Sai lầm của cha mẹ khi nói về quấy rối tình dục

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Việc dùng tên ‘lóng’ hoặc ‘ám chỉ’ cho bộ phận sinh dục dễ gây nhầm lẫn nếu trẻ dùng tên này khi ‘mách’ chuyện với người lớn khác.

Vấn nạn quấy rối và xâm hại tình dục trẻ em hiện đang gia tăng đến mức đáng báo động. Theo một báo cáo của Bộ Công an, trung bình mỗi năm trên toàn quốc có 1.400 - 1.500 vụ xâm hại trẻ em được thụ lý và điều tra, trong đó có trên 60% là xâm hại tình dục. Không ít vụ diễn ra trong thời gian dài mà cha mẹ không hề hay biết, nhiều vụ thủ phạm là người quen, họ hàng, thậm chí là người thân trong gia đình.

Quấy rối tình dục để lại những hậu quả nặng nề cho trẻ cả về thể chất và tinh thần, thậm chí để lại những di chứng tâm lý suốt đời. Tuy nhiên, nhiều em bị quấy rối và lạm dụng tình dục thời gian dài, thậm chí hàng năm trời, cho đến khi được người xung quanh vô tình phát hiện ra chứ không biết cách cầu cứu.

Sai lầm của cha mẹ khi nói về quấy rối tình dục

Ảnh minh họa

Một trong những lý do của thực trạng này là nhiều bậc cha mẹ còn chưa quan tâm đến việc chỉ dạy cho con những kỹ năng để tự bào vệ mình, cũng như chưa biết cách trao đổi để con có thể ‘mở lòng’ với mình khi cần thiết. Điều này phần nào là do tâm lý của cha mẹ Việt nói riêng, người Á Đông nói chung vốn thường ngại ngần trước những vấn đề liên quan đến tình dục và giới tính, coi đó là chuyện ‘bậy bạ, xấu hổ’, và ‘có nói thì con cũng không thể hiểu được’.

Đôi khi, chính cách nói của cha mẹ với con về quấy rối tình dục lại vô tình khiến con trẻ e ngại và khó ‘trải lòng’ với người lớn mỗi khi gặp rắc rối. Dưới đây là những sau lầm mà cha mẹ hay mắc phải.

1. Không nên:

‘Con không được để cho ai sờ vào chỗ đó’

hoặc: ‘Không ai được phép sờ vào chỗ kín của con’.

Mà hãy:

‘Nếu có ai đó sờ vào chỗ này của con, hãy nói với bố/mẹ nhé’.

hoặc: ‘Lúc nào con cũng có thể nói với bố/mẹ nếu có ai đó sờ vào chỗ này của con’…

Tại sao?

Người lớn hoặc những trẻ lớn tuổi hơn khác thường to hơn, khỏe hơn và thường có thể đe dọa hoặc ép buộc trẻ. Nếu bạn bảo con là không được để cho ai đụng chạm vào cơ thể mình, thì khi sự việc xảy ra, trẻ có thể nghĩ rằng ‘Chết rồi, mình đã để bị chạm vào chỗ mà mẹ dặn, chắc mình sẽ gặp rắc rối to rồi’. Như thế, trẻ sẽ không dám kể lại sự việc với bạn hoặc thậm chí cảm thấy lỗi là do mình.

Sai lầm của cha mẹ khi nói về quấy rối tình dục

Ảnh minh họa

2. Không nên:

Dùng những từ ngữ ám chỉ những vùng trên cơ thể trẻ là chỗ ‘bẩn thỉu’ hoặc ‘xấu xa’.

Mà hãy:

‘Đây là chỗ kín của con’ hoặc gọi đúng tên phần cơ thể đó, ví dụ như ‘âm đạo’ hoặc ‘dương vật’.

Tại sao?

