Sếp phê bình bạn? 5 cách ứng xử khiến sếp quý bạn hơn

Tâm lý - 11/24/2024

Khi cấp trên phê bình, chúng ta thường rất dễ bị tổn thương hoặc nổi nóng vì tự ái. Nếu không kiểm soát cảm xúc tốt, bạn thậm chí sẽ có ý nghĩ muốn thôi việc. Làm sao để bạn có thể tiếp tục làm việc một cách vui vẻ sau khi sếp phê bình?

Khi cấp trên phê bình, chúng ta thường rất dễ bị tổn thương hoặc nổi nóng vì tự ái. Nếu không kiểm soát cảm xúc tốt, bạn thậm chí sẽ có ý nghĩ muốn thôi việc. Làm sao để bạn có thể tiếp tục làm việc một cách vui vẻ sau khi sếp phê bình?

Việc tiếp nhận những lời phê bình khó nghe là điều không thể tránh khỏi trong quá trình làm việc của chúng ta. Ngay cả những vị sếp dễ tính nhất vẫn có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái mỗi khi nhận xét về kết quả làm việc không tốt. Để tránh những xung đột không đáng có và duy trì động lực làm việc sau khi sếp phê bình, bạn có thể tham khảo những lời khuyên sau đây từ Kevin Cruse (CEO của LEADx.org | Cộng tác viên tạp chí Forbes).

1. Đừng phản ứng ngay lập tức khi sếp phê bình

Sếp phê bình bạn? 5 cách ứng xử khiến sếp quý bạn hơn

Khi sếp phê bình, hãy bình tĩnh và đừng phản ứng ngay lập tức. Bạn hãy cố gắng các phản ứng như biểu cảm trên gương mặt cũng như ngôn ngữ cơ thể. Bạn nên tránh phản ứng lại với những lời phê bình trong ít nhất một vài giây. Khoảng thời gian này tuy ít nhưng vẫn đủ để giúp não bộ của bạn có thể phân tích tình huống. Nhờ đó bạn có thể tránh đưa ra những phản ứng tiêu cực, đồng thời giúp bạn có thể đưa ra các quyết định sáng suốt nhất.

Bên cạnh đó, ngoài việc không phản ứng ngay lập tức, bạn cũng nên lưu ý đến việc tránh thể hiện cảm xúc thật sự bạn đang cảm nhận trong khi nhận các lời phê bình. Điều này nhằm tránh gây xích mích cũng như tổn hại đến mối quan hệ giữa bạn và cấp trên. Việc nhận lời phê bình từ sếp mà vẫn giữ bình tĩnh và vui vẻ là một điều cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, chính những lời phê bình khó nghe nhất lại trở thành động lực mạnh mẽ nhất để bạn thay đổi.

2. Suy nghĩ về ý nghĩa tích cực của lời phê bình

Sếp phê bình bạn? 5 cách ứng xử khiến sếp quý bạn hơn

Một trong những lợi ích khác của việc không phản ứng ngay lập tức chính là bạn sẽ có thêm thời gian để suy nghĩ về các mặt tích cực của việc nhận các lời phê bình. Lợi ích của suy nghĩ tích cực không những giúp bạn giảm bớt stress mà còn rất tốt cho sức khỏe: chống trầm cảm, tăng cường khả năng miễn dịch… Hơn nữa, những lời phê bình có thể giúp góp phần cải thiện các kỹ năng, hiệu quả làm việc và các mối quan hệ, từ đó giúp bạn đáp ứng được kỳ vọng của cấp trên.

Nếu suy nghĩ mọi chuyện một cách bình tĩnh sau khi sếp phê bình, bạn sẽ nhận ra rất nhiều ý nghĩa tích cực:

♥ “Sếp muốn mình đi làm đúng giờ để mình bắt kịp mọi người mà không cần phải ở lại quá muộn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”.

♥ “Nhờ sếp yêu cầu cao về chất lượng công việc nên mình mới học hỏi được nhiều và ngày càng tiến bộ nhiều hơn”.

♥ “Nếu sếp không nhắc nhở, chắc mình sẽ gây ra một thiệt hại lớn cho công ty vì xung đột với khách hàng VIP”.

3. Lắng nghe để thấu hiểu cấp trên của bạn

Sếp phê bình bạn? 5 cách ứng xử khiến sếp quý bạn hơn

Khi sếp phê bình bạn, điều quan trọng nhất chính là thái độ tôn trọng khi lắng nghe. Bạn nên nghe và tiếp thu kỹ càng những lời phê bình của cấp trên. Bạn không nên ngắt lời dù cảm thấy điều sếp đang nói vô lý đến thế nào. Đây là một cách thể hiện sự tôn trọng, tốt nhất bạn nên để đối phương có thể bày tỏ hết suy nghĩ của họ rồi hãy mở lời.

