Ở Việt Nam, dịch HIV có xu hướng chững lại, không tăng nhanh như những năm trước đây nhưng về cơ bản, chưa khống chế được và vẫn còn chứa đựng các yếu tố nguy cơ làm bùng nổ dịch, nếu không triển khai các biện pháp can thiệp một cách hiệu quả.
Đó cảnh báo được đưa ra tại Hội thảo 'Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS' do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 29-5, với sự mặt của hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành và một số tổ chức nước ngoài.
Theo nhận định của Liên hợp quốc, với hơn 7.000 người nhiễm HIV mỗi ngày, đại dịch HIV/AIDS vẫn đang là một thảm họa chưa từng có của loài người, gây ra nỗi thống khổ to lớn cho mỗi quốc gia, các cộng đồng và các gia đình trên khắp hành tinh.
Do vậy, phòng, chống HIV/AIDS đã, đang và tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đồng thời là lương tâm và trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với sự tồn tại và phát triển của nhân loại.
Đại dịch HIV/AIDS vẫn đang là một thảm họa chưa từng có của loài người (Ảnh minh họa: Internet)
Năm 2011, ở Việt Nam số người nhiễm HIV ước tính 260 nghìn người và tiếp tục tăng lên trên 280 nghìn người năm 2012. Hình thái lây nhiễm vẫn đang trong giai đoạn dịch tập trung, tức tỷ lệ nhiễm HIV rất cao trong nhóm nghiện chích ma túy, cao trong nhóm nữ bán dâm và thấp ở các quần thể khác.
Các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong quá trình xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt trong các hoạt động can thiệp giảm tác hại, chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng.
Thực tế, số người tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS ngày một tăng bao gồm cả người nhiễm và gia đình họ. Tất cả các đoàn thể quần chúng đều có các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo chiều dọc và chiều ngang. Số tổ chức phi chính phủ, tổ chức dựa vào cộng đồng trong nước có hoạt động phòng chống HIV/AIDS ngày càng đông đảo và có mặt trên hầu khắp 'các mặt trận' của cuộc chiến này.
Bà Đỗ Thị Vân, Giám đốc Dự án thành phần VUSTA (Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS) cho biết: Lần đầu tiên Việt Nam có tài trợ đáng kể, gần 15 triệu USD do tổ chức xã hội chủ trì thực hiện. Qua một năm thực hiện dự án cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội; tạo cơ chế bình đẳng cho tổ chức xã hội tham gia cung cấp dịch vụ xã hội.
Khi nguồn tài trợ quốc tế giảm dần, Nhà nước dành kinh phí từ ngân sách cho tổ chức xã hội trong phòng chống HIV/AIDS; xây dựng chính sách ưu đãi đối với các họt động dịch vụ vì lợi ích công.
Các tổ chức xã hội cần tăng cường năng lực và kết nối với nhau và với cơ quan nhà nước; nghiên cứu chuyển sang mô hình doanh nghiệp xã hội để tạo nguồn kinh phí hoạt động; xây dựng trung tâm thông tin về các tổ chức xã hội trong phòng chống HIV/AIDS./.
>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!