Đó là những thủ phạm đang đầu độc không khí, môi trường Thủ đô, trong khi đó công tác quản lý vẫn còn nhiều bất cập.
Chất lượng không khí giảm sâu
Mấy năm qua, đường Trường Chinh lúc nào cũng là... công trình xây dựng. Bà Đỗ Thị Hoa, người dân phường Khương Mai (quận Thanh Xuân), sống ở mặt đường, thốt lên: “Cuộc sống chúng tôi đủ đầy, một phần nhờ tiền cho thuê tầng 1 của căn nhà. Thế nhưng chất lượng lại đi xuống!”. Hỏi vì sao, bà rờ tay lên nóc tủ, quệt một đường rồi chìa ra trước mắt tôi. Vệt bụi cuốn hình dây bám vào đầu ngón tay, bà giãi bày: “Đây cháu ơi. Tôi mới lau hôm qua đấy. Con người cứ hít thở khí bụi thế này thì thử hỏi còn khỏe được nữa hay không?”. Bà Hoa cũng dẫn ra chuyện ông bà, người thân cùng mấy đứa cháu bà liên tục phải đi viện vì viêm phổi cấp, ngạt mũi. Bên cạnh ngôi nhà của bà, mấy công trình xây dựng ồn ào vẫn đang thi công...
Hoạt động xây dựng, phá dỡ công trình luôn gây ra những hậu quả cho bầu không khí.
Từ đường Trường Chinh - tuyến phố chính rẽ sang phố Định Công chật hẹp, nhiều chỗ thắt cổ chai nhưng có nhiều công trình đang xây dựng. Trong đó công trình nhà dân sinh đối diện nhà 150 phố Định Công đang đổ đất, cát không che chắn, khiến cát vãi đầy đường. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cường Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) bày tỏ mối lo khi cùng lúc rất nhiều thủ phạm đang gây khói bụi, gieo rắc ô nhiễm. “Hệ thống sông, kênh rạch trên địa bàn đã bốc mùi lắm rồi. Nay địa bàn lại có hai chung cư cao tầng đang xây, gần 100 giấy phép xây dựng dân sinh, quận cũng đang đầu tư nâng cốt, đổ bê tông ở 28 ngõ, ngách. Trong khi đó tuyến đường 2,5M vẫn dang dở”, ông Hùng bộc bạch.
Xây dựng nhiều thì việc chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng cũng sẽ diễn ra liên tục. Định Công còn là điểm nóng của hoạt động đổ trộm phế thải trên đường 2,5M và phố Nguyễn Cảnh Dị. Ông Nguyễn Cường Hùng bức xúc: “Chính người dân thiếu ý thức đã và đang đầu độc chính mình và người thân”.
Điều đáng nói, Hà Nội không chỉ có phố Trường Chinh, Định Công với nhiều công trình xây dựng đang thi công cùng lúc. Khảo sát của chúng tôi trong những ngày đầu tháng 10/2019, các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Tam Trinh, Nguyễn Xiển, Đường 70... là những cung đường đang có nhiều hoạt động xây dựng gây bụi mù mịt, xe tải chở đất, đá, phế thải chạy rầm rầm suốt ngày đêm. Lê Văn Lương là tuyến phố khá đẹp, nhưng công trình xây dựng vẫn đang tồn tại rất nhiều. Trong hai ngày 6 và 7/10, tại khuôn viên công trình xây dựng nhà ở cán bộ, nhân viên Ban Cơ yếu Chính phủ (Tổng thầu thi công là Tổng Công ty Xây dựng MHDI 10), việc thi công không được che chắn, đất đá vương vãi, gây bụi mù mịt ở tuyến phố nhiều xe cộ đi lại. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ ra, các công trường xây dựng nằm cạnh các đường giao thông là tác nhân gây nguy hại đến môi trường do lượng bụi mịn và bụi lơ lửng cao, giá trị bụi PM10, PM2,5 vượt quy chuẩn cho phép khá nhiều. Đó là một trong những nguyên nhân khiến bệnh hen, suyễn, đường hô hấp, viêm phổi tăng cao. Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị chức năng của Bộ Y tế cũng chỉ ra, trong những năm qua sức khỏe của người dân Hà Nội có chiều hướng suy giảm, chi phí chữa bệnh tăng dần.
