cơ thể suy yếu và vi trùng có cơ hội tấn công.
- Lạnh vì quạt máy, máy lạnh: Phụ huynh thường mắc sai lầm khi sử dụng các thiết bị máy lạnh, quạt máy. Cần lưu ý: không để máy lạnh, quạt máy phả hơi trực tiếp vào người bé. Nhiệt độ máy lạnh khoảng 24 - 26oC là vừa phải, nhưng nếu có trẻ nhỏ thì khoảng 26 - 27oC. Không để bé rơi vào tình trạng thay đổi nhiệt độ quá đột ngột. Ví dụ: vào ngay phòng máy lạnh khi bé vừa ở ngoài nắng về hoặc sau khi chạy nhảy… ra mồ hôi. Không nên để bé ở trong phòng máy lạnh liên tục quá bốn tiếng.
Các bé khi nhiễm lạnh sẽ dễ bị viêm HH trên (viêm mũi, viêm họng). Những trường hợp nặng phải nhập viện là viêm HH dưới (viêm tiểu phế quản, viêm phổi). Do đó, giữ ấm sao cho khi nhiệt độ thay đổi mà bé không nóng đến mức xuất mồ hôi và không lạnh đến mức đau ốm thì cần nhiều kinh nghiệm.
Cần lưu ý những điều sau khi chăm bé:
- Chọn quần áo bằng sợi cotton có khả năng hút nước để mồ hôi không giữ trên da quá lâu. Khi quần áo ẩm, cần thay ngay cho bé. Các loại áo ấm có cả tay, nón đội đầu chỉ nên dùng khi đi ra đường lúc thời tiết lạnh. Khi ở trong nhà chỉ cho trẻ mặc các loại áo may bằng nỉ ngắn tay nhưng kín ngực. Khi đi nhà trẻ, đi học cần mang theo áo mưa, quần áo ấm, khô phòng sẵn để thay ngay khi bé xuất mồ hôi.
- Tuyệt đối không cho trẻ dưới hai tuổi tiếp xúc với người cảm, cúm, chảy mũi dù rất nhẹ. Ở những người này, do hệ đề kháng mạnh nên vi trùng chỉ gây cảm xoàng, nhưng ở các bé nhỏ thì gây bệnh nặng.
- Mùa này, cần cho trẻ ăn những món lỏng, dễ tiêu hóa, ấm nóng. Ăn thêm các loại trái cây để tăng cường sinh tố và khoáng chất. Cho bé uống đủ nước. Thiếu nước, niêm mạc khô dễ bị tổn thương, vi khuẩn xâm nhập cơ thể dễ dàng.
Bệnh VMDƯ thường xảy ra khi trời mưa, chuyển mùa, xung quanh có cây cỏ ra nhiều hoa... Khi bé bị VMDƯ cần vệ sinh mũi, làm thông thoáng mũi bằng cách nhỏ mũi, rửa mũi. Cần thực hiện việc này trước khi đi ngủ, trước khi cho bú để bé dễ thở, bú và ngủ ngon.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn khuyến cáo: 'Khi bé bị VMDƯ cần đưa đi bác sĩ khám để tùy mức độ mà cho thuốc. Phụ huynh không nên tự cho trẻ em sử dụng các loại thuốc điều trị VMDƯ. Các loại thuốc co mạch khắc phục tình trạng nghẹt mũi rất nhanh nhưng cũng dễ gây ngộ độc. Không sử dụng thuốc này lâu dài vì sẽ làm cho nghẹt mũi trầm trọng hơn, đặc biệt cho trẻ nhỏ dưới hai tuổi'.
Trời mưa, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp tạo điều kiện cho các vi sinh vật, nấm gây bệnh phát triển. Rửa tay và vệ sinh thân thể sau khi đi từ ngoài đường về nhà là cách 'đuổi' vi khuẩn hữu hiệu. Cần tập cho bé thói quen vệ sinh răng miệng, rơ lưỡi, nạo lưỡi, súc miệng bằng nước muối…
>>Xem thêm: Chăm sóc sức khỏe bé yêu ngày mưa gió
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!