Thời gian ngủ cần thiết trong ngày thay đổi tùy theo từng người, có thể dao động từ 4-10 giờ. khi thời gian ngủ ít và giấc ngủ chập chờn không sâu được, các nhà y học gọi là mất ngủ.
Giấc ngủ được đặc trưng bởi giao động ngày và đêm, nhằm đảm bảo phục hồi các chức năng của vỏ não. Trung bình chúng ta ngủ khoảng trên 200.000 giờ cho cả cuộc đời và 6-8 giờ trong 24 giờ.
Tại sao người cao tuổi lại mất ngủ?
Có 3 loại chính, mất ngủ thoáng qua, mất ngủ cấp tính, mất ngủ mãn tính.
Về nguyên nhân gây mất ngủ ở người lớn tuổi, các nhà y học thường thấy nhất là mất ngủ do tuổi tác, do các chức năng bình thường của con người bị suy giảm một cách đáng kể. Đây là nguyên nhân rất khó tránh khỏi.
Tuổi tác càng cao thì mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm, trong đó chức năng của hệ thần kinh trung ương là rất nhạy cảm. Tế bào thần kinh trung ương của con người kể từ lúc phôi thai phát triển cho đến khoảng tuổi 25 là hoàn chỉnh. Sau lứa tuổi này thì mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào nơ-ron thần kinh bị hủy hoại và như vậy ngoài ảnh hưởng đến các chức năng khác thì giấc ngủ người cao tuổi cũng không thể không bị ảnh hưởng.
Mất ngủ do bệnh tật, có rất nhiều loại bệnh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người lớn tuổi. Loại hay gặp nhất là đau nhức xương khớp như: Viêm đa khớp dạng thấp, do thoái hóa khớp, bệnh gút... Bệnh về tim mạch hay gặp nhất là bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim làm cho người lớn tuổi dễ đau thắt ngực, khó chịu và nhiều khi còn tỏ ra lo lắng làm ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ.
Bệnh về đường hô hấp người lớn tuổi hay nhất là bệnh giãn phế quản, hen phế quản… gây ho nhiều, khó ngủ được. Bệnh về đường tiêu hóa, bệnh ảnh hưởng nhiều nhất là bệnh về dạ dày và bệnh viêm đại tràng mạn tính. Bệnh về tiết niệu, tiền liệt tuyến, đái tháo đường cũng là một trong các tác nhân làm cho người cao tuổi mất ngủ.
Ngoài ra, môi trường đang sinh sống, như: Sống nơi có quá nhiều tiếng ồn, nhà chật chội, mất vệ sinh, uống rượu bia, thuốc lá… đều ảnh hưởng đến giấc ngủ người cao tuổi. Khi nhịp sống sinh học bị phá vỡ thì có thể dẫn đến mất ngủ, sức khỏe giảm sút, luôn than phiền mệt mỏi, khó tập trung, chán nản, uể oải, giảm chú ý, trí nhớ kém…
Làm gì để khắc phục?
Để khắc phục tình trạng mất ngủ ở người cao tuổi, trước tiên ta cần thực hiện bước phòng chứng mất ngủ mà không dùng đến thuốc, như lập cho mình một thời gian biểu đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tránh tạo áp lực trong cuộc sống, điều tối kỵ là đem những công việc suy nghĩ nhiều vào lúc đi ngủ.
Nên để đầu óc thư giãn trước khi đi ngủ. Nên sống với lòng vị tha, tránh ích kỷ, buồn rầu, luôn thanh thản và làm công ích. Tránh uống trà, cà phê, rượu bia ít trước khi đi ngủ, tránh ăn quá nhiều hay để bụng đói. Không hút thuốc lá lúc đi ngủ vì nicotine ở thuốc lá làm hưng phấn khó ngủ.
Phòng ngủ cần mát mẻ, ánh sáng phù hợp. Khi đã lên giường ngủ nên tự mát-xa nhẹ nhàng ở vùng đỉnh đầu, vùng cổ, vùng thái dương, lòng bàn tay-bàn chân, nằm với tư thế thoải mái, nếu người bệnh bị bệnh dạ dày - tá tràng, hội chứng trào ngược nên nằm gối cao. Người hay ngáy nên nằm sấp hay tư thế nghiêng. Người bị sỏi thận nên nằm thay đổi tư thế khác nhau, người bị bệnh tim nên ngủ nghiêng về bên phải.
Nếu sau 45 phút mà vẫn không ngủ được hãy ngồi dậy đọc sách hoặc làm một việc gì đó, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ buồn ngủ, hãy kiên nhẫn sau 2-3 tuần dần dần nhịp sinh học sẽ khớp lại với giờ ngủ bình thường. Tôn trọng giấc ngủ trưa dù 15-20 phút, vì nó hết sức có ý nghĩa, cơ thể giải phóng và có sự ứ động, đặc biệt là a-xít lactic trong quá trình chuyển hóa, là nguyên nhân dẫn đến mệt mỏi.
Tuy nhiên, cũng tránh ngủ ngày quá nhiều sẽ làm khó ngủ vào ban đêm. Nếu các giải pháp trên vẫn không hiệu quả thì có thể dùng thuốc nam như: Lá vông nấu canh với 8g tâm sen, cách dùng đun uống hay dạng nấu canh; hoặc dùng phục thần 8g, táo nhân sao 12g, đan sâm 12g, đương quy 12g, cách dùng là sắc uống.
Nếu vẫn không thấy hiệu quả thì dùng thuốc an thần nhẹ như: Diazepam với tên biệt dược là Valium hay Seduxen, uống 5 hay 10mg, trước khi đi ngủ 15-20 phút. Thuốc được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ, và không dùng quá 3 ngày, vì dùng kéo dài sẽ gây quen thuốc. Nếu các giải pháp trên vẫn chưa hiệu quả thì cần khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!