Những vấn đề thường gặp khi cho trẻ một tháng tuổi bú

Dinh dưỡng cho Trẻ - 04/29/2024

Hello Bacsi chia sẻ 5 lưu ý cho các bà mẹ khi cho trẻ một tháng tuổi bú như nhu cầu dinh dưỡng và tình trạng đi tiêu của trẻ, hiện tượng căng sữa,...

Một tháng đầu tiên trong đời bé sẽ là giai đoạn đòi hỏi cha mẹ phải nỗ lực hết sức mình để chăm sóc thật tốt cho bé. Sau đây là một số lưu ý mà các bà mẹ cần chú ý khi cho bé một tháng tuổi bú.

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ vào những giai đoạn phát triển tăng vọt

Sự phát triển tăng vọt có thể xảy ra vào các thời điểm khác nhau đối với những trẻ khác nhau. Vào đầu tuần tuổi thứ hai và một lần nữa giữa tuần tuổi thứ ba đến thứ sáu, bé có thể trải qua thời kỳ phát triển tăng vọt. Thời kỳ này sẽ làm cho bé đói nhanh hơn bình thường. Thậm chí nếu bạn không nhận thấy bất kỳ sự phát triển nào thể hiện ở bên ngoài, cơ thể của bé vẫn đang có những thay đổi quan trọng và cần thêm calo. Hãy chuẩn bị cho bé bú thường xuyên hơn nếu bé bú sữa mẹ; cho bé bú thường xuyên sẽ kích thích cơ thể người mẹ sản xuất sữa nhiều hơn. Nếu bé bú bình, hãy cho bé lượng sữa nhiều hơn một chút ở mỗi lần bú hoặc cho bé bú thường xuyên hơn.

Hiện tượng căng sữa

Thường thì ngực của bạn sẽ trở nên căng sữa từ 2-5 ngày sau khi sinh. Bạn sẽ nhận thấy rằng ngực của mình có cảm giác đầy và có phần hơi căng cứng trước cho bé bú và mềm hơn sau khi cho bé bú. Nếu bé chỉ ngậm bú một bên vú mẹ, bạn có thể nhận thấy một ít sữa sẽ nhỏ giọt hoặc phun ra từ bên vú còn lại.

Nếu bạn không có hiện tượng căng sữa năm ngày sau sinh hoặc bạn không thấy sữa nhỏ giọt từ vú từ lúc bắt đầu cho bé bú, bạn có thể không có đủ sữa hoặc bé không đủ sức để ngậm bú. Đây cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề y khoa mà không liên quan đến dinh dưỡng của bé. Vì vậy, bạn nên cho bé đi khám bác sĩ nhi khoa nếu các vấn đề trên vẫn tồn tại dai dẳng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo một số bí quyết giảm triệu chứng của hiện tượng căng sữa tại đây.

Nôn trớ

Hầu hết các bé trong tháng đầu tiên thỉnh thoảng sẽ nôn trớ ra sau khi bú. Đó là do cơ giữa thực quản và dạ dày bé còn nhỏ và chưa hoàn thiện. Thay vì đóng chặt sau khi ăn, cơ giữa thực quả vẫn mở đủ rộng để cho các chất trong dạ dày trở ngược lên lại và tràn ra khỏi miệng. Điều này là bình thường và sẽ tự khỏi khi bé lớn lên, thường là khi bé được 1 năm tuổi. Nếu bé tăng cân hợp lý và không có bất kỳ vấn đề nào khác, bạn sẽ yên tâm hơn nhiều. Nhưng nếu trào ngược xảy ra thường xuyên hoặc có liên quan tới tiêu chảy, phát ban hoặc không tăng cân, bé có thể đang bị dị ứng thực phẩm hoặc có vấn đề với đường tiêu hóa và bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay.

Tình trạng đi tiêu của bé

Bạn cũng không nhất thiết phải quá lo lắng nếu con bạn đi tiêu mỗi lần bé ăn hoặc bé chỉ đi tiêu một lần một tuần. Tuy nhiên, có hai ngoại lệ sau bạn cần chú ý:

  • Nếu bé đi tiêu ra phân cứng, nhó và vón cục, bạn cần đưa bé đi khám bác sĩ để kiểm tra;
  • Nếu trẻ sơ sinh bú sữa mẹ nhỏ hơn một tháng tuổi không đi tiêu ít nhất bốn lần trong một ngày, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy con bạn không nhận được đủ sữa mẹ. Vì vậy hãy đưa bé đi khám để bác sĩ kiểm tra trọng lượng của bé.

Các vấn đề có thể nhận biết qua cách trẻ bú mẹ

Sau đây là một số dấu hiệu cảnh báo về vấn đề cho bú:

  • Bú quá nhiều. Nếu bú bình, bé sẽ tiêu thụ nhiều hơn 120-180 ml mỗi lần bú;
  • Bé nôn hầu hết hoặc tất cả sữa sau khi bú xong;
  • Phân của bé lỏng và nhiều nước;
  • Bé sẽ đi tiêu chừng tám hoặc nhiều lần hơn trong ngày.
  • Bú quá ít. Nếu bú sữa mẹ, bé dừng bú sau mười phút hoặc ít hơn và có vẻ không hài lòng;
  • Bé làm ướt ít hơn bốn cái tã mỗi ngày; đặc biệt là nếu bé đã bắt đầu ngủ suốt đêm, bé có thể không được bú đầy đủ (vì hầu hết trẻ bú ít nhất một lần trong đêm), và có thể đi tiểu ít hơn bình thường và dễ bị mất nước;
  • Bé hiếm đi đại tiện và đi phân cứng trong tháng đầu tiên;
  • Bé có vẻ đói và luôn tìm kiếm một cái gì đó để mút ngay sau khi bú;
  • Da bé trở nên vàng hơn thay vì bớt vàng trong tuần đầu tiên;
  • Bé có vẻ quá buồn ngủ hoặc lơ mơ;
  • Bé có chứng phát ban da nghiêm trọng.

Trên đây là những khó khăn mà bạn có thể mắc phải trong quá trình cho bé ăn ở tháng đầu tiên. Hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay khi bạn nghi ngờ con có những vấn đề nghiêm trọng trong ăn uống để có thể được chẩn đoán và nhận được sự giúp đỡ kịp thời từ các chuyên gia nhi khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!