Lý do gì khiến việc từ bỏ hút thuốc lại như một cơn ác mộng đối với rất nhiều người? Vô cùng đơn giản, chính chất nicotine trong thuốc lá.
Nicotine là một loại chất được tìm thấy trong cây thuốc lá tự nhiên và có khả năng gây nghiện tương tự heroin hoặc cocaine. Theo thời gian, người hút sẽ trở nên phụ thuộc cả thể chất lẫn tinh thần vào điếu thuốc vì họ đã thực sự nghiện chất nicotine. Điều này khiến việc bỏ thuốc trở nên gian truân hơn và tăng khả năng tái nghiện sau khi đã cai thành công. Các nghiên cứu về vấn đề gây nghiện chết người của thuốc lá đã cho thấy để có thể từ bỏ hẳn việc hút thuốc, người hút phải đương đầu với những phản kháng của thể chất lẫn tinh thần trong việc cưỡng lại cảm giác thèm nicotine.
Nhận ra 3 lý do khiến bạn hút thuốc lá
Nếu bạn là người hút thuốc, bạn sẽ có thể có được nhận thức về lý do tại sao bạn không bỏ thuốc được. Nếu bạn đang cố gắng để bỏ thuốc lá, hãy xem xét những nguyên nhân trên và tìm ra một phương pháp thay thế giúp bạn có thể bỏ được thuốc lá.
1. Sự “trói buộc” của nicotine
Khi bạn hít phải khói thuốc, nicotine sẽ đi sâu vào trong phổi. Từ đó máu sẽ hấp thụ rất nhanh chất gây nghiện này, cùng carbon monoxide và một số độc tố khác, rồi mang chúng đi phân phối khắp cơ thể bạn. Trên thực tế, chất nicotine có trong thuốc lá tiếp cận não bộ nhanh hơn so với các loại thuốc tiêm vào cơ thể qua tĩnh mạch.
Nicotine gây ảnh hưởng lên rất nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm não bộ, hệ tim mạch, hormone và sự chuyển hoá các chất của cơ thể. Đối với người hút thuốc là nữ giới, nicotine còn được tìm thấy trong sữa mẹ và chất nhầy trong cổ tử cung. Ảnh hưởng nghiêm trọng của thuốc lá trong giai đoạn mang thai cũng đã được chứng minh, nicotine hoàn toàn có thể xuyên qua nhau thai và được tìm thấy trong nước ối cũng như bên trong máu dây rốn của trẻ sơ sinh.
Các nhân tố khác cũng làm ảnh hưởng đến khoảng thời gian cơ thể bạn cai nghiện nicotine và các sản phẩm phụ của nicotine. Hầu hết người hút thuốc lá không thể loại bỏ hoàn toàn nicotine cũng như phụ phẩm của nó trong cơ thể (Chẳng hạn như cotinine) kể cả khi đã ngừng hút thuốc.
Nicotine tạo cảm giác dễ chịu và thổi bay cảm giác căng thẳng. Chính sự kì diệu này đã thôi thúc người hút muốn châm thêm một điếu nữa, rồi lại điếu nữa. Ngoài ra, nicotine còn hoạt động như một loại thuốc ức chế bằng cách gây cản trở sự trao đổi thông tin giữa các tế bào thần kinh để rồi khi hệ thần kinh đã quen với sự có mặt của “vị khách nicotine”, “chủ nhà” sẽ luyến lưu mà muốn mời họ sang chơi mãi. Chính điều này vô tình đã làm gia tăng lượng nicotine có trong máu của người hút.
Theo thời gian, người hút bắt đầu lờn nicotine. Do đó, họ cần phải tiếp nhận lượng nicotine nhiều hơn so với liều lượng cũ trước đó. Khi dứt một điếu thuốc, nồng độ nicotine trong cơ thể bắt đầu giảm dần. Cảm giác dễ chịu qua đi khiến người hút thuốc lại tìm về cảm giác hưng phấn bằng cách đốt thuốc. Nếu cơn thèm thuốc không được thỏa mãn, họ sẽ trở nên bức bối và cáu kỉnh. Ban đầu, việc này chưa dẫn đến những triệu chứng nghiêm trọng khi cai thuốc nhưng dần dần, họ sẽ cảm thấy khó chịu thấy rõ cho đến khi khói thuốc cùng sự quen thuộc của nicotine xua tan đi những phiền muộn và cảm giác khó chịu, họ đã hoàn toàn bị khuất phục bởi điếu thuốc nhỏ nhắn và chấp nhận lệ thuộc vào nó thêm một lần nữa.
