Thuốc trị rôm sẩy ở trẻ

Cần biết - 11/24/2024

Rôm sẩy là tình trạng rất hay gặp ở trẻ. Hầu hết các trường hợp rôm sẩy có thể tự lành.

Nếu không biết cách phòng tránh, điều trị, rôm sẩy có thể gây tổn thương da gây nhiễm trùng, làm cho việc điều trị sẽ phức tạp hơn...

Rôm sẩy là hiện tượng da nổi mụn nhỏ, thường có màu đỏ, do quá nóng. Trẻ em ở mọi độ tuổi đều có thể bị rôm sẩy, tuy nhiên, trẻ nhỏ dễ gặp vấn đề này hơn.

Rôm sẩy biểu hiện với nhiều sẩn nhỏ màu hồng, mụn nước nhỏ như đầu đinh ghim, đôi khi có mụn mủ trắng xen lẫn, mọc lấm tấm, hoặc mọc thành từng đám, có khi dày đặc.

Các vị trí thường gặp: Trán, đầu, đôi khi ở người. Bệnh nhân bị ngứa nhiều và ngứa tăng lên khi đi ra ngoài trời nắng mà có ra mồ hôi, càng gãi thì càng ngứa tăng lên. Thường thì tổn thương da chỉ chứa dịch trong, nhưng nếu bệnh nhân gãi nhiều có thể bị nhiễm trùng và có mụn mủ.

Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, mặc các loại quần áo bí hơi, quấn quá nhiều tã lót, để trẻ trong phòng kín, ít tắm rửa hoặc tắm quá nhiều trong ngày làm mất đi chất ceramide bảo vệ da cũng dễ dẫn đến da bị ngứa, khi gãi nhiều thì các mụn nước và các sẩn xuất hiện. Ở vùng nông thôn vào mùa thu hoạch lúa, ngô, bụi bặm từ rơm, dạ, cây ngô, bẹ ngô, bám vào da gây kích thích làm bệnh nhân ngứa, gãi, gây tổn thương da, viêm da.

Thuốc trị rôm sẩy ở trẻ

Rôm sẩy biểu hiện với nhiều sẩn nhỏ màu hồng, mụn nước nhỏ như đầu đinh ghim, đôi khi có mụn mủ trắng xen lẫn, mọc lấm tấm, hoặc mọc thành từng đám.

Dùng thuốc như thế nào?

Hầu hết các trường hợp rôm sẩy có thể tự lành. Có thể làm để giảm triệu chứng cho trẻ bằng cách: Nới lỏng quần áo trẻ, chọn áo quần làm từ vải cotton dễ hút mồ hôi; di chuyển trẻ vào phòng thoáng và mát mẻ; dùng bông gòn hay gạc sạch nhúng nước sạch hoặc nước ấm lau mát vùng da bị tổn thương, cách nhau 4 - 6 giờ/ lần trong ngày để giữ cho da bé mát và khô ráo.

Có thể dùng một số loại lá để đun tắm cho trẻ: Lá tía tô, lá kinh giới, lá chè xanh, lá trầu không, mướp đắng, gừng tươi, lá ngải cứu, lá khế... Lưu ý, kỳ nhẹ nhàng bằng gạc hoặc khăn bông mềm, với trẻ nhỏ thì kỳ cho trẻ bằng lòng bàn tay, tuyệt đối không lấy bã kinh giới hoặc bã mướp đắng... chà xát lên da. Không dùng bàn chải, đá kỳ, xơ mướp, khăn bông ráp chà mạnh cho đỡ ngứa, sẽ làm cho da tổn thương nặng hơn, gây nhiễm trùng và viêm da nặng hơn.

Dùng phấn rôm xoa ngày 2-3 lần, trong phấn rôm có bột talc, bột kẽm ôxit, có tác dụng thoáng da, hút ẩm. Nên chọn phấn rôm thành phần có chất sát khuẩn, se da thì càng tốt vì có thể ngăn ngừa được nhiễm khuẩn da.

Không nên mua các loại mỡ kháng sinh về bôi vì mỡ có vaseline, bít chân lông, làm cho da bí hơi, mồ hôi không thoát ra được dễ dẫn đến viêm da.

Khi da bị viêm bôi các chế phẩm làm dịu mát như: Jarish, hồ nước, ngày 2 lần trong vòng 1- 2 tuần. Nếu không đỡ hoặc tổn thương có viêm đỏ nhiều thì phải bôi một trong các chế phẩm sau: eumovate, fFobancort, flucinate... Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ bôi trong vòng 1 tuần, nếu không hiệu quả phải dừng lại.

Trường hợp trẻ ngứa nhiều có thể uống kháng histamin vào buổi tối.

Nếu có các dấu hiệu gợi ý nhiễm trùng da nặng, cần cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt: Mẹ cảm nhận thấy bé có vẻ tăng cảm giác đau, sưng, nóng, đỏ xung quanh khu vực bị rôm sẩy; xuất hiện vệt hay mảng đỏ lâu dài ở khu vực bị rôm; chảy mủ hoặc rỉ dịch từ khu vực này; sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ, nách, hang; sốt.

Làm sao phòng rôm sẩy?

Cần thực hiện một số biện pháp sau:

Hàng ngày tắm cho trẻ bằng nước mát, mẹ đừng nên lạm dụng sữa tắm nhiều có thể gây khô da bé.

Mặc quần áo cho trẻ bằng loại vải mềm, thoáng mát, dễ thấm mồ hôi.

Nhà ở cần thoáng gió, mát mẻ, không nên vì sợ gió mà quấn cho trẻ quá nhiều quần áo, tã lót và ở trong phòng kín cả ngày, làm trở ngại cho sự hô hấp của da trẻ.

Ăn nhiều thức ăn mát như: Bột sắn dây, chè đậu đen, canh mồng tơi, nước rau má, nước cam, nước chanh... uống nước đầy đủ.

Khi bị rôm sẩy chỉ cần xử trí đúng phương pháp. Khi trời mát rôm sẩy sẽ dịu đi hoặc lặn hết...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!