Trong năm 2017, ngoài dịch bệnh sốt xuất huyết, các dịch bệnh khác cơ bản được ngành y tế Hà Nội kiểm soát tốt, không ghi nhận các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hiện nay, thành phố đã lên kế hoạch chủ động phòng, chống dịch mùa đông - xuân, trong đó chú trọng các bệnh sởi, ho gà và hô hấp.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh, trong năm 2017, toàn thành phố ghi nhận 37.651 trường hợp mắc sốt xuất huyết, bảy trường hợp tử vong. Số trường hợp mắc sởi, ho gà, liên cầu lợn ở người, uốn ván người lớn đều tăng so với năm 2016, với 83 trường hợp mắc sởi, trong đó có một trường hợp tử vong; 125 trường hợp mắc ho gà, tăng 73,6%; 23 trường hợp mắc liên cầu lợn ở người, bốn người tử vong, tăng mười trường hợp; 21 trường hợp mắc uốn ván người lớn, tăng hai trường hợp. Số trường hợp mắc tay chân miệng, não mô cầu, viêm não Nhật Bản đều giảm so với năm 2016. Hai trường hợp sau khi bị chó dại cắn đã chết do không đi tiêm phòng huyết thanh và vắc-xin phòng bệnh.
Ngành y tế nhận định, năm 2018, dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika, tay chân miệng, sởi, ho gà... vẫn là thách thức trong công tác phòng, chống dịch. Dịch bệnh do cúm A (H5N1), tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả có thể bùng phát trở lại. Với sự giao lưu quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, năm 2018 Hà Nội có thể phải đối mặt nhiều dịch bệnh mới xâm nhập như MERS-CoV, Ebola, cúm A (H7N9), do đó vẫn phải tiếp tục tăng cường biện pháp phòng, chống.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, công tác phòng, chống dịch phụ thuộc ba yếu tố là môi trường, vắc-xin và công tác tuyên truyền. Do vậy, các địa phương cần chú trọng tuyên truyền để người dân tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đã được khuyến cáo, vệ sinh môi trường sống, chủ động tìm hiểu cách phòng, chống bệnh theo mùa. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vấn đề lây nhiễm chéo tại các cơ sở điều trị và nhiễm trùng bệnh viện (BV): "Từ bài học dịch sởi 2014 và dịch sốt xuất huyết vừa qua, tất cả các BV phải xem xét lại công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, hệ thống tiệt trùng, các khâu tiếp đón, phân loại bệnh nhân. Các trường hợp mắc cúm hay tiêu chảy, tùy tình trạng bệnh mới cho nhập viện. Các đơn vị tăng cường điều trị ban ngày, giảm quá tải BV, nhằm giảm lây nhiễm chéo và tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn BV".
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, một trong những khâu rất quan trọng là tiêm chủng vắc-xin. Trước đây, việc tổ chức tiêm chủng tại Hà Nội được thực hiện 30 ngày/lần, nhiều trẻ bị ốm, gia đình có việc đột xuất, chờ cả tháng mới được tiêm lại; chưa kể, có những trẻ đã đợi, đến gần ngày tiêm lại ốm. Vì thế, Hà Nội quyết định tổ chức tiêm chủng bảy ngày/lần tại trạm y tế xã. "Hạn chế của cách tổ chức này là tốn vắc-xin, tốn kém về kinh phí hơn nhưng ngành y tế chấp nhận, để trẻ em được tiếp cận vắc-xin nhiều hơn, tăng tỷ lệ tiêm chủng, tăng cường miễn dịch cộng đồng", ông Hạnh nói. Ðến nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tám loại vắc-xin của Hà Nội đạt 97,9%; tiêm đầy đủ vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt 99%. Ðến nay, 99,2% số trẻ từ chín tháng đến dưới 5 tuổi đã được tiêm sởi mũi 1 và 98,4% trẻ từ 18 tháng đến dưới 5 tuổi đã được tiêm sởi mũi 2 theo quy định. Tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn của Hà Nội đã áp dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia trong việc quản lý đối tượng và tiền sử tiêm chủng.
Sở Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ số mũi các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Với những vắc-xin chưa được đưa vào tiêm chủng mở rộng có thể tiêm thêm những vắc-xin phòng các loại bệnh dễ lây lan.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, Hà Nội là thành phố đông dân cư, mật độ dân số lớn, các vấn đề về môi trường còn nhiều hạn chế, cho nên rất dễ bùng phát các dịch bệnh nếu không kiểm soát tốt. Ðể phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân 2018, UBND thành phố đã xây dựng 10 biện pháp phòng dịch cụ thể, có công văn gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phân công rõ nhiệm vụ.
Theo Báo Nhân Dân
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!