Tọa đàm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho các bác sĩ trong phẫu thuật làm đẹp

Thời sự - 11/24/2024

'Những sai lầm thường gặp khi cấp cứu các ca ngừng tuần hoàn hô hấp' là một trong nội dung thảo luận giữa các bác sĩ (BS) chuyên môn thuộc khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) các bệnh viện (BV) lớn trên địa bàn thành phố với nhiều BS đang làm việc tại các cơ sở, dịch vụ làm đẹp tại TP Hồ Chí Minh sau một số 'sự cố' khi làm đẹp.

Buổi tọa đàm đã dẫn ra có tới 12 nguyên nhân chính dẫn đến các sai sót, sự cố y khoa trong phòng hồi sức tim phổi (HSTP) liên quan tới chuyên môn hành nghề của phẫu thuật ngoại khoa nói chung, phẫu thuật làm đẹp nói riêng. Tọa đàm cho biết nhiều bác sĩ vẫn còn mắc sai lầm nếu thiếu cập nhật kiến thức!

Tai biến trong phòng hồi sức

Trên góc độ hoàn toàn chuyên môn, TS.BS Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, Trưởng bộ môn Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã chỉ ra 12 nguyên nhân chính dẫn đến các sai sót, sự cố y khoa, sai lầm liên quan phẫu thuật gồm những lỗi đến từ con người như các nhân viên y tế bất cẩn, thiếu kinh nghiệm. Trong đó, cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp được chia thành 2 nhóm: Hồi sinh cơ bản và nâng cao.

Tọa đàm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho các bác sĩ trong phẫu thuật làm đẹp

Lễ cam kết hợp tác chuyên môn giữa Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam cùng Bệnh viện Nhân Dân 115 TP Hồ Chí Minh nhằm tăng cường yếu tố an toàn và kỹ năng xử lý rủi ro trong hồi sức cấp cứu tại TP Hồ Chí Minh vừa qua.

Theo đó, việc 'HSTP cơ bản' nên phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, 'HSTP nâng cao' nên tập huấn kỹ càng tại các bệnh viện là ý kiến các chuyên gia đưa ra tại toạ đàm trên.

Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân ngưng tim được cấp cứu chưa đúng cách. Bác sĩ Huy kể, một lần có cháu bé chết đuối ở Quảng Ninh, gần 100 người vây xung quanh, HSTP cho bé và mỗi người làm một cách, không có tổ chức.

Lúc đó ông tình cờ có mặt liền phân công cho những người cấp cứu, gồm cả người nước ngoài, 4 người làm 4-5 nhiệm vụ khác nhau, tránh tình trạng thiếu tổ chức, không có sự phối hợp, nhất là nếu người ép tim và người thổi ngạt không phối hợp nhịp nhàng, người bệnh còn bị nặng thêm.

Trong HSTP cơ bản cần được biết về kỹ năng biết gọi giúp đỡ, tiến hành ép tim trước ngực (ép 30 cái, thổi ngạt 2 cái); 2 người trở lên phải phân công tình huống. Vì một ca ép tim rất mất sức. Một người khoẻ mạnh chỉ làm được 2,5 phút là 'thở ra tai'. Trong khi ép tim phải thực hiện liên tục có thể kéo dài cả giờ.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là chuyện 'ép tim', một trong nhiều khâu của một 'chuỗi cấp cứu HSTP', gồm: Phát hiện, la, gọi người cùng cấp cứu hỗ trợ, khử rung tim sớm, HSTP bằng ép tim, HSTP nâng cao… tất cả chất lượng sống của người bệnh sau này phụ thuộc vào quá trình HSTP.

Nhưng, chất lượng của thao tác HSTP cho thấy, còn đó những sai lầm trong thực hiện. Đó là việc bỏ phí nhiều thời gian. Tình trạng thường do các bác sĩ tại ê kíp quá tập trung xác định việc ngưng tim, phát hiện nhịp thở.

