Sau sinh, lo gì thiếu sữa!

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Càng cho bé bú nhiều thì cơ thể mẹ sẽ càng được báo hiệu để sản xuất nhiều sữa hơn.

Khả năng sản xuất sữa cho con bú là bản năng đối với đa số phụ nữ. Sữa mẹ thường được sản xuất theo nhu cầu của bé. Càng cho bé bú nhiều thì cơ thể mẹ sẽ càng được báo hiệu để sản xuất nhiều sữa hơn.

Tuy nhiên cũng có một số chị em gặp các vấn đề gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất sữa của cơ thể. Dưới đây là 7 lời khuyên giúp mẹ dễ dàng tăng nguồn sữa cho bé yêu bú.

Cho bú nhiều

Hãy cho bé bú ngay khi nhận thấy dấu hiệu bé đã đói và muốn 'ti'. Nếu bạn có thể phát hiện sớm ra việc bé đã cảm thấy đói và cho bé bú ngay thì cũng sẽ giảm thiểu được trường hợp bé quấy khóc.

Nên nhớ, khi bé quấy khóc thì thường là bé đã quá đói rồi. Thậm chí, bạn có thể cho bé bú ngay cả khi không chắc bé có đói hay không, bởi điều này hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tiêu cực tới bé. Hơn nữa, nếu bạn tích cực cho bú thường xuyên thì cơ thể cũng sẽ 'chăm' sản xuất sữa hơn.

Sau sinh, lo gì thiếu sữa!

Cơ thể sẽ 'tích cực' sản xuất sữa hơn khi mẹ thường xuyên cho bé bú (Ảnh minh họa: Internet)

Hạn chế sử dụng núm vú giả, trừ khi thật cần thiết

Nếu bé càng ít bú thì núm vú của mẹ sẽ càng ít được kích thích để tiết sữa, kết quả là nguồn sữa cho bé bú sẽ ít đi. Chính vì vậy, hãy tìm hiểu những nguồn thông tin đáng tin cậy trước khi quyết định cho bé ngậm núm vú giả hay bú sữa bình.

Ngoài ra, một số bà mẹ tâm sự lý do từ bỏ ý định cho con bú nhanh chóng sau khi sinh là bởi bị đau núm vú trong khi thực tế việc bị đau núm vú cũng có thể do tư thế cho bú của mẹ không hợp lý hay quá căng sữa do bé bú ít.

Do đó, mẹ nên kiên trì với nguồn sữa tự nhiên của mình hết mức có thể bởi trong ít nhất một tháng đầu tiên sau sinh thì sữa mẹ chắc chắn là nguồn tốt nhất cho trẻ.

Tin tưởng con mình

Em bé dù chưa thể nói với mẹ khi muốn bú nhưng chắc chắn biết cách thể hiện khi đói hay khó chịu. Vì vậy, nếu bé không hay bú nhưng lại bú lâu mỗi lần thì hãy ‘chiều’ theo ý bé, đừng vì căng sữa hay tuần theo quy tắc kiểu như ‘2 giờ một lần cho bú’ mà ép bé bú. Cơ thể bạn sẽ điều chỉnh lượng sữa tiết ra theo nhu cầu bú của bé.

Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng

Hãy đảm bảo có một chế độ ăn đầy đủ thực phẩm dinh dưỡng để cơ thể có thể sản xuất đủ sữa. Tuyệt đối không nên ăn kiêng bởi cơ thể phụ nữ đang cho con bú cần nhiều năng lượng hơn phụ nữ không cho con bú khá nhiều.

Ngoài ra, cần chú ý ăn nhiều rau xanh; các thực phẩm chứa nguồn chất béo tốt như bơ, hạt chia, trứng, cá hồi; thực phẩm giàu protein và các loại hạt.

Sau sinh, lo gì thiếu sữa!

Ăn nhiều rau xanh để hạn chế bị nhiệt khi cho con bú (Ảnh minh họa: Internet)

Sẵn sàng cho bé bú 24/7

Một em bé phát triển khỏe mạnh có thể có nhu cầu bú sữa bất kỳ lúc nào. Việc có thể đáp ứng nhu cầu của bé bất kể khi nào là tốt cho cả em bé và nguồn cung cấp sữa của mẹ.

Uống nhiều nước

Trong thành phần của sữa mẹ có một phần không hề nhỏ là nước, chính vì vậy việc cho con bú sẽ khiến cơ thể bạn cần nhiều nước hơn. Thay vì uống 2 lít nước mỗi ngày như trước đây, bạn cần phải uống nhiều hơn để cung cấp cho quá trình sản xuất sữa của cơ thể.

Thiếu nước không những giảm hiệu quả quá trình tiết sữa mà còn khiến mẹ dễ bị táo bón, trĩ và thậm chí nứt kẽ hậu môn vô cùng khó chịu.

Yêu cầu được giúp đỡ khi cần thiết

Nếu bạn không đủ sữa cho bé bú, đau núm vú khi cho bú thì lời khuyên tốt nhất là hãy mau chóng hỏi kinh nghiệm người đi trước hay đi khám bác sỹ. Đừng đấu tranh trong im lặng để rồi sớm từ bỏ ý định cho con bú sữa mẹ.

Những rắc rối gặp phải trong việc cho con bú có thể nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mẹ và dẫn đến nhiều ảnh hưởng không tốt cho cả mẹ và bé. Kinh nghiệm của các mẹ, các bà đi trước chắc chắn sẽ ít nhiều có ích trong từng trường hợp riêng của bạn.

Ngoài ra, cũng có khá nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy hay sách tài liệu đề cập tới vần đề cho con bú sữa mẹ, vì vậy bạn nên dành thời gian tìm hiểu trước khi sinh để có thể dễ dàng đối phó nếu chẳng may gặp 'trục trặc' gì sau này.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!