Điều quan trọng là phải để trẻ, dù ở lứa tuổi nào, biết được tên gọi của các bộ phận trên cơ thể và biết rằng toàn bộ cơ thể của trẻ đều ổn. Ngoài ra, việc dùng những tên ‘lóng’ hoặc ‘ám chỉ’ cho bộ phận sinh dục có thể gây nên nhầm lẫn nếu trẻ dùng những tên này khi ‘mách’ chuyện với người lớn khác. Nhiều gia đình có những tên gọi khác nhau, nhưng cần tránh những tên ngụ ý sự ‘xấu hổ’ hoặc ‘xấu xa’ khi nói về bộ phận trên cơ thể.

3. Không nên:

Thường xuyên hỏi trẻ về việc bị sờ mó, kiểu như ‘Có ai sờ vào con phải không?’ hoặc ‘Ai đã chạm vào chỗ dưới này của con hả?’

Mà hãy:

‘Có gì quấy rầy con à?’

‘Con ổn chứ?’

‘Ai đã làm gì khiến con lo lắng hoặc bối rối như vậy?’

Tại sao?

‘Ai đã chạm vào con hả?’ là câu hỏi có thể khiến các bé bối rối. Trong suy nghĩ ngây thơ của trẻ, tất nhiên là có người ‘chạm’ vào chúng rồi. Và những trẻ còn nhỏ đang tập đi vệ sinh có thể sẽ cần được người khác ‘đụng chạm’ vào chỗ kín theo cách thích hợp và cần thiết.

4. Không nên

‘Mẹ hứa sẽ không nói với ai’

Mà hãy:

‘Mẹ không thể hứa là sẽ không nói, nhưng mẹ hứa rằng mẹ sẽ làm mọi việc để giúp con. Hãy cho mẹ nghe xem điều gì đang quấy rầy con. Mẹ muốn giúp con’.

Tại sao?

Trước khi bộc bạch, trẻ có thể đòi bạn phải ‘hứa’ là không kể với bất kỳ ai về việc bị quấy rối hoặc về kẻ quấy rối. Trẻ cần có mối quan hệ tin cậy với bạn và việc phá vỡ lời hứa cũng sẽ gây tổn thương đối với trẻ. Nếu đó là chuyện quấy rối thì việc khai báo và yêu cầu pháp luật giúp đỡ luôn là cách tốt nhất cho trẻ.

Sai lầm của cha mẹ khi nói về quấy rối tình dục

Ảnh minh họa

5. Không nên

‘Mẹ sẽ giết người nào sờ vào những chỗ này của con’.

Mà hãy:

‘Việc của mẹ (hoặc của bố) là bảo vệ và chăm sóc con. Vì mẹ không ở bên con cả ngày được, nên không phải lúc nào mẹ cũng biết được những chuyện đang xảy ra. Nếu có ai làm bất kỳ điều gì khiến con cảm thấy vui hoặc sợ hoặc đụng chạm vào con, con hãy kể cho mẹ nhé’.

Tại sao?

90% số trẻ bị quấy rối tình dục biết kẻ quấy rối. Kẻ quấy rối thường là họ hàng, người chăm sóc hoặc bạn của gia đình và đã có thời gian dài thân quen với trẻ. Khi thấy phản ứng hoặc suy nghĩ mạnh mẽ ban đầu của bạn về kẻ ‘động đến’ trẻ, trẻ có thể sẽ lo sợ rằng chúng đang phải chịu trách nhiệm về sự an toàn hoặc sức khỏe của một người đang được gia đình yêu mến. Nói chúng các bé thường rất sợ cơn giận dữ của người lớn và lo rằng cha mẹ sẽ trút giận vào chúng.
Nói chung, bạn cần trò chuyện thương xuyên về các hoạt động của con, những người trong cuộc sống của chúng và chúng cảm thấy thế nào. Nếu bạn lo ngại đang có ai đó hoặc chuyện gì đó khiến trẻ bận tâm, hay hỏi những câu cụ thể hơn. Nếu đặt được nền móng cho cuộc trò chuyện cởi mở, không đáng sợ, không đe dọa, thì trẻ sẽ dễ dàng bộc bạch với cha mẹ hơn.

Nguyễn Vũ Cẩm Tú

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!