Sau khi sếp đã nhận xét xong, bạn nên lặp lại những gì sếp nói để xác nhận mình hiểu được chính xác. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận để tránh đi vào việc phân tích kỹ càng hoặc dò hỏi về nội dung của lời nhận xét. Thay vào đó, bạn nên lặp lại nhằm mục đích hiểu rõ hơn về lời phê bình cũng như hướng nhìn nhận vấn đề của đối phương. Nếu lời đề nghị của sếp không hợp lý, bạn nên dành thêm thời gian để có thể nghĩ cách khéo léo nói lời từ chối mà không làm phật ý cấp trên.

Đôi lúc bạn cũng nên thông cảm cho cấp trên vì việc sếp phê bình cũng là một quyết định không dễ dàng khi bản thân họ cũng đang bị áp lực từ một cấp trên cao hơn. Có thể sếp đang tìm mọi cách bày tỏ ý kiến một cách chính xác nhất nhằm tránh vô tình làm tổn thương bạn. Suy cho cùng, sếp phê bình chỉ vì muốn giúp bạn cải thiện bản thân tốt hơn và nâng cao chất lượng công việc. Nếu sếp không nói gì cả mà chỉ lẳng lặng tuyển thêm người mới thay thế bạn thì sẽ còn bất ngờ và tổn thương nhiều hơn!

4. Cảm ơn sếp thay vì tranh luận cho đến cùng

Sếp phê bình bạn? 5 cách ứng xử khiến sếp quý bạn hơn

Bạn nên nhắc lại lời nói để hiểu rõ ý hơn khi sếp phê bình, tuy nhiên, bạn sẽ có xu hướng biến những “câu hỏi xác nhận” kia thành các “chứng cứ” để phản biện lại những lời phê bình của sếp. Vấn đề ở chỗ ngay cả khi bạn đúng và những lời phê bình là sai, thì việc tự bảo vệ bản thân sẽ cho thấy rằng bạn là một người bảo thủ nhiều hơn là đáng tin cậy.

Điều này sẽ biến bạn trở thành một người “cố chấp” và “cứng đầu” trong công ty, từ đó sếp sẽ có xu hướng không muốn góp ý cho bạn và tìm một người mới thay thế. Chính vì vậy, cách khôn ngoan nhất khi sếp phê bình đó là nói lời cảm ơn để làm dịu đi không khí căng thẳng. Bạn hoàn toàn có thể nghỉ việc ngay sau đó nếu muốn, nhưng hãy là một người mà cấp trên luôn trân trọng giữ lại chứ không phải là… thở phào nhẹ nhõm khi bạn ra đi!

5. Nhờ sếp đưa ra lời khuyên để giải quyết vấn đề

Sếp phê bình bạn? 5 cách ứng xử khiến sếp quý bạn hơn

Sau quá trình tiếp nhận và phản ứng với các lời nhận xét, bạn sẽ bước vào quá trình xử lý các lời phê bình của sếp. Trong giai đoạn này, bạn sẽ có thể cân nhắc việc chia sẻ hướng nhìn nhận và thảo luận vấn đề với sếp nhằm tìm ra cách giải quyết tốt nhất.

Để làm được điều này, bạn tốt nhất nên tránh xung đột và đôi co khi sếp phê bình, thay vào đó bạn có thể đưa ra những câu hỏi để hiểu rõ hơn và đưa ra hướng giải quyết cho từng vấn đề:

– Để đạt được doanh số cao hơn, mình có thể bổ sung thêm nhân sự mới không ạ?

– Nếu chất lượng công việc quan trọng hơn, thì mình có thể giảm áp lực về số lượng?

– Em có nên thay đổi bản thân, trở nên “dễ chịu” hơn để tránh bị stress do cầu toàn?

Với các bước tiếp nhận đúng cách, những lời phê bình có khả năng giúp bạn có thể cải thiện được những điểm yếu của mình một cách hiệu quả. Chính vì thế, những lời khuyên từ Kevin Cruse sẽ rất hữu ích cho bạn mỗi khi sếp phê bình. Trong mối quan hệ giữa nhân viên và sếp, ranh giới đúng sai không ý nghĩa bằng kỹ năng ứng xử để giải quyết vấn đề một cách nhanh gọn nhất. Đừng quá bận tâm những điều tiêu cực mà hãy luôn tập trung vào giải pháp tích cực nhất có thể bạn nhé!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • 5 cách giúp bạn xua tan chứng sợ giao tiếp xã hội
  • 12 mẹo để sống tích cực và dễ dàng thành công
  • Bạn có thể thành công mà không cần cố gắng?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!