Sức khỏe

Phẫu thuật A-Z - 05/03/2024

Tìm hiểu về phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về quy trình trước, trong và sau khi thực hiện phẫu thuật, cùng những điều cần thận trọng khác.

Tìm hiểu chung

Tìm hiểu chung

Phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp là gì?

Phẫu thuật điều trị bệnh tăng nhãn áp (còn gọi là phẫu thuật cắt bè củng mạc) được thực hiện để làm giảm tổn thương đến thần kinh thị giác.Tăng nhãn áp (glaucoma) là một bệnh rất thường gặp ngày nay, bệnh thường gây tổn thương thần kinh thị giác.

Thần kinh thị giác mang hình ảnh từ võng mạc đến não của bạn, từ đó giúp bạn nhìn thấy thế giới xung quanh. Tăng nhãn áp chính là tình trạng gia tăng áp suất trong mắt do chất dịch trong mắt tiết ra không đều, và có thể gây tổn thương thần kinh thị giác. Bệnh ảnh hưởng đến 1 trong số 50 người ở độ tuổi trên 40. Bệnh tăng nhãn áp khi tiến triển nặng có thể dẫn đến mù lòa.

Tuy nhiên, có một số trường hợp các dây thần kinh thị giác vẫn có thể bị tổn thương mặc dù áp lực trong mắt của bạn nằm ở mức bình thường.

Khi nào bạn nên thực hiện phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp?

Phẫu thuật được thực hiện để giảm áp lực trong mắt bằng cách mở các góc làm kẹt thủy dịch trong mắt hoặc tạo ra một lối thoát mới mà chất dịch có thể chảy ra khỏi mắt. Ngoài ra phẫu thuật có thể được thực hiện để làm giảm cơn đau gây ra bởi bệnh tăng nhãn áp.

Điều cần thận trọng

Điều cần thận trọng

Bạn nên biết điều gì trước khi phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp?

Thường thì bác sĩ sẽ thực hiện điều trị bằng thuốc trước khi xem xét phẫu thuật. Nếu điều trị bằng thuốc thất bại, bác sĩ sẽ thử phẫu thuật laser đầu tiên. Nếu phẫu thuật laser không giúp ích, bác sĩ của bạn sẽ chuyển qua dùng phương pháp phẫu thuật thông thường là cắt bè củng mạch, ngoài ra có thể được kết hợp thêm với phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể.

Ngoài phương pháp phẫu thuật,bạn cũng có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm giảm áp lực. Điều trị bằng laser cũng có thể được sử dụng, nhưng thường ít hiệu quả hơn so với phẫu thuật cắt bè củng mạc.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?

Các vấn đề thường gặp nhất sau khi cắt bè củng mạch (trabeculectomy) là sẹo ở đoạn mở. Sẹo ngăn thoát nước từ mắt và cản trở chức năng của bọng kết mạc (nơi tụ dịch trong mắt chảy ra). Nếu bọng không hoạt động hoặc có vấn đề, bạn có thể cần phẫu thuật bổ sung.

Thuốc mitomycin thường được sử dụng trong quá trình phẫu thuật để ngăn ngừa sẹo. Nó thường được sử dụng phổ biến hơn 5-fluorouracil, nhưng thuốc mitomycin không thể được sử dụng sau khi phẫu thuật. Còn đối với 5-fluorouracil có thể được sử dụng trong phẫu thuật hoặc tiêm vào các mô mỏng (kết mạc), giúp che phủ mắt sau phẫu thuật để ngăn ngừa sẹo.

Các biến chứng khác có thể phát triển ngay sau khi phẫu thuật bao gồm:

  • Mờ mắt;
  • Chảy máu trong mắt;
  • Mất thị lực trung tâm đột ngột, vĩnh viễn. Nguy cơ này phụ thuộc một phần vào lượng thị lực trung tâm đã bị mất trước khi phẫu thuật;
  • Nhiễm trùng trong mắt;
  • Áp lực cao trong mắt, khiến khoảng trống ở phần trước của mắt hư hỏng hoàn toàn (tăng nhãn áp ác tính), đây là triệu chứng rất hiếm.

Biến chứng muộn sau khi cắt bè củng mạc có thể bao gồm:

  • Đục thủy tinh thể sẽ trở nên tồi tệ hơn so với trước khi phẫu thuật (thông thường);
  • Dây thần kinh thị giác tiếp tục bị tổn thương do bệnh tăng nhãn áp;
  • Nhiễm trùng;
  • Mí mắt sụp xuống (sụp mí mắt nhẹ khá phổ biến).

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

 

Quy trình

Quy trình

Bạn nên làm gì trước khi phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp?

Bạn phải thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc bạn sử dụng gần đây, các loại dị ứng mà bạn mắc phải hoặc bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác trước khi thực hiện phẫu thuật, bạn sẽ gặp bác sĩ gây mê và cùng nhau lên kế hoạch gây mê. Điều quan trọng là phải tuân theo các hướng dẫn về thời điểm ngừng ăn và uống trước khi phẫu thuật.

Bạn sẽ được hướng dẫn rõ ràng trước khi phẫu thuật, bao gồm cả việc có thể ăn hoặc uống trước khi phẫu thuật hay không.

Quy trình của phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp là gì?

Có nhiều kỹ thuật gây mê khác nhau có thể được sử dụng, bạn và bác sĩ gây mê sẽ cùng nhau quyết định phương pháp nào là phù hợp cho bạn. Quá trình phẫu thuật thường kéo dài từ 45 đến 75 phút. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo ra một đường thông để dịch trong mắt có thể thoát ra ngoài một cách dễ dàng và đọng lại dưới mí mắt.

 

Hồi phục sức khỏe

Hồi phục sức khỏe

Bạn nên làm gì sau khi phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp?

Bạn sẽ có thể về nhà vài giờ sau khi phẫu thuật.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ yêu cầu bạn tái khám vài lần ở bệnh viện trong vài tuần đầu tiên và bác sĩ có thể thực hiện một số điều chỉnh nhỏ.

Bạn nên nghỉ làm việc trong vòng 2 tuần để phục hồi sau phẫu thuật.

Không bơi, nhấc vật nặng hoặc gập người quá nhiều khiến đầu của bạn nằm dưới eo, bạn chỉ có thể hoạt động lại bình thường khi nào bác sĩ khám lại và cho phép.

Tập thể dục và vận động thường xuyên sẽ giúp bạn trở lại hoạt động bình thường càng sớm càng tốt. Trước khi bắt đầu tập thể dục, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn. Hầu hết mọi người đều hồi phục khá nhanh sau phẫu thuật, và bệnh tăng nhãn áp sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!