Alzheimer là một bệnh sa sút trí tuệ tiến triển ở người lớn tuổi. Cho đến nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nhưng người ta nhận thấy bệnh có mối liên quan tới sự mất cân bằng hoóc-môn, môi trường và yếu tố liên quan tới di truyền. Điều đáng nói là do nhận thức chưa đầy đủ hoặc sai lầm, nhiều người đang mất đi cơ hội điều trị căn bệnh này.
Những dấu hiệu giúp phát hiện bệnh sớm
Alzheimer là một trong những rối loạn nhận thức phổ biến nhất, tỷ lệ mắc bệnh tăng mạnh theo tuổi tác. Theo một thống kê ở Mỹ, trên 50% người tuổi 75-84 mắc sa sút trí tuệ, đa số có các sa sút trí tuệ điển hình của bệnh Alzheimer. Bệnh chủ yếu là suy giảm nhận thức từ mức độ nhẹ tới nặng với các biểu hiện như giảm trí nhớ quá khứ, giảm khả năng tập trung trong công việc cũng như khả năng lĩnh hội các kiến thức mới và ra quyết định.
Khám phát hiện bệnh Alzheimer cho bệnh nhân tại BV Lão khoa. Ảnh: TM
Theo BSCKII. Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai: Bệnh nhân Alzheimer có thời gian sống trung bình kể từ khi phát hiện khoảng 10 năm, cá biệt tới 20 năm. Dù là phát hiện ở độ tuổi thông thường 80-90 cũng không có sự khác biệt nếu mắc bệnh sớm ở tuổi 50-60 về biểu hiện của bệnh.
Tuy người bệnh Alzheimer thường không tử vong trực tiếp bởi căn bệnh này mà do các bệnh đồng diễn khác, nhưng lại rất cần được phát hiện sớm. Bởi vì bệnh này nếu không sớm được phát hiện, điều trị và chăm sóc hợp lý sẽ nhanh chóng tiến triển tới mất trí. Việc phát hiện sớm những triệu chứng suy giảm nhận thức sẽ giúp thiết lập điều trị phù hợp, làm chậm quá trình sa sút trí tuệ, kéo dài thời gian ổn định bệnh. Nhờ đó sẽ giảm gánh nặng bệnh tật cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
ThS.BS. Nguyễn Doãn Phương - Viện Sức khỏe tâm thần khuyến cáo, những người từ 50 tuổi trở lên, có ít nhất một trong các triệu chứng sau nên đi khám, tư vấn về bệnh Alzheimer: Hay quên ngay những điều vừa mới nghe hoặc những điều vừa mới dự định làm; Khó khăn để nhớ thực hiện những việc quen thuộc hằng ngày (vệ sinh cá nhân, ăn uống…); Quên những từ đơn giản hoặc dùng từ không đúng; Có thể bị lạc ở một nơi đã từng rất quen thuộc, hoặc không thể nhớ phải làm thế nào để đến được nơi đó hoặc từ đó quay trở về nhà; Khó nhận biết con số hoặc thực hiện các phép tính đơn giản; Quên vị trí đồ vật vẫn thường để chỗ quen thuộc; Tâm trạng, khí sắc dễ thay đổi...
Vì đâu Alzheimer tấn công người trẻ (Việt hóa bởi Songkhoe.vn)
Nhiều sai lầm trong chữa trị bệnh Alzheimer
Trên thực tế, các bác sĩ ở Viện Sức khỏe tâm thần BV Bạch Mai nhận thấy, nhiều người nhà của bệnh nhân Alzheimer không nhận biết được người thân của mình mắc bệnh, mà đơn giản cho rằng đó là do tuổi già, không cần khám và điều trị.
BSCKII. Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cảnh báo một tình trạng tự điều trị gây tốn kém mà không đạt hiệu quả ở khá nhiều người bệnh. Đó là mua các loại thuốc được quảng cáo là chống sa sút trí tuệ và dùng theo sự mách bảo truyền miệng. Ông cho biết, đối với bệnh Alzheimer, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy hiệu quả của việc bổ sung vitamin nhóm B, vitamin E, acid béo, hay thuốc chiết xuất từ Gingko biloba, melatonin...
Tuỳ từng trường hợp mà người bệnh có thể được dùng thuốc chống trầm cảm, hay thuốc chống co giật, kích động, loạn thần... do bác sĩ thăm khám và chỉ định. Do đó, không có chuyện người này có thể dùng đơn thuốc của người khác bởi không những không hiệu quả mà còn nguy hiểm. Một sai lầm khác mà các bác sĩ kể ra là có những trường hợp người bệnh đến khám, bác sĩ kê đơn uống trong 1 tháng, hẹn sau đó khám lại. Nhưng do không nhận thức đầy đủ, do điều kiện khó khăn (nhà xa cách bệnh viện, không có thời gian...), người bệnh mua luôn lượng thuốc uống cả năm. Cần hiểu rằng, qua lần tái khám, bác sĩ sẽ tùy theo diễn biến của bệnh, sự đáp ứng với thuốc mà điều chỉnh đơn. Làm như trên là người bệnh tự mình làm mất đi cơ hội điều trị, gây lãng phí, có khi còn thêm các nguy cơ cho sức khỏe.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!