Bạn có biết chính xác số người đang hút thuốc ở Việt Nam là bao nhiêu không? Hãy tham khảo số liệu sau đây: [Infographic] Thực trạng hút thuốc lá ở Việt Nam
2. Thể hiện sự trưởng thành
Nhiều thanh thiếu niên hút thuốc lá để thể hiện sự trưởng thành, để cho mọi người thấy rằng mình đã giống người lớn và không bị xem là trẻ con hoặc xem đó là hình thức nổi loạn chống lại áp lực của phụ huynh. Một điều đã được chứng minh là nếu cha mẹ hút thuốc thì con cái sau này có xu hướng hút thuốc cao hơn hẳn so với trẻ em có cha mẹ không hút thuốc.
3. Áp lực tâm lý
Người lớn thường hút thuốc vì các lý do khác nhau. Họ có thể có những vấn đề cá nhân hoặc tài chính gây áp lực cho họ, họ chọn hút thuốc để tìm kiếm lối thoát tạm thời và làm tê liệt cảm xúc. Nhiều người hút thuốc nói rằng thuốc lá gần như là một cái nạng để dựa vào trong những lúc khó khăn.
Các cảm xúc khi bị căng thẳng cũng là một lý do. Ví dụ như cô đơn thường là lý do để người ta châm thuốc. Bạn không bao giờ cô đơn khi bạn có một người “bạn” nhỏ bên mình, một sự thoải mái ngay khi bạn châm thuốc. Một số người hút thuốc thậm chí còn nói rằng hành động kéo một điếu thuốc mang lại cho họ một cảm giác thoải mái giống như một đứa trẻ đang mút tay.
Những người khác nói rằng họ tự “thưởng” cho mình một điếu thuốc. Bất cứ khi nào họ hoàn thành một nhiệm vụ, một điếu thuốc có thể giống như một cái vỗ vai khích lệ cho một công việc vừa được thực hiện. Những điếu thuốc đầu tiên trong ngày có thể là một cách để giảm bớt áp lực hàng ngày, trong khi những người hút thuốc trước khi đi ngủ như tự thưởng cho sự hoàn thành công việc.
Có những người thậm chí có thể hút thuốc để kiểm soát cân nặng của mình. Tính trung bình, người hút thuốc có thể giảm 3 kg so với những người không hút thuốc. Hút thuốc làm giảm sự thèm ăn và làm giảm vị giác và khứu giác.
Hút thuốc lá gây trở ngại cho những người uống thuốc để chữa một số bệnh tâm thần, chẳng hạn như tâm thần phân liệt và trầm cảm. Nó ảnh hưởng đến liều lượng của thuốc, một số loại thuốc có thể cần phải được tăng lên, một số có thể cần phải được giảm xuống và tác dụng những loại thuốc bị thay đổi hoặc mất đi tác dụng.
Ngày càng có nhiều nơi công cộng không cho hút thuốc lá, do đó, có rất ít nơi người hút thuốc cảm thấy thoải mái. Hút thuốc cũng làm ảnh hưởng đến hình dáng bên ngoài của một người, chẳng hạn như vàng các ngón tay và răng, và nó ám mùi vào quần áo và mùi tóc. Sự kỳ thị này ảnh hưởng đến cách mà xã hội nhìn nhận người hút thuốc, và cách mà người hút nhìn nhận chính mình.
9 tác hại của việc hút thuốc lá
Ai cũng biết hút thuốc rất có hại cho sức khỏe và những tác hại của thuốc lá đối với cơ thể chúng ta. Nhưng bạn đã biết thói quen xấu này tàn phá cơ thể khủng khiếp như thế nào chưa? Dưới đây là những bộ phận cơ thể đang bị đầu độc bởi thuốc lá mỗi ngày.
1. Khớp xương
Bạn thường xuyên hút thuốc và cảm thấy các khớp xương của mình đau nhức và có dấu hiệu của bệnh viêm khớp? Đó có thể là do bạn đã mắc bệnh viêm khớp dạng thấp (RA). Mặc dù các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chắc chắn nhưng các thuốc điều trị chứng bệnh này không có tác dụng ở người có thói quen hút thuốc thường xuyên.
2. Làn da
Hút thuốc làm đẩy nhanh quá trình lão hóa tự nhiên của làn da. Thuốc lá có thể khiến làn da của phụ nữ 40 tuổi trở nên nhăn nhúm, chảy xệ như làn da của một bà lão 70 tuổi. Làn da tổn thương do khói thuốc rất khó có thể lấy lại độ đàn hồi và mịn màng như trước, thậm chí thuốc lá còn khiến các bệnh về da như ung thư da trở nên trầm trọng hơn. Trong thuốc lá có loại hóa chất độc hại có thể phá vỡ cấu trúc collagen và elastin gây ra nếp nhăn. Thêm vào đó, việc tiếp xúc với nhiệt từ thuốc lá và cử động cơ mặt trong khi hút cũng làm tăng nếp nhăn.
