Khi một người mắc lo âu, trầm cảm hay các tình trạng sức khỏe tâm thần khác, các triệu chứng bệnh thường xuất hiện liên tục trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, nếu mắc rối loạn nhân cách ranh giới, bạn sẽ có cảm xúc, ý thức bản thân và các mối quan hệ không rõ ràng và kiên định. Những mục tiêu, sở thích hay nhận thức bản thân cũng có thể thay đổi thường xuyên mà không có lý do rõ ràng. Dưới đây là các dấu hiệu đặc trưng của chứng rối loạn nhân cách ranh giới.
Các mối quan hệ không bền vững
Những người mắc bệnh rối loạn nhân cách ranh giới thường có các mối quan hệ không ổn định, thậm chí với người thân hay bạn bè.
Họ có thể đang yêu thương mãnh liệt một ai đó, nhưng rồi đột ngột trở nên giận dữ và chán ghét người đó. Người mắc bệnh này thường có những phản ứng thái quá hay thậm chí là cảm giác bị “hắt hủi” nếu như có những sự thay đổi đột ngột hay bỗng nhiên bị tách biệt trong một mối quan hệ.
Tức giận vô cớ
Người mắc bệnh rối loạn nhân cách ranh giới có thể dễ dàng tức giận với những tình huống ngoài tầm kiểm soát hoặc không thật sự quan trọng. Một trong những triệu chứng bệnh phổ biến là phản ứng tức giận dữ dội với các tình huống thông thường, ví dụ như khi phải rời xa bố, mẹ hay người thân yêu trong khoảng thời gian ngắn vì lịch công tác của họ. Lúc này, những người mắc bệnh rối loạn nhân cách ranh giới sẽ cảm thấy cực kì tức giận, thù ghét thay vì cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi.
Nhận thức bản thân không rõ ràng
Khi một người mắc bệnh rối loạn nhân cách ranh giới, cảm nhận của họ về bản thân sẽ không ổn định. Đôi khi, họ có thể thấy mình rất tốt, nhưng có khi lại cảm thấy chán ghét bản thân hay thậm chí tự xem mình là “ác quỷ”. Họ có thể không xác định được bản thân và những điều mình muốn làm trong cuộc sống. Vì vậy, họ sẽ thường xuyên thay đổi công việc, bạn bè, người yêu, tín ngưỡng, giá trị bản thân, mục tiêu và thậm chí giới tính.
Tiêu xài hoang phí và hành vi bốc đồng, nguy hiểm
Người mắc bệnh rối loạn nhân cách ranh giới thường có nhiều hành vi nguy hiểm và bốc đồng như tiêu xài hoang phí, quan hệ tình dục không an toàn, ăn uống vô độ, cờ bạc hoặc lái xe bất cẩn. Những hành động trên thường liên quan đến khả năng nhận thức kém về bản thân ở người bệnh.
Tự làm tổn thương bản thân
Những người mắc bệnh rối lọan nhân cách ranh giới có xu hướng tự tử hoặc cố ý làm tổn thương bản thân. Các hành vi tự tử bao gồm suy nghĩ, thực hiện các hành vi hoặc cử chỉ làm hại bản thân, hoặc cố gắng tự tử. Tự làm tổn thương bao gồm nỗ lực làm đau bản thân nhưng không có ý định tự tử. Một vài dấu hiệu khác của tình trạng này là rạch tay, chân và làm bỏng cơ thể.
Thường cảm thấy trống rỗng
Người mắc bệnh rối loạn nhân cách ranh giới thường mang cảm giác bị cô lập khi người thân yêu không có bên cạnh dù chỉ một ngày hay vài giờ ngắn ngủi, dẫn đến việc họ cảm thấy thiếu vắng và không biết cách để lấp đầy khoảng trống đó. Người bệnh có thể cảm thấy bản thân không có giá trị, bị bỏ rơi hay trống vắng khi người thân yêu rời đi, mặc dù với lí do rất bình thường.
Sợ bị bỏ rơi
Người bị rối loạn nhân cách ranh giới thường sợ hãi khi ở một mình hoặc bị bỏ rơi. Họ có thể cực kì sợ hãi khi người thân yêu tan sở muộn hoặc ra ngoài vào cuối tuần, điều này làm người bệnh luôn “điên cuồng” tìm cách giữ người thân bên cạnh mình. Họ có thể sẽ cầu xin, bám đuôi, gây gổ, theo dõi hành động của người thân hoặc thậm chí khóa cửa không cho họ ra khỏi nhà. Đáng tiếc, những nỗ lực này thường sẽ “phản tác dụng” và khiến mọi người càng muốn nhanh chóng rời xa họ.
Nghi ngờ hoặc xa rời thực tế
Người mắc bệnh thường có những suy nghĩ hoang tưởng và nghi ngờ hành động của người khác. Khi bị căng thẳng, họ thường ảo tưởng những điều phi thực tế. Họ có thể cảm thấy xung quanh mờ ảo, bị “đơ” người, hoặc như thể họ đang trong trạng thái hồn lìa khỏi xác.
Người bệnh cần phải được điều trị các triệu chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị hiệu quả. Các loại thuốc, bao gồm thuốc ổn định khí sắc, chống rối loạn thần kinh và trầm cảm, có thể giúp kiểm soát triệu chứng bệnh.
Các hình thức tư vấn và liệu pháp như tâm lý trị liệu và liệu pháp hành vi biện chứng có thể sẽ giúp ích người bệnh kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình. Việc điều trị theo nhóm cũng có thể khuyến khích họ thay đổi hành vi của mình bằng cách học hỏi những khó khăn và vấn đề tương tự từ người khác.
Căn bệnh rối loạn nhân cách ranh giới là một căn bệnh chưa phổ biến. Vì vậy, việc tìm hiểu kĩ càng thông tin cũng như những triệu chứng bệnh là việc làm cần thiết để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:
- Vui buồn thất thường? Cẩn thận với rối loạn lưỡng cực!
- Vượt qua ý định tự tử không khó!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!