Ở trẻ em, rôm sảy có chủ yếu ở da đầu, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng. Ở người lớn, rôm sảy phát triển ở các nếp gấp của da và những vị trí cọ sát của quần áo.
Nguyên nhân
Da chúng ta có 2 loại tuyến mồ hôi: tuyến ngoại tiết (eccrine) và tuyến đầu tiết (apocrine). Các tuyến ngoại tiết chiếm hầu hết diện tích da của cơ thể và mở trực tiếp ra bề mặt của da. Các tuyến đầu tiết chỉ phát triển ở những vùng có nhiều nang lông như da đầu, nách và bẹn. Khi thân nhiệt tăng, hệ thần kinh tự trị sẽ kích thích các tuyến ngoại tiết bài tiết mồ hôi.
Mồ hôi di chuyển dọc theo các ống tuyến, thoát ra bề mặt của da để làm lạnh cơ thể và bốc hơi. Rôm sảy sẽ phát triển khi một số các ống tuyến ngoại tiết bị nghẽn. Thay vì bốc hơi, mồ hôi sẽ bị giữ lại dưới da gây tình trạng viêm và nổi mụn đỏ.
Ảnh minh họa: Internet
Người ta vẫn chưa rõ vì sao các ống tuyến mồ hôi lại bị nghẽn nhưng có thể do vai trò của một vài yếu tố sau: Các ống tuyến chưa hoàn chỉnh, khí hậu nhiệt đới, hoạt động thể lực, vài loại vải quần áo, thuốc chữa bệnh, vi khuẩn... Ngoài ra còn có một số yếu tố khác cũng có thể gây rôm sảy: Sưởi quá nóng, ngủ trong chăn điện, nằm một chỗ lâu ngày...
Rôm sảy có thể tự khỏi không cần phải điều trị. Tuy nhiên, cần đưa trẻ đi khám bệnh khi bị rôm sảy kéo dài trên 3-4 ngày, tổn thương xấu đi hay có các dấu hiệu bội nhiễm như: tổn thương da sưng phù, nóng, đỏ, đau, có mủ chảy ra, sưng hạch vùng cổ, nách, bẹn, có triệu chứng sốt, ớn lạnh.
Bác sĩ điều trị có thể định bệnh rôm sảy bội nhiễm ngay qua thăm khám lâm sàng, không cần làm các xét nghiệm chẩn đoán.
Hệ lụy từ rôm sảy
Rôm sảy thường tự khỏi nhưng đôi khi một số biến chứng có thể xảy ra như:
Nhiễm trùng: Các sang thương của rôm sảy có thể bội nhiễm vi trùng tạo ra mụn mủ đau và ngứa nhiều.
Sốc do nóng: Trong thời tiết nóng, những bệnh nhân bị rôm sảy dạng sâu có nguy cơ bị choáng do nhiệt: đau đầu, mạch nhanh, nôn, hạ huyết áp… có thể đưa đến tình trạng đột quỵ nguy hiểm.
Ứng phó và phòng ngừa
Điều trị rôm sảy hữu hiệu nhất là làm giảm tiết mồ hôi bằng phương pháp điều hòa nhiệt độ: máy lạnh, quạt thông khí, mặc áo quần thoáng mát và hạn chế vận động. Khi da bị làm mát lạnh, rôm sảy sẽ biến mất nhanh chóng.
Dạng rôm sảy nhẹ không cần phải điều trị nhưng ở các dạng nặng hơn đôi khi cần phải được điều trị bằng các loại thuốc bôi để giảm cảm giác khó chịu và ngăn ngừa biến chứng. Các loại thuốc bôi thường dùng điều trị rôm sảy là: dung dịch Calamine làm dịu ngứa. Anhydrous lanolin có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng bít các ống tuyến mồ hôi và ngưng phát sinh các sang thương mới. Các loại thuốc bôi có chứa steroids dùng trong các trường hợp nặng. Có thể dùng vitamin C uống để giúp làm dịu các sang thương rôm sảy.
Để phòng ngứa rôm sẩy, cần mặc quần áo bằng loại vải mềm, nhẹ, có thể hút ẩm vào mùa hè. Tránh mặc quá nhiều, quá chật vào mùa đông.
Tránh nắng khi thời tiết quá nóng, có thể dùng quạt thông khí, máy điều hòa nhiệt độ.
Chỗ ngủ phải luôn mát mẻ và thông khí tốt.
Tắm nước lạnh và không dùng xà phòng loại làm khô da.
Đối với trẻ, cần hạn chế không cho bé ra nắng từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều. Sở dĩ bạn không nên hoặc hạn chế đến mức thấp nhất có thể để bé tiếp xúc với ánh nắng vào thời điểm này, bởi lẽ đây là khoảng thời gian các tia UVA và UVB cực độc từ mặt trời hoạt động mạnh nhất, rất dễ khiến cho da bé bị cháy nắng, bỏng rát hay nguy hiểm hơn là dẫn tới nguy cơ ung thư da. Bên cạnh đó, cần giữ cho da bé được khô ráo và sạch sẽ. Không nên thoa quá nhiều kem hay phấn lên da trẻ vì sẽ bịt lại các lỗ chân lông, dễ khiến trẻ bị nổi rôm hơn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!