Phôi thai cuối cùng của đôi vợ chồng hiếm muộn tạo thành một bé gái

Làm mẹ - 05/10/2024

Vợ chồng anh Thụy (Hải Phòng) thụ tinh trong ống nghiệm được 7 phôi đưa vào tử cung người vợ đều không đậu thai, cho đến phôi cuối cùng.

Ngày bác sĩ rã đông phôi cuối cùng để đưa vào tử cung, chị Vũ Thị Hà vợ anh Phạm Văn Thụy 'muốn khóc mà không khóc được'. 9 năm vợ chồng kiên trì chữa vô sinh, thất bại không thể đếm được bao nhiêu lần. Chị Hà thất vọng đến mức đề nghị chồng ly hôn để anh đến với người phụ nữ khác xây dựng cuộc sống gia đình trọn vẹn. Anh Thụy vẫn thương yêu vợ nên thuyết phục để hai vợ chồng vẫn tiếp tục điều trị.

Lần này hai vợ chồng đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để thụ tinh trong ống nghiệm. 7 phôi được bác sĩ thụ tinh và trữ đông, lần lượt đưa từng phôi vào tử cung chị Hà. Thất bại. 'Còn phôi cuối cùng này, khả năng đậu thai cũng rất khó nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục', bác sĩ tư vấn. Hai vợ chồng gật đầu tiến hành. 'Còn một lần cuối, coi như tôi đã biết trước kết quả, chỉ là cố thử xem', người vợ chia sẻ.

Đưa phôi vào tử cung xong, chị cũng không muốn về nhà cách bệnh viện 70 km, mà vẫn ở lại viện để đợi 12 ngày sau xét nghiệm máu xem có đậu thai không. Đến hẹn sáng hôm ấy, trước khi đi lấy máu, chị Hà thử thai bằng que. Không lên vạch. Chị nghĩ 'lại thất bại tiếp rồi'.

“Lúc đó, người khác sẽ đi thang máy từ tầng 4 xuống tầng một để lấy máu xét nghiệm. Tôi nghĩ mình chắc không đậu thai rồi nên đi bộ, vừa đi vừa giơ chân bước mạnh cho khuây khỏa”, chị Hà kể lại. 10h có kết quả, chị nhờ mẹ xuống phòng xét nghiệm lấy còn mình thì chuẩn bị sẵn quần áo để ra về. Một lát, điều chờ đợi chị không phải ánh mắt buồn thiu hay lời an ủi từ mẹ mà nụ cười tươi rạng rỡ. Từ xa bà đã la lên “Con ơi, con có thai rồi”. Hai mẹ con nhìn nhau khóc.

Phôi thai cuối cùng của đôi vợ chồng hiếm muộn tạo thành một bé gái

Vợ chồng anh Thụy hạnh phúc với cô con gái đầu lòng tên Thùy Dương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Thụy nói rằng phôi thai cuối cùng như phép thử hai vợ chồng trong hành trình kiếm con. Đó là những năm tháng vui buồn và nhiều nước mắt. Bác sĩ khám bảo cả hai bình thường, không biết tại sao không có con. Anh không nhớ mình đã uống bao nhiêu thuốc, đến bao nhiêu bác sĩ, đi bao nhiêu bệnh viện... Cứ thấy ai hiếm muộn mà có con, vợ anh đều đến hỏi chữa ở đâu và như thế nào. Cả hai chăm chỉ làm việc, tiết kiệm tiền, không may một bộ quần áo suốt 3 năm để có tiền đi chữa vô sinh.

Suốt thời gian đó, chị Hà có thai hai lần đều ngoài tử cung, một lần phải cắt một bên vòi trứng. Hai lần bơm tinh trùng vào tử cung, hai lần kích trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm, 6 lần chuyển phôi thất bại.

Lần này may mắn đậu thai, chị Hà không dám về nhà mà xin ở lại bệnh viện phòng khi có sự cố. Sau 4 tháng thai ổn định chị mới ra viện. Hành trình mang bầu của chị cũng không hề suôn sẻ như những phụ nữ khác. Từ tuần thai 28 siêu âm chị luôn trong tình trạng ít ối, ra máu, dọa sinh non. Đến tuần thai thứ 29 chị Hà chuyển sang Bệnh viện Phụ Sản Trung ương theo dõi. Các bác sĩ cố gắng giữ thai nhi đến tuần 35 thì mẹ vỡ ối phải mổ sớm. Cuối cùng bé chào đời an toàn. Nghe được tiếng con khóc, nhìn thấy con, nước mắt chị cứ thế rơi. Sau bao căng thẳng, áp lực hai bên, cuối cùng vợ chồng chị cũng đã có con.

Bé được các bác sĩ chăm sóc đặc biệt 20 ngày sau đó về với bố mẹ. Giờ đây cô bé đã được 10 tháng tuổi. Ngày 18/8 cả gia đình đã có mặt tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để gặp gỡ các cặp vợ chồng hiếm muộn khác và kể lại câu chuyện của mình.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!