Đây là một ca cấp cứu ngoạn mục, bệnh viện đã bỏ qua tất cả các thủ tục, mở sẵn cửa phòng mổ, chuẩn bị máy siêu âm tim, máu, thuốc, đội ngũ bác sĩ, xe cứu thương ghé ngang cấp cứu đưa thẳng bé vào phòng mổ
Khoảng 10g ngày 2/7, bác sĩ trực cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận thông tin từ Bệnh viện Quận 7 nhờ hỗ trợ cấp cứu bé A. đang nguy kịch do bị vết thương ở ngực, mất nhiều máu và hôn mê.
Nhận định đây là trường hợp rất nặng, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 khởi động qui trình báo động đỏ liên viện, huy động toàn bộ bác sĩ các chuyên khoa chuẩn bị đón bệnh. Lúc này, Ban giám đốc bệnh viện quyết định dừng cuộc họp, chỉ đạo các khoa bỏ qua hết các quy trình, thủ tục, mở cửa sẵn phòng cấp cứu và các khoa phòng liên quan, tranh thủ từng phút để cứu bệnh nhi.
BS CKII Lê Thị Minh Hồng – PGĐ Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: 'Do Bệnh viện Quận 7 báo bé đã ngưng tim ngưng thở trước nhập viện, các bác sĩ phải hồi sức tim, đặt nội khí quản bé mới có nhịp đập trở lại, nên trường hợp này phải cấp cứu càng nhanh càng tốt để bé giảm được các di chứng sau này'.
Khoảng 10g15, xe cấp cứu của Bệnh viện Quận 7 đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, xe ghé ngang khoa cấp cứu và đưa thẳng vào phòng mổ đang sẵn sàng. Lúc này, bé A. đã tái tím, lơ mơ, sốt cao, tim, mạch rất yếu, huyết áp tụt, các sinh hiệu đều đe dọa đến tính mạng, tiên lượng gần như tử vong.
Ngay lập tức, bé được siêu âm tim, tràn máu màng tim, màng phổi, nghi ngờ tim có vết thủng nhưng máu chảy quá nhiều nên bác sĩ khó xác định được vị trí tổn thương, nhưng bé rơi vào nguy kịch, không mổ cấp cứu sẽ không thể cứu kịp. Lúc này, bác sĩ Hồ Văn Anh Dũng, bác sĩ Tôn Thị Thanh Tú – nhóm phẫu tim của khoa Ngoại tổng hợp, bác sĩ Huỳnh Thị Ánh Tuyết khoa hồi sức chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, cùng ekip gây mê và 1 số bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu cho bé A.
Bác sĩ Dũng nói: 'Thời gian rất gấp rút, chúng tôi buộc phải mổ khẩn để cứu bé, mở lồng ngực thám sát máu vẫn chảy ào ạt, tràn vào màng tim, phổi,… Sau khi xử lý chảy máu, thám sát phát hiện vết rách màng tim phía trước thất phải khoảng 2cm, vị trí sát động mạch vành bên trái.
Khó khăn lớn nhất của ê-kíp phẫu thuật là vết thương quá gần động mạch vành, nếu sơ suất sẽ khiến động mạch bị rách gây chảy máu ào ạt, và nguy cơ vết thương hoại tử rất cao, đòi hỏi bác sĩ phải thật tập trung, khéo léo trong xử lý nhiễm trùng và khâu vá vết rách cho bé A.. Bên cạnh đó, bé phải được truyền máu liên tục bù vào lượng máu đã mất'.
Hơn 2 giờ đồng hồ phẫu thuật, ca mổ thành công, ê-kíp bác sĩ thở phào nhẹ nhõm trong 'cuộc chiến với tử thần' bé A. thoát chết trong gang tấc. Hiện tại, bé đã tỉnh, tiếp xúc tốt và đang được tập cai máy thở, sức khỏe bé đang tiến triển tốt. Do bé ngưng tim lâu nên các bác sĩ đang theo dõi chức năng tim, tầm soát tổn thương não, di chứng thần kinh cho bé. Thời gian tới, bác sĩ tâm lý cũng sẽ được huy động để nâng đỡ tinh thần cho bé A. tránh cho bé khỏi bị sốc sau tai nạn.
Theo bác sĩ Minh Hồng, ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 cứu được bé A. cũng nhờ các bác sĩ Bệnh viện Quận 7 đã thực hiện tốt hồi sức cho bé ngay từ ban đầu. Thành công do sự phối hợp kịp thời, nhịp nhàng, chuyên nghiệp, hiệu quả liên viện. Bởi bé được đưa đến Bệnh viện Quận 7 trong tình trạng bị vật sắt nhọn đâm vào thành ngực nhưng người nhà đã rút vật nhọn này ra nên khiến máu chảy ào ạt khiến bé rơi vào nguy kịch.
'Quan trọng nhất là Bệnh viện Quận 7 đã không bỏ cuộc, liên tục hồi sức cho bé A., đặt nội khí quản và cấp tốc thông báo để Bệnh viện Nhi Đồng 2 có sự chuẩn bị tốt nhất cho bé, nếu không sẽ rất khó. Sáng nay, bệnh viện cũng đã cung cấp bệnh án của bé A. cho cơ quan chức năng quận 7 về các vấn đề liên quan, bác sĩ Hồng nói thêm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!