Thủy đậu: Bệnh dễ phát triển thành dịch

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ nhiễm bệnh thủy đậu. Song lứa tuổi mắc nhiều nhất là trẻ em ở độ tuổi đi học, từ 5 đến 11.

Biểu hiện đặc trưng của người bị thủy đậu là nổi mụn nước trên mặt và toàn thân. Trẻ nhỏ thường kèm theo sốt nhẹ, biếng ăn. Trẻ lớn và người lớn kèm đau đầu, sốt cao, đau cơ, nôn ói. Bệnh thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày nếu không có biến chứng.

Biến chứng của bệnh thủy đậu có thể nhẹ hoặc nặng. Nhiễm trùng da nơi có nổi mụn nước có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da trẻ. Đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh. Nặng hơn nữa, vi trùng bội nhiễm có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết.

Một số biến chứng nặng khác như viêm phổi, viêm não, viêm tủy cắt ngang..., tuy tỷ lệ thấp nhưng là các biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hay để lại các di chứng nặng nề.

Bên cạnh nguy cơ biến chứng, trẻ bị thủy đậu bắt buộc phải nghỉ học để cách ly từ 7 đến 10 ngày. Điều này làm ảnh hưởng đến việc học tập của bé và thậm chí cha mẹ cũng phải nghỉ làm để chăm sóc trẻ.

Thủy đậu: Bệnh dễ phát triển thành dịch

Cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ nhiễm bệnh thủy đậu (Ảnh minh họa: Internet)

Một điểm cần hết sức lưu ý đối với bệnh này là khi chưa nổi mụn nước, trẻ mang siêu vi trùng thủy đậu đã có khả năng lây bệnh cho những trẻ khác. Khả năng lây lan này còn kéo dài nhiều ngày sau khi mụn nước đã đóng vảy.

Do vậy, dù cách ly trẻ bị thủy đậu là việc làm bắt buộc nhưng thường không hiệu quả trong việc phòng tránh bệnh. Điều này giải thích vì sao khi trong lớp hoặc trường học có trẻ bị thủy đậu thì bệnh lây lan rất nhanh và thường tồn tại dai dẳng.

Bệnh thủy đậu đã có vắcxin phòng ngừa. Tiêm ngừa cho người chưa bị nhiễm là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh. Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên đều có thể tiêm ngừa. Phụ huynh nên chủng ngừa cho trẻ trước khi bé tiếp xúc với môi trường đông người như trước khi đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo để tránh nguy cơ bị lây bệnh.

Cần lưu ý là nên chủng ngừa cho trẻ khi cơ thể bé khỏe mạnh và dịch bệnh chưa xảy ra. Không nên đợi đến khi trong lớp có trẻ bị thủy đậu hoặc có dịch xảy ra mới chủng ngừa cho trẻ.

Phụ huynh nên đưa trẻ đến các bệnh viện Nhi, trung tâm y tế dự phòng để được tư vấn tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu. Nếu có điều kiện, thanh thiếu niên và người lớn cũng nên đi tiêm ngừa để được bảo vệ, tránh lây lan trong cộng đồng khi bùng phát dịch.

Lịch tiêm: Trẻ từ 12 tháng- 12 tuổi: 1 liều. Nên chủng ngừa thêm liều thứ hai cách liều 1 tốt nhất sau 6 tuần hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả bảo vệ bệnh và giảm sự nhiễm lại cho trẻ.

Trẻ trên 13 tuổi, thanh thiếu niên và người lớn: 2 liều cách nhau 6 tuần.

>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh thủy đậu

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!