Thuốc và món ăn cho người đau lưng

Người bệnh ăn gì - 03/29/2024

Đông y gọi đau lưng là yêu thống, thuộc phạm vi chứng tý. Nguyên nhân do phong hàn thấp xâm nhập hệ cân cơ kinh lạc gây bế tắc vận hành kinh lạc gây đau;

do lao động quá sức, sai tư thế mất thăng bằng, sang chấn vùng sống lưng; hoặc do thoái hóa đốt sống, dị dạng đốt sống làm tổn thương cân cơ, xương khớp gây đau; hoặc do công năng can thận suy giảm không nuôi dưỡng được xương khớp, cân cơ lâu ngày gây đau, co cứng cơ. Đau lưng có 2 loại: đau lưng cấp và đau lưng mạn. Sau đây là một số bài thuốc và món ăn hỗ trợ trị bệnh.

Đau lưng cấp do hàn thấp

Người bệnh có triệu chứng: lưng đau nhẹ rồi nặng dần, co cứng các cơ, kinh lạc, gây bế tắc vận hành kinh khí, thay đổi tư thế vẫn không giảm, thời tiết thay đổi thì đau hơn, không cúi được; ho, trở mình càng đau; rêu lưỡi trắng nhớt, mạch trầm huyền. Phép chữa: khu phong tán hàn trừ thấp. Dùng bài:

Bài 1: quế chi 8g, rễ lá lốt 8g, thiên niên kiện 8g, ý dĩ 16g, tỳ giải 16g, kê huyết đằng 16g, trần bì 6g, cỏ xước 12g, rễ cành cây xấu hổ 16g. Sắc uống.

Bài 2 - Can khương thương truật thang gia giảm: khương hoạt 12g, tang ký sinh 12g, quế chi 8g, thương truật 8g, can khương 6g, phục linh 10g, ngưu tất 12g. Nếu đau nhiều có thể thêm phụ tử chế 8g, tế tân 4g. Sắc uống.

Bài 3: đảng sâm 8g, phục linh 8g, bạch thược 8g, cam thảo 2g, sinh địa 12g, xuyên khung 4g, đương quy 8g, đỗ trọng 8g, độc hoạt 4g, ngưu tất 4g, phòng phong 4g, quế tâm 2g, tang ký sinh 4g, tần giao 4g, tế tân 2g. Sắc uống.

Thuốc và món ăn cho người đau lưng

Thuốc và món ăn cho người đau lưng

Can khương (gừng khô) là vị thuốc trong bài “Can khương thương truật thang” gia giảm trị đau lưng cấp do hàn thấp.

Đau lưng cấp do thấp nhiệt

Người bệnh có triệu chứng: vùng hông và lưng đau, cảm giác nóng; tiểu ít nước tiểu đỏ, vàng; rêu lưỡi vàng nhớt, mạch nhu sác. Phép trị là thanh nhiệt hóa thấp. Dùng bài thuốc: hoàng bá 40g, khương hoạt 40g. Tất cả tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g, uống với nước gừng.

Đau lưng do thận dương hư

Người bệnh có triệu chứng: đau âm ỉ, đau liên miên, khi vận động thì đau tăng dần, bụng dưới co cứng, mặt nhợt nhạt; gối mỏi, chân tay lạnh không có sức; mạch trầm tế. Dùng bài thuốc: nhân sâm 8g, hoài sơn 16g, thục địa 32g, đỗ trọng 12g, kỷ tử 8g, nhục quế 4g, phụ tử chế 2g, ngô thù du 8g, cam thảo 4g. Các vị sao giòn tán bột, hòa mật ong làm viên (vị thục địa để riêng chưng thành cao rồi cho vào cùng mật ong tán bột làm viên). Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20g.

Đau lưng do thận âm hư

Người bệnh có triệu chứng: người bứt rứt khó ngủ, miệng khô, sắc mặt đỏ, lòng bàn tay bàn chân nóng, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác. Dùng bài thuốc: thục địa 32g, phục linh 12g, hoài sơn 12g, kỷ tử 8g, ngô thù du 8g, cam thảo 4g. Các vị sao giòn tán mịn trộn mật ong làm viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20g.

