Trong nhiều cộng đồng dân tộc ở miền núi, ngoài các dạng thuốc truyền thống thường gặp như thuốc sắc, rượu thuốc, cao thuốc để uống, thuốc đắp bó gãy xương... còn có thuốc tắm của người Dao. Ðó là một dạng đặc trưng về cách sử dụng cây cỏ làm thuốc để chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh đã có từ rất xa xưa, một nét đẹp văn hóa y học gia truyền trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam.
Từ phương thuốc tắm của người Dao
Thuốc tắm (tiếng Dao gọi là Đìa dảo xin) không chỉ của người Dao đỏ ở Sa Pa, Mẫu Sơn... mà còn là dạng thuốc của các nhóm người Dao khác ở Việt Nam. Trong cộng đồng người Dao, hầu hết các thành viên trong mỗi hộ gia đình đều biết cây thuốc tắm. Tuy nhiên, phụ nữ Dao thường biết nhiều hơn, biết rõ nơi mọc của các cây dùng để tắm và cách khai thác bền vững nguồn tài nguyên để còn có thể sử dụng lâu dài.
Nồi nước tắm gồm những thứ cây lá có mùi thơm như cây và quả mùi, rễ cây hương bài, nắm lá hương nhu, sả...
Bài thuốc tắm ban đầu là dựa trên một số cây thuốc cơ bản và gia giảm tùy mục đích sử dụng. Điều này làm cho thuốc tắm của người Dao rất đa dạng. Cây để nấu nước tắm thường dùng tươi hoặc đã làm khô. Nếu sử dụng tại chỗ cho nhu cầu trong gia đình hay cho khách tắm tại nhà như đã được tổ chức gần đây ở nơi du lịch thì dùng tươi. Đối với một số cây hiếm, cần dự trữ để sử dụng quanh năm thì người ta phải làm khô (thường bó lại từng nắm nhỏ rồi để trên gác bếp).
Bài thuốc tắm của người Dao đỏ bao gồm nhiều loại cây hơn so với bài thuốc của các nhóm người Dao khác. Có thể là do kinh nghiệm sử dụng cây cỏ của họ phong phú hơn và thiên nhiên ở nơi cư trú của họ cũng có nhiều loại cây thuốc hơn. Số cây thuốc trong một bài thuốc tắm thường rất lớn, dao động từ 10 đến 120 loài, thuộc nhiều họ thực vật và dạng sống khác nhau. Trong đó, có khoảng 10 cây thuốc được coi là quan trọng nhất.
Phương pháp truyền thống: Sau khi lấy đủ nguyên liệu, các cây thuốc được cho vào chảo hay nồi lớn có dung tích khoảng 50 lít, đun sôi trong nước khoảng 20 phút. Nước thuốc được đổ vào thùng gỗ lớn đủ cho một người ngồi. Để nhiệt độ giảm còn khoảng 50oC (hoặc có thể pha thêm nước mát vào nước cốt đặc), người tắm ngâm mình vào nước thuốc trong thời gian khoảng 15 - 30 phút, khi thấy toát mồ hôi, tim đập mạnh và thở nhanh thì thôi.
Thuốc tắm dùng để chữa các bệnh đau nhức cơ, xương, khớp, cảm cúm, ngứa, táo bón, đinh nhọt; hoặc để tăng cường thể lực cho phụ nữ sau khi đẻ, hoặc người sau khi ốm. Người lao động nặng nhọc, mệt mỏi, sau khi tắm thấy cơ thể nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái, sức khỏe được hồi phục. Tùy từng người, nếu ngâm thuốc tắm quá lâu có thể sẽ bị say thuốc và buồn ngủ. Trong trường hợp này chỉ cần nằm nghỉ hoặc ngủ một lúc sẽ hết.
...Ðến nồi nước tắm tất niên
Trước kia chưa có bình nóng lạnh như bây giờ, vào những ngày cuối năm âm lịch (thường 29 hoặc 30 Tết), người dân Việt nhất là vùng nông thôn nhà nào cũng đốt than hoặc nhóm củi để đun nồi nước tắm tất niên với mục đích muốn sang năm mới được sạch sẽ thơm tho, như thế sẽ may mắn.
Nồi nước tắm gồm những thứ cây lá có mùi thơm như rễ cây hương bài, nắm lá hương nhu, ít lá sả và không thể thiếu là cây và quả mùi (ngò). Xét về các cây lá trên ta thấy cây và củ sả được dùng nhiều trong món ăn quen thuộc hằng ngày của người dân như lươn xào sả, thịt, tôm xào hấp sả,...
Lá sả được chị em dùng nấu nước gội đầu giúp tóc bóng mượt. Trong ngành dược liệu, lá sả được dùng làm nguyên liệu chưng cất tinh dầu sả, dùng trong công nghiệp làm thơm như xà phòng, nước hoa;
Từ rất lâu và gần như quanh năm, rễ hương bài được bán trong các chợ để mọi người mua về nấu nước gội đầu hoặc để vào ngăn tủ cho thơm quần áo, trừ gián.
Hương bài nấu với lá sả và bồ kết làm cho nước gội đầu có mùi thơm lâu bền và thoảng nhẹ. Cho nên rễ hương bài cũng đã được nhân dân ta chú ý khai thác để cất tinh dầu dùng làm chất định hương như làm hương bài thắp trong những ngày Tết thì rất thơm mà không độc hại.
Ngoài ra, hai cây hương nhu và cây rau mùi vừa là gia vị và là vị thuốc Nam như rau mùi được dùng làm gia vị ăn cùng rau sống. Khi mâm cơm có nhiều thịt, nhiều món ngấy, béo, thiếu rau mùi, rau thơm thì mất ngon. Hạt mùi đun nước tắm thúc sởi mọc.
Cành lá hương nhu là một trong những vị thuốc Nam dùng trong nồi nước xông để giải cảm. Tinh dầu hương nhu dùng trong y dược và trong công nghiệp nước hoa. Cành, lá hương nhu dùng cùng với rễ hương bài làm cho mùi nước tắm thêm thơm và bền mùi. Như vậy nồi nước tắm tất niên vừa thơm vừa có tác dụng xông hơi nhờ mùi của các tinh dầu nên giúp cho người tắm xong nhẹ nhõm thải mái và thơm tho quyến rũ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!