Súp lơ xanh giúp giải độc cơ thể do ô nhiễm

Bài thuốc dân gian - 04/30/2024

Sulforaphan trong súp lơ xanh làm tăng các enzyme cải thiện khả năng loại bỏ các chất ô nhiễm trong cơ thể.

Một nghiên cứu mới từ Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore(Mỹ) đã chỉ ra những lợi ích mới của súp lơ xanh. Những người tham gia nghiên cứu đến từ một trong những khu vực ô nhiễm nhất ở Trung Quốc sau khi uống nửa cốc nước mầm súp lơ xanh đã bài tiết benzene và acrolein ở mức độ cao - hai chất này tương ứng là chất gây ung thư và chất kích thích phổi ở người.

Các nhà nghiên cứu Johns Hopkins nhận xét rằng chế độ ăn giàu các loại rau họ cải (như súp lơ xanh) trước đây đã được chứng minh là giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính nghiêm trọng, trong đó có ung thư.

Đặc biệt hơn, súp lơ xanh còn là nguồn glucoraphanin – một hợp chất sản sinh ra sulforaphane khi rau được nhai hoặc làm thành đồ uống.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng sulforaphan làm tăng các enzyme cải thiện khả năng loại bỏ các chất ô nhiễm trong cơ thể, điều này giải thích lý do những người tham gia nghiên cứu bài tiết lượng benzene và acrolein ở mức cao đáng kể.

Súp lơ xanh giúp giải độc cơ thể do ô nhiễm

Cùng tìm hiểu rõ hơn về điều này:

Ô nhiễm không khí: Vấn đề phức tạp và phổ biến

Theo Cơ quan Đăng ký độc chất và bệnh tật thuộc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, sự gia tăng ô nhiễm không khí có liên quan tới suy giảm chức năng phổi và tăng cơn đau tim. Chất lượng không khí kém cũng có thể ảnh hưởng tới những người bị bệnh hen và các loại bệnh phổi hoặc bệnh tim khác.
Trong tháng 3 năm nay, tờ Medical News Today đã đăng tải một nghiên cứu từ Tổ chức Y tế Thế giới cho biết khoảng 1/8 số ca tử vong trên toàn cầu (7 triệu ca tử vong hàng năm) là hậu quả của phơi nhiễm với ô nhiễm không khí.

Năm ngoái, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế đã xếp loại ô nhiễm không khí và hạt vật chất là các chất gây ung thư cho người. Ở nhiều vùng của Trung Quốc, ô nhiễm không khí đã đạt tới mức nguy hiểm.

GS. John Groopman, tác giả nghiên cứu từ Johns Hopkins, nói: ‘Ô nhiễm không khí là một vấn đề sức khỏe công cộng phức tạp và phổ biến. Để giải quyết vấn đề này một cách toàn diện, ngoài các giải pháp kỹ thuật để giảm lượng khí thải ô nhiễm trong khu vực, chúng ta cần chuyển khoa học cơ bản thành các chiến lược để bảo vệ con người khỏi sự phơi nhiễm’. Nghiên cứu này ‘ủng hộ việc triển khai các chiến lược dựa trên thực phẩm như là một phần của nỗ lực dự phòng chung’.

Súp lơ xanh: Cách tiết kiệm, đơn giản và an toàn để giảm thiểu sự tác động của ô nhiễm

Trong 12 tuần, nhóm tác giả đã nghiên cứu 291 người sinh sống trong một cộng đồng làm nông nghiệp ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Đây là khu vực cách Thượng Hải - khu công nghiệp nặng của Trung Quốc - khoảng 80km về phía Bắc.

Tổng cộng có 62 nam giới và 229 nữ giới, trong độ tuổi 21-65. Các mẫu máu và nước tiểu của những người tham gia được lấy trong quá trình thử nghiệm để đánh giá lượng ô nhiễm không khí họ hít phải.

Những người tham gia nghiên cứu được chia thành hai nhóm. Nhóm chứng uống loại đồ uống chứa nước tiệt trùng, nước ép dứa và chanh. Nhóm điều trị được uống loại nước tương tự nhưng chứa loại bột đông khô hòa tan được làm từ mầm súp lơ xanh chứa cả glucoraphanin và sulforaphane.

Súp lơ xanh giúp giải độc cơ thể do ô nhiễm

Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng những người tham gia trong nhóm điều trị đã tăng 61% tỷ lệ bài tiết chất sinh ung thư benzene trong ngày đầu tiên và tỷ lệ này duy trì trong 12 tuần tiếp theo.

Hơn nữa, tỷ lệ bài tiết chất kích thích acrolein tăng 23% so với nhóm giả dược trong nghiên cứu.

Sau khi thực hiện phân tích thứ hai, nhóm nghiên cứu cho biết sulforaphane có thể hoạt hóa một phân tử tín hiệu được gọi là NRF2 - làm tăng khả năng thích ứng và tồn tại của các tế bào trong các chất độc hại từ môi trường.

Chiến lược này cũng được dùng cho các chất ô nhiễm trong nước và thực phẩm.

GS. Thomas Kensler, đồng tác giả nghiên cứu từ Johns Hopkins cho biết: ‘Nghiên cứu này nhấn mạnh vào các phương pháp tiết kiệm, đơn giản và an toàn mà mỗi cá nhân có thể thực hiện được nhằm giảm một số nguy cơ sức khỏe lâu dài liên quan đến ô nhiễm không khí. Đây là lúc các nhà lãnh đạo chính phủ và các nhà hoạch định chính sách xác định và thực hiện những chính sách điều phối hiệu quả hơn để cải thiện chất lượng không khí’.

Họ đang lên kế hoạch cho các thử nghiệm lâm sàng sâu hơn ở khu vực tương tự của Trung Quốc nhằm đánh giá liều dùng và tần suất sử dụng đồ uống từ mầm súp lơ xanh tốt nhất.

Trong khi đó, Medical News Today gần đây đã báo cáo về một nghiên cứu cho thấy phơi nhiễm mức độ cao với ô nhiễm giao thông có liên quan với những thay đổi về khối lượng và kích thước của buồng tim bên phải.

Ảnh minh họa: Internet

Thúy Anh (Theo Medical News Today)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!