'Trong một lần huấn luyện các nhân viên y tế, ở câu thực hành với việc sờ mạch, phải 3 lần nhân viên mới làm chính xác. Trong lần đầu 50% nhân viên làm sai; lần 2 là 20% làm sai; và kiểm tra lần 3 mới làm thao tác đúng hết. Việc nghe tim, đo huyết áp đã cướp mất 30 giây đến 1 phút sự sống của bệnh nhân. Lúc này tim yếu rất khó nghe, nhưng cán bộ y tế cứ đi mất thời gian sờ mạch quay, đo huyết áp đây là việc vô nghĩa. Mạch bằng không, huyết áp bằng không khi cấp cứu các ca ngưng tuần hoàn. Do đó, cần xem bệnh nhân có phản ứng lại với kích thích đau, mất mạch cảnh; thở ngáp (chỉ 10 giây); là cần tiến hành hồi sinh tim phổi ngay. Lại có nơi mất quá nhiều thời gian vào huy động trang bị và phương tiện hồi sinh. Quá kỹ nên cho máy khửrung timvào tủ, khóa lại, khi xảy ra sự cố, cần cho bệnh nhân cuống cuồng đi tìm', BS Huy chia sẻ.

Tiết kiệm từng giây một

Cũng theo phân tích của của các chuyên gia tại tọa đàm, nguyên nhân của các sai lầm trên là do chưa nhận thức được tầm quan trọng của thời gian cấp cứu chính là tính mạng người bệnh. Cần tiết kiệm từng giây một. Hiệp hội cấp cứu, tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra hướng dẫn, HSTP phải tiết kiệm từng giây, tránh bỏ phí thời gian vào công việc không cần thiết, thậm chí bỏ quy trình không cần thiết. Không cần thổi ngạt, chỉ cần ép tim là chính (trong 10 phút đầu tiên, ôxy trong máu còn đủ sử dụng cho mọi tình huống).

'Theo tôi, cần tăng cường truyền thông y tế, cải thiện cả nhận thức trong HSTP, hồi sức cấp cứu. Ở các nước phát triển, các cấp chính quyền có nhiệm vụ phải nắm kỹ kỹ thuật HSTP, hồi sức ngưng tim, chú trọng huấn luyện kiến thức, kỹ năng cho toàn bộ dân khi chẳng may có ca bệnh xảy ra để kịp thời cứu sống ngay chính những người thân của mình. Tăng cường huấn luyện về HSTP cơ bản cho cộng đồng và bao gồm tất cả cán bộ công nhân viên; nhân viên y tế trong bệnh viện, bảo vệ, lao công. Nhóm nhân viên y tế trong khoa cấp cứu, gây mê hồi sức cần được ưu tiên. Nếu được huấn luyện đến mọi nhân viên, ai cũng biết làm và làm nhanh sẽ tăng khả năng cứu sống người bệnh. Việc huấn luyện này cho từ học sinh cấp 1 trở lên. Việc huấn luyện tập trung kỹ thuật, chiến thuật theo tình huống để người ứng cứu biết phải làm gì khi đối mặt với tình huống', BS Huy nhấn mạnh.

Được biết, nếu như được cấp cứu, khử rung tim (trước 2 đến 5 phút) thì có thể tăng lên 30% khả năng cứu sống bệnh nhân. Nhưng, ngay cả bác sĩ nhiều người cũng gặp những sai lầm khi ép tim quá chậm, quá nông, hay gián đoạn.

Vì an toàn cho người bệnh – hãy tận dụng từng giây trong 'chuỗi hồi sức sống còn' là thông điệp của các Chuyên gia HSTP gửi gắm tại buổi toạ đàm. Hay còn những sai lầm nữa thuộc khâu kỹ thuật đó là đã được huấn luyện nhưng làm không đúng kỹ thuật trong: ép tim ngoài lồng ngực; thổi ngạt, bóp bóng hay thở máy; tiêm andrenalin thế giới đã bỏ do việc tiêm sẽ gây nguy cơ gây tổn thương động mạch; nhưng Việt Nam vẫn thực hiện.

Sử dụng máy phá rung trước đây dùng 3 'phát' nhưng nay chỉ được khuyên dùng 1 phát. Cú đấm trước tim chỉ nên dùng 1 phát. Hay thao tác ép tim sai khi bàn tay không đan xen vào nhau, ép tim phải thực hiện chính giữa lồng ngực chứ không phải bên trái hay bên phải quả tim; kỹ thuật thông khí nhân tạo, bóp bóng nhanh hơn 10 lần mỗi phút sẽ khiến bệnh nhân nặng thêm. Sai lầm trên do không được cập nhật kiến thức thường xuyên, huấn luyện không đạt chuẩn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!