Sâu răng là sự phá hủy men răng của vi khuẩn có trong các mảng bám. Sâu răng có thể xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Khi bạn ăn uống thực phẩm có chứa đường sẽ gây ra các mảng bám ở răng, là điều kiện tiên quyết để các vi khuẩn trong mảng bám tạo ra axit tấn công men răng. Độ dính của mảng bám giữ cho axit tiếp xúc với răng của bạn và theo thời gian sẽ bào mòn, phá vỡ men răng làm hư răng. Sâu răng tạo ra một lỗ nhỏ ở răng của bạn.
Dấu hiệu và triệu chứng của sâu răng là gì?
Tùy thuộc vào vị trí của lỗ sâu răng mà các các triệu chứng có thể khác nhau. Khi khoang sâu răng mới hình thành bạn sẽ không thấy biểu hiện gì cho đến nó lớn hơn. Bạn có thể nhận biết mình đang bị sâu răng thông qua các dấu hiệu sau:
- Đau răng;
- Răng nhạy cảm;
- Răng đau buốt khi ăn hoặc uống gì đó nóng hay lạnh đột ngột;
- Lỗ dễ thấy trong răng bị sâu của bạn;
- Có vết đen, nâu hoặc trắng trên bề mặt răng;
- Đau khi bạn cắn đồ ăn.
Có thể có các biểu hiện và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ.
Giảm triệu chứng và cơn đau do sâu răng
- Xem xét điều trị bằng flour: nha sĩ có thể đề nghị phương pháp điều trị flour theo định kỳ, đặc biệt là nếu răng bạn không được cung cấp đủ flour;
- Phương pháp điều trị kháng khuẩn: Nếu bạn đặc biệt dễ bị sâu răng (ví dụ như do tình trạng bệnh lý nhất định nào đó), nha sĩ có thể cho bạn sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn hoặc đề xuất các phương pháp điều trị khác để giúp giảm lượng vi khuẩn có hại trong miệng của bạn;
- Sử dụng những loại thuốc giảm đau để giảm cơn đau do sâu răng gây ra. Nếu bạn không biết phải dùng liều lượng thuốc như thế nào, hãy hỏi bác sĩ hoặc nha sĩ;
- Dùng muối, tỏi hoặc nghệ để điều trị sâu răng.
Với tính khử trùng và diệt khuẩn, muối có thể được sử dụng trong điều trị sâu răng. Muối giúp làm giảm viêm, giảm đau và ngăn ngừa vi khuẩn quay trở lại. Hòa tan một muỗng muối với nước ấm. Súc miệng với dung dịch này trong vòng 1 phút, đặc biệt súc kĩ ở vùng răng bị sâu. Súc nước muối 3 lần/ngày cho đến khi các triệu chứng chấm dứt.
Tỏi thường được sử dụng để điều trị sâu răng bởi tính kháng khuẩn và kháng sinh đặc trưng. Tỏi làm giảm đau cũng như giúp nướu và răng khỏe mạnh hơn. Bạn có thể dùng dầu tỏi chà lên răng bị sâu để giảm đau, ngoài ra ăn tỏi sống cũng là một cách hiệu quả.
Nghệ thường được dùng để giảm cơn đau do sâu răng gây ra. Nghệ có tính kháng khuẩn và kháng viêm, giúp nướu khỏe mạnh và ngăn ngừa sâu răng do nhiễm khuẩn. Hãy dùng bột nghệ đắp lên răng sâu, giữ nguyên trong vài phút, sau đó súc miệng với nước ấm để trị sâu răng.
Khi nào bạn cần gặp nha sĩ?
Có thể bạn không hề biết rằng đang có một khoang sâu răng được hình thành trên răng. Đó là lý do vì sao bạn nên khám nha khoa định kỳ để kiểm tra và làm sạch răng, thậm chí ngay cả khi bạn cảm thấy mình không mắc bệnh răng miệng. Tuy nhiên, nếu đã từng bị đau răng hoặc đau miệng, bạn nên gặp nha sĩ càng sớm càng tốt.
Bạn nên phòng ngừa sâu răng như thế nào?
Bạn có thể ngăn ngừa sâu răng bằng những cách sau:
- Đánh răng hai lần một ngày với kem đánh răng có chứa fluoride;
- Làm sạch kẽ răng hàng ngày bằng chỉ tơ nha khoa;
- Hạn chế ăn vặt và hãy ăn những bữa ăn cân bằng chất bổ dưỡng;
- Hãy hỏi nha sĩ về việc sử dụng thường xuyên các chất có chứa fluoride để giúp răng chắc khỏe và về việc sử dụng một lớp bao phủ răng (một miếng đệm bằng nhựa) để phủ lên bề mặt của những cây răng nằm sâu trong hàm (nơi dễ bị sâu răng nhất);
- Khám nha sĩ thường xuyên để nha sĩ kiểm tra răng tổng quát và được hướng dẫn làm sạch răng đúng cách.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào phát sinh, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!