Sẽ thiếu thuốc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS

Sống khỏe mạnh - 05/05/2024

Sắp tới, nếu nguồn viện trợ của quốc tế giảm, bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng không có thuốc điều trị miễn phí HIV/AIDS.

Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chỉ rõ, nguồn kinh phí quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, nguồn viện trợ quốc tế chiếm đến 80% kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam.

Hiện nay, có 95% kinh phí để mua thuốc kháng vi-rút (ARV) và 100% kinh phí để mua thuốc Methadone để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện là do các tổ chức quốc tế tài trợ. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS quan trọng khác, như truyền thông, tư vấn xét nghiệm, giám sát đại dịch... đều do các tổ chức quốc tế viện trợ.

Sẽ thiếu thuốc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS

Sẽ thiếu thuốc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS (Ảnh minh họa: Internet)

Chia sẻ về những khó khăn khi nguồn viện trợ bị cắt giảm, PGS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho hay, trung bình mỗi năm số lượng bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tăng khoảng 100-200 bệnh nhân.

Sắp tới, nếu nguồn viện trợ của quốc tế giảm, bệnh viện sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như không có thuốc điều trị miễn phí, không có hỗ trợ về mặt xét nghiệm và những chi phí này bệnh nhân phải tự chi trả.

Ông Kính phân tích, nếu viện trợ nước ngoài bị cắt giảm thì đồng nghĩa với việc thiếu những thuốc bậc 2 trong công tác điều trị. Vì hiện nay, Việt Nam chưa sản xuất được những thuốc bậc 2, do vây khả năng cho bác sỹ lựa chọn thuốc điều trị cho bệnh nhân rất khó.

'Thứ hai theo Luật Dược, những thuốc mới ra đời phải dùng ở nước ngoài 5 năm mới được phép đăng ký và sử dụng ở Việt Nam. Do đó, ở nước ngoài thuốc điều trị của họ là bậc 2,3,4 nhưng chúng ta mới chỉ có thuốc điều trị bậc 2. Nếu nguồn viện trợ bị cắt giảm thì khhả năng điều kiện tiếp cận thuốc mới rất khó khăn', PGS. Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.

Phó giáo sư Kính kiến nghị, để công tác điều trị bệnh nhân HIV/AIDS được bền vững thì phải có kinh phí. Trước đây có sự tài trợ của quốc tế, nếu nguồn tài chính của quốc tế rút đi thì phải có sự bù đắp ít nhất cũng bằng với sự tài trợ của quốc tế vì tất cả các bệnh nhân họ phải điều trị suốt đời.

>>Xem thêm:Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!