Đau lưng do lao động quá sức, sai tư thế

Người bệnh có biểu hiện gây thương tổn lưng, vùng đau cố định, đau như dùi đâm, ấn vào càng đau hơn, chất lưỡi tối có điểm xuất huyết, mạch tế sác. Dùng bài thuốc: đương quy 12g, đào nhân 12g, địa long 6g, hồng hoa 12g, hương phụ 12g, khương hoạt 12g, ngũ linh chi 12g, ngưu tất 12g, tần giao 12g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Kết hợp dùng muối rang nóng chườm chỗ lưng đau. Hoặc dùng lá ngải cứu tẩm rượu sao đắp ấm tại chỗ đau.

Trong thời gian uống thuốc nên kết hợp ăn các món sau để tăng hiệu quả điều trị:

Cháo hạt dẻ gạo nếp:hạt dẻ 30g nghiền thành bột, gạo nếp 50g vo sạch. Cho gạo nếp cùng bột hạt dẻ cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu cháo, khi thấy cháo có váng là được. Ngày ăn 2 lần lúc nóng. Công dụng: mát thận, chữa thận hư suy gây đau lưng.

Cháo xương dê táo đỏ:canh xương dê 1.500g, táo đỏ 100g bỏ hạt, gạo nếp 100g vo sạch. Cả 3 thứ cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu cháo. Chia ăn theo bữa cơm trong ngày. Công dụng: bổ huyết an thần, mạnh gân cốt, chữa thận yếu hay đau lưng.

Canh xương dê, hạch đào:xương dê 300g, hạch đào nhân (hoặc quả óc chó) 50g. Xương dê rửa sạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ đun to lửa cho sôi, chuyển đun nhỏ lủa trong 2 giờ rồi cho hạch đào nhân vào, đun tiếp khoảng 1 giờ cho chín nhừ là được. Ăn thịt, hạch đào và uống canh. Công dụng: mạnh gân cốt, trị lưng gối đau mỏi, chân mềm yếu.

Canh cật lợn nấu tục đoạn cẩu tích:cật lợn 2 quả, cẩu tích 20g, tục đoạn 10g. Cẩu tích rửa sạch cắt từng đoạn thái lát. Cật lợn bổ đôi, bỏ màng hôi, rửa sạch; cho 3 thứ vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun to lửa tới sôi, chuyển nhỏ lửa hầm 30 phút là được. Ăn ngày 1 lần, ăn cật uống canh. Công dụng: bổ gan thận, hết đau lưng mạnh chân gối.

Canh ba ba đỗ trọng:thịt ba ba 100g, đỗ trọng 15g, bột gia vị vừa đủ. Đỗ trọng rửa sạch cho vào nồi nấu kỹ, lọc lấy nước cốt. Ba ba giết, mổ bỏ ruột, rửa sạch cho vào nồi, thêm nước vừa đủ, đun sôi 5 phút vớt ra lọc lấy thịt, cho vào nồi đỗ trọng, nấu chín nhừ, nêm gia vị là được. Ăn kèm trong bữa, ăn thịt uống canh. Công dụng: bổ gan thận, cường tráng lưng gối.

Canh tôm thịt dê:thịt dê 250g, tôm nõn 25g, gừng hành, bột gia vị, bột tiêu vừa đủ. Thịt dê rửa sạch luộc chín thái mỏng, cho vào nồi cùng tôm và gừng hành, bột gia vị, bột tiêu, đổ nước vừa đủ đun to lửa tới sôi, chuyển đun nhỏ lửa nấu chín nhừ là được. Ăn trong bữa cơm. Công dụng: ôn thận bổ dương ích tinh. Trị đau lưng mỏi gối, liệt dương, xuất tinh sớm, váng đầu hoa mắt.

Canh hoạt huyết bổ máu: xích tiểu đậu 250g, táo tàu 200g, đường đỏ 150g. Đậu rửa sạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, nấu gần chín thì cho táo tàu, đun tiếp đến khi chín. Ăn tùy ý. Công dụng: bổ khí hoạt huyết an thần, trị lưng gối đau mỏi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!