Bên cạnh đó hút thuốc cũng khiến lượng collagen bị suy giảm và máu không thể đi nuôi da dẫn đến khô xạm da. Ngoài ra, các tác động cơ học của việc hút thuốc như mím môi và nheo mắt qua thời gian sẽ tạo nếp nhăn quanh miệng và mắt. Làn da của bạn cũng có xu hướng mỏng đi dần đồng thời xuống cấp nhanh chóng.
3. Đôi mắt
Việc đốt một điếu thuốc đồng nghĩa với việc bạn đã tiến thêm hai bước tới căn bệnh thoái hóa điểm vàng, căn bệnh về mắt phá hủy thị lực trung tâm – cơ quan chịu trách nhiệm cho việc đọc, viết và nhận diện khuôn mặt mọi người. Ngoài ra, bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể, là nguyên nhân khiến thị lực của bạn yếu hơn gấp 3 lần những người không hút thuốc.
4. Cơ quan sinh dục
Nam giới hút thuốc sẽ có nguy cơ mắc chứng rối loạn chức năng cương dương cao hơn. Bạn hút thuốc càng nhiều, tình trạng bệnh càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nam giới sẽ dễ mắc bệnh ung thư tinh hoàn hơn khi có thói quen hút thuốc. Thói quen xấu này cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
5. Răng miệng
Dưới đây là những bệnh về răng miệng mà những điếu thuốc có thể gây ra cho bạn như răng ố vàng, ung thư miệng, hơi thở nặng mùi, viêm tuyến nước bọt,…
Thuốc lá và các chế phẩm từ chúng gây tác động lên các liên kết giữa xương và mô mềm trong răng. Nói cách khác, thuốc lá làm biến đổi chức năng thông thường của các tế bào mô lợi. Sự ảnh hưởng này khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng hơn, lượng máu chảy đến phần nướu cũng giảm sút. Đây là nguyên nhân chính khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc chữa lành vết thương.
Có khoảng 90% số người bị ung thư miệng, môi, lưỡi và cổ họng do hút thuốc và rủi ro mắc bệnh tăng tỷ lệ thuận với mức độ hút hoặc nhai thuốc. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 6 lần so với người không hút.
Khoảng 37% các bệnh nhân vẫn tiếp tục hút sau liệu trình điều trị ung thư có dấu hiệu khối u di căn sang vị trí khác như miệng, môi, lưỡi, cổ họng.
6. Não bộ
Nguy cơ đột quỵ sẽ tăng gấp ba lần ở những người có thói quen hút thuốc. Đột quỵ là tình trạng máu đông trong não gây liệt cơ mặt, mờ mắt, đi lại khó khăn và có thể dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, làm tiền đề cho chứng phình động mạch chủ, tình trạng thành mạch máu trong não bị vỡ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến rò rỉ máu khiến máu tràn vào các mô lân cận.
7. Hệ tiêu hóa
Nếu hút thuốc, bạn có thể mắc một số bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, bệnh Crohn (viêm mãn tính đường ruột), bệnh polyps đại tràng, viêm tụy hay ung thư tuyến tụy. Ngoài ra, hút thuốc còn làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2 lên đến 35%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan và tuyến tụy.
8. Phổi
Bệnh ung thư phổi – căn bệnh 90% liên quan đến thuốc lá đã gây ra cái chết của hơn 150.000 người ở Mỹ vào năm 2015. Hút thuốc cũng là nguyên nhân chính gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), nhóm bệnh gây tổn thương đến các túi khí nhỏ có trong phổi.
9. Tim
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây nên các bệnh về tim mạch. Các chất độc hại có trong thuốc lá làm động mạch cứng và hẹp lại, từ đó khiến máu trở nên đặc hơn và xuất hiện các cục máu đông trong động mạch.
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu xem, ngoài một số phương pháp như điều trị thay thế nicotin hay dùng thuốc theo toa, thì còn có các phương pháp nào cũng có thể giúp bạn cai thuốc lá tại bài viết: [Infographic] Các phương pháp giúp bạn cai thuốc lá hiệu quả.
Nếu đã nghiện thuốc thì chất nicotine được xem như người bạn thân của bạn. Thật khó để có thể “nghỉ chơi” bạn mình. Nhưng nếu là “bạn xấu” thì chẳng có lý do gì để bạn quyến luyến cả. Hãy nhủ rằng chắc chắn bạn sẽ làm được mọi việc cùng với quyết tâm của mình và sự trợ giúp của những người xung quanh. Chỉ cần vượt qua một khoảng thời gian thèm thuốc rất ngắn lúc ban đầu, mọi chuyện sau đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Xem hành trình 7 giai đoạn cai thuốc lá như một cuộc chiến đấu giành lấy phần thưởng cao quý là sức khỏe bạn nhé. Chúc bạn thành công!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 18 phương pháp tự nhiên giúp bạn cai thuốc lá
- 3 loại khác nhau của hút thuốc lá thụ động
- Mối quan hệ giữa hút thuốc lá và bệnh hen suyễn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!