Không thể chậm trễ
Việc bảo đảm các quy định về môi trường trong thi công, phá dỡ đã được quy định trong Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường. Thí dụ trước khi phá dỡ công trình, chủ đầu tư phải lập phương án, giải pháp phá dỡ bảo đảm an toàn; phải có biện pháp giảm bụi và khí thải ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng không khí theo quy chuẩn... Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng cho biết, tại các công trường xây dựng lớn, xe trước khi ra đường phố phải có biện pháp rửa bánh xe, nhưng nhiều đơn vị không thực hiện. Năm 2018, Bộ Xây tiếp tục ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BXD quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng. Từ tháng 8/2018, Hà Nội cũng thành lập các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã. Thế nhưng việc làm mới này chưa cho thấy kết quả rõ nét.
Làm sao để giảm hoạt động ô nhiễm do hoạt động xây dựng thiếu ý thức, không che chắn,...? Ông Nguyễn Cường Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công cho rằng, cấp phường không đủ sức “ứng phó” với hoạt động xây dựng gây ô nhiễm, mà phải các cấp thẩm quyền cao hơn. Đồng quan điểm ấy, ông Cao Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) cũng cho rằng, nhiều công trình thuộc cấp thành phố quản lý, như Dự án mở rộng đường Tam Trinh đến nay vẫn chậm giải phóng mặt bằng, nhiều công trình khác đã gây ảnh hưởng môi trường. “Ngoài việc thực thi nhiệm vụ, chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng tuyên truyền để người dân trong quá trình xây dựng hoặc phá dỡ công trình cũ phải che chắn cẩn thận”, ông Quyết nhấn mạnh.
Nhiều công trình xây dựng ở Hà Nội không che chắn, hành người dân.
Liên hệ với UBND quận Hoàng Mai, ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai giao cho Phòng Tài nguyên - Môi trường cung cấp thông tin liên quan đến việc xử lý vi phạm trong vấn đề bảo vệ môi trường, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quản lý hoạt động xây dựng gây ô nhiễm, nhưng Phòng Tài nguyên - Môi trường lại đùn đẩy cho thanh tra quận. Liên hệ làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm, Phòng Quản lý đô thị và Phòng Tài nguyên - Môi trường Nam Từ Liêm cũng đá quả bóng trách nhiệm sang nhau.
Theo phân cấp chức năng, nhiệm vụ của thành phố Hà Nội, vấn đề bảo vệ môi trường nói chung cũng như hạn chế tiếng ồn, bụi, khí thải nói riêng thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, lãnh đạo UBND cấp phường, xã, thị trấn. Thêm nữa là sự phối hợp của các đơn vị như Sở Tài nguyên - Môi trường, Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Thông tin - Truyền thông, Công an thành phố... Một điều quan trọng không thể thiếu chính là sự tham gia, chấp hành của doanh nghiệp, người dân, sự giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.
Quy định chặt như vậy, song khi làm việc với cán bộ UBND phường Thịnh Liệt, UBND phường Đại Kim, UBND phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) và một số phường của quận Nam Từ Liêm, như Mễ Trì, Phú Đô, Phú Diễn... cán bộ cơ sở cho biết đã làm tốt nhiệm vụ. Chúng tôi đặt lại câu hỏi, đã làm tốt tại sao đường phố vẫn bị rơi vãi đất đá, phế thải và bụi mù mịt, xe tải vẫn chở quá tải không che chắn? Cán bộ cơ sở “kêu khó” và đẩy trách nhiệm này cho lực lượng công an phường, cảnh sát giao thông. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát giao thông cũng chỉ kiểm soát trên một số tuyến phố lớn và chỉ tổ chức xử lý theo các chuyên đề định kỳ.
Ðánh giá về chất lượng không khí, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên - Môi trường cho hay, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại các đô thị lớn sẽ tiếp tục gia tăng nếu không kịp thời triển khai các giải pháp mang tính đột phá. Theo đó, cần kiềm chế nguồn phát thải bụi trong quá trình thi công, vận chuyển VLXD, phế thải tại các công trường.
Nhiều chuyên gia môi trường cũng chỉ ra, trong vài trận mưa cuối tháng 9, đầu tháng 10 đã làm giảm khá nhiều tình trạng ô nhiễm do bụi xây dựng. Thế nhưng, một đô thị lớn như Hà Nội không chỉ trông chờ vào những trận mưa. Chẳng bao lâu nữa là đến mùa đông, hanh khô và thiếu mưa, điều gì sẽ “cứu” bầu không khí nếu không phải là những giải pháp thiết thực?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!