Tiểu ra máu: hãy lập tức đi khám ngay!

Sống Khỏe - 11/24/2024

Hello Bacsi - Tiểu ra máu ở nam giới có thể là dấu hiệu của hàng loạt căn bệnh nguy hiểm. Cùng tham khảo để tìm cho mình giải pháp chữa trị kịp thời nhé.

Máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của một số vấn đề không mấy nghiêm trọng liên quan tới sức khỏe như nhiễm trùng bàng quang, thế nhưng, đôi khi tình trạng này có thể báo hiệu những căn bệnh nguy hiểm, chẳng hạn như ung thư. Vì vậy, bạn nên đi khám và điều trị ngay cho dù chỉ mới nhìn thấy máu một lần. Màu sắc của máu trong nước tiểu có thể dao động từ màu hồng nhẹ sang nâu và đôi khi còn có cả khối máu tối màu dày đặc.

Sau đây là những gì bạn cần biết về tình trạng đi tiểu ra máu và những gì bạn nên làm để đối phó với tình trạng trên.

Tại sao bạn lại đi tiểu ra máu?

Nguyên nhân có thể gây nên tình trạng đi tiểu ra máu của bạn bao gồm:

Chấn thương: Bất kỳ loại chấn thương tác động mạnh vào thận có thể khiến bạn đi tiểu ra máu. Nếu thận của bạn bị cắt hoặc xé bởi lực quá mạnh, máu có thể thấm vào các mô xung quanh trước khi thoát ra cùng nước tiểu;

Nhiễm trùng:Khi vi trùng xâm nhập vào đường tiết niệu, chẳng hạn như khi bạn bị nhiễm trùng bàng quang hoặc tuyến tiền liệt, phản ứng viêm tự nhiên của cơ thể có thể gây chảy máu;

Sỏi thận: Sỏi thận sẽ tạo ra ma sát khi cọ xát bên trong nội tạng. Bên cạnh đó các mô mềm trên bên trong cơ thể bạn thường dễ chảy máu hơn so với lớp da ngoài kiên cố;

Ung thư: ung thư bàng quang, thận hoặc niệu đạo cũng có thể phá vỡ các mô khỏe mạnh đến mức làm chúng rỉ máu. Thêm vào đó, những khối u thường phát triển rất nhanh chóng và đòi hỏi một nguồn máu lớn, vậy nên các mạch máu mới được hình thành để nuôi chúng thường sẽ bị phá vỡ và rò rỉ máu;

Tập thể dục quá sức: Tập thể dục quá mạnh, đặc biệt là khi chạy đường dài, có thể gây xuất huyết. Các bác sĩ vẫn chưa tìm ra lý do chính xác cho hiện tượng này, nhưng giả thuyết cho rằng tình trạng xuất huyết xảy ra bởi vì các hoạt động thể thao này gây hại lên bàng quang hoặc khiến hồng cầu trong cơ thể bị phá vỡ.

Bạn có cơ hội chữa trị nếu phát hiện ra bệnh tình nghiêm trọng hay không?

Đôi khi màu đỏ mà bạn nhìn thấy không phải là máu. Một số loại thực phẩm như củ cải đỏ và củ quả cũng có thể biến đổi màu nước tiểu của bạn. Vì vậy, nếu bạn nghĩ mình đi tiểu ra máu, hãy đi khám bác sĩ ngay. Trên thực tế, tiểu ra máu là một vấn đề nghiêm trọng. Trong một nghiên cứu trên tạp chí tiết niệu, 47% những người tiểu ra máu bị chẩn đoán mắc phải các chứng bệnh thận hay tiết niệu cần được điều trị. Trong số 47% trên, 41% bị ung thư bàng quang.

Nếu bạn có các triệu chứng khác như đau, sốt hay cảm thấy ớn lạnh xuất hiện cùng tiểu ra máu, rất có thể bạn bị nhiễm trùng hoặc sỏi thận. Tuy nhiên nếu bạn chảy máu mà không có cảm giác đau, rất có thể bạn đã mắc phải bệnh ung thư.

Giống như việc thấy máu trong nước tiểu, phân tích mẫu nước tiểu bằng kính hiển vi cũng có thể tìm ra các căn bệnh tiềm ẩn trong cơ thể bạn: 18% dân số có thể đã tiểu ra máu mà không hề có cảm giác đau hoặc phát hiện các triệu chứng khác. Tuy nhiên theo một nghiên cứu năm 2013 của Mayo Clinic, chỉ có 2% bệnh nhân không có máu khi xét nghiệm nước tiểu là bị ung thư đường tiết niệu. Điều này không có nghĩa là bạn nên lờ đi khi phát hiện ra máu trong nước tiểu mà ngược lại, bạn cần phải đi khám kĩ hơn để được chẩn đoán chính xác hơn.

Bạn cần thực hiện xét nghiệm gì để phát hiện máu trong nước tiểu?

Nếu bạn thấy có máu trong mẫu nước tiểu, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn ngay lập tức. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ riêng hoặc trực tiếp nhờ một bác sĩ tiết niệu kiểm tra.

Các bác sĩ sẽ cho bạn xét nghiệm nước tiểu, trong đó bác sĩ sẽ dùng kính hiển vi để xác định xem nó có thực sự chứa các tế bào hồng cầu hay không. Nếu phát hiện ra hồng cầu, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện nội soi bàng quang để phát hiện bệnh ung thư đường tiết niệu. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống dài, mỏng có gắn máy ảnh để quan sát đường tiết niệu của bạn nhằm phát hiện sỏi hoặc tìm ra các khối u hoặc các tăng trưởng tế bào bất thường.

Xét nghiệm nước tiểu có thể tìm ra các dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc các bệnh liên quan đến sỏi thận. Ngoài ra các hình thức chẩn đoán hình ảnh chẳng hạn như siêu âm hoặc chụp CT cũng có thể phát hiện sỏi, ung thư hoặc các vấn đề khác.

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh: bạn có thể phải uống thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng; truyền dịch và đôi khi cả thuốc giảm đau nếu bị sỏi thận. Bạn còn có thể phải phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị nếu bệnh của bạn là ung thư.

Cho dù không thấy máu, bạn có nên xét nghiệm nước tiểu?

Bạn không cần phải kiểm tra ung thư thường xuyên nếu không có triệu chứng hoặc các yếu tố nguy cơ. Việc phát hiện ra ung thư sớm thường giúp việc điều trị trở nên hiệu quả hơn, nhưng các nghiên cứu đã kết luận rằng xét nghiệm nước tiểu thường xuyên có thể giúp ta sống lâu hơn bởi nó cũng có thể khiến những người khỏe mạnh phải thực hiện các xét nghiệm không cần thiết và gây hại cho cơ thể.

Tuy nhiên, nếu bạn có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao, hãy đi khám bác sĩ và yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: lớn hơn 50 tuổi, hút thuốc lá, có tiền sử bệnh trong gia đình và khi làm việc phải tiếp xúc nhiều với hóa chất hoặc thuốc nhuộm.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết liên quan sau đây:

  • Tiểu đường Bệnh đường huyết
  • Bệnh Nhiễm trùng đường tiểu là gì?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!