Tại sao tầm nhìn bị mờ? (Phần 1)

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/26/2024

Bạn thường nhấp nháy, nheo mắt hoặc dụi mắt để nhìn rõ mỗi khi mắt mờ? Vậy bạn đã biết những vấn đề liên quan đến tầm nhìn bị mờ chưa?

Đôi mắt là một phần không thể thiếu của mỗi người. Khi thị lực đột ngột thay đổi, bạn không nên chủ quan mà hãy đi kiểm tra ngay, vì đó có thể là dấu hiệu của các vấn đề về sức khỏe.

Bạn thường nhấp nháy, nheo mắt hoặc chà mắt để nhìn rõ mỗi khi mắt mờ? Nếu mắt bạn bị mờ, có thể bạn đang gặp những vấn đề thông thường về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hiện tượng mờ mắt cũng có thể là một dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác.

Tầm nhìn của bạn đột ngột bị mờ có thể liên quan đến các bệnh lý sau đây:

Bệnh tiểu đường

Tình trạng mờ mắt có thể là biến chứng của bệnh võng mạc tiểu đường. Người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong võng mạc, dẫn đến tình trạng sưng trong một phần võng mạc. Bệnh võng mạc tiểu đường gây ra triệu chứng như:

  • Tầm nhìn xuất hiện các điểm nổi hoặc dãy tối;
  • Mờ mắt.

Nếu mắt xuất hiện những biểu hiện trên, bạn nên đến bệnh viện khám để được điều trị sớm và tránh những thiệt hại vĩnh viễn cho mắt. Bạn nên kiểm tra mắt ít nhất mỗi năm một lần.

Đột qụy

Bạn có thể nhận biết một cơn đột quỵ thông qua những thay đổi đột ngột về thị lực như mờ mắt, hoa mắt hoặc mất thị lực trong khoảng thời gian ngắn. Những dấu hiệu của đột quỵ gồm:

  • Chóng mặt;
  • Mệt mỏi;
  • Mất thăng bằng;
  • Nói ngọng;
  • Tay bị tê mỏi.

Chứng tiền sản giật

Nếu thị lực mờ đi đột ngột trong giai đoạn thai kỳ thì đây có thể là dấu hiệu của chứng tiền sản giật − tình trạng nguy hiểm được nhận biết thông qua huyết áp và hàm lượng protein trong nước tiểu. Tiền sản giật xảy ra ở những phụ nữ chưa có tiền sử bị huyết áp cao và thường xảy ra ở tuần 20 của thai kỳ. Chứng bệnh này có thể có những tác động nguy hiểm đến tính mạng của bạn và bé.

Tiền sản giật không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, thị lực mờ và những thay đổi về thị giác khác như nhìn thấy điểm sáng nhấp nháy là những triệu chứng phổ biến.

Liên hệ với bác sĩ ngay nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu này cũng như các bất thường khác khi đang mang thai:

  • Lo lắng, khó thở hoặc tâm trạng buồn chán;
  • Buồn nôn, ói mửa bất ngờ bắt đầu sau tháng thứ ba của thai kỳ;
  • Đau bụng, vai hoặc lưng dưới;
  • Tăng cân đột ngột;
  • Sưng ở mặt, quanh mắt hoặc bàn tay;
  • Đau đầu dữ dội và dai dẳng.

Chứng đau nửa đầu

Đau nửa đầu dẫn đến nhiều triệu chứng bao gồm hiện tượng tầm nhìn bị mờ và nhạy cảm với ánh sáng. Bạn có thể trải qua những dấu hiệu này ngay cả trước khi các cơn đau nửa đầu bắt đầu và chúng thường kéo dài cho tới khi các cơn đau kết thúc. Các cơn đau nửa đầu kèm theo triệu chứng thay đổi đột ngột về thị lực được gọi là chứng đau nửa đầu có aura (có triệu chứng báo trước). Những thay đổi về thị lực bao gồm:

  • Mất một phần hoặc toàn bộ thị lực trong một thời gian ngắn;
  • Nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy;
  • Nhìn thấy đường vằn hoặc đốm.

Để loại bỏ những triệu chứng này, bạn cần đến gặp bác sĩ để điều trị chứng đau nửa đầu.

Bệnh vẩy nến

Những triệu chứng phát bệnh:

  • Da ngứa hoặc rát;
  • Đau và viêm khớp;
  • Da dày, đỏ, xuất hiện vẩy.

Tuy nhiên, bệnh vẩy nến cũng có thể ảnh hưởng đến mắt, gây ra chứng viêm màng bồ đào. Chứng này xảy ra khi tình trạng viêm nhiễm xuất hiện ở vùng mắt, gây sưng tấy, làm cho mắt mờ đi, đau, đỏ và nhạy cảm với ánh sáng. Hiện nay, nhiều phương pháp có thể giúp loại bỏ chứng viêm màng bồ đào hiệu quả, nhưng còn phụ thuộc vào mức độ mà mắt bạn bị ảnh hưởng.

Chắc hẳn thông qua bài viết này, bạn cũng phần nào nhận ra rằng với sức khỏe của bản thân thì không được chủ quan. Vì vậy, khi thị lực trở nên mờ đột ngột kèm theo một số triệu chứng khác, hãy đến gặp bác sĩ ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra, nhớ đón đọc phần 2 để biết những nguyên nhân khác khiến bạn bị mờ tầm nhìn nhé.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Cảnh báo đau nửa đầu do thiếu vitamin
  • Yếu tố nào gây ra bệnh vẩy nến?
  • Trẻ mắc bệnh động kinh có thể đi học không?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!