Từ những thiệt hại của vụ cháy chung cư Carina Plaza, Q. 8, TP. HCM, đã cho thấy thiếu hụt kiến thức sinh tồn và kỹ năng thoát khỏi đám cháy sẽ nguy hiểm như thế nào. Hãy cùng theo dõi bài viết để trang bị thêm kiến thức giúp ích cho chính mình và những người xung quanh.
Để thoát khỏi đám cháy, bạn nên có sự chuẩn bị từ trước cho mình về cả kiến thức, kế hoạch thoát thân và tập dợt trước kế hoạch này. Đây đều là những sự phòng bị thiết yếu cho cả bạn và gia đình để có thể xử lý trong bất kỳ trường hợp nào có xảy ra hỏa hoạn. Kể cả bạn sống một mình, sống ở nhà hay chung cư, những kỹ năng thoát khỏi đám cháy sau đây nhất định sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các kỹ năng thoát khỏi đám cháy này nhé!
Kỹ năng thoát khỏi đám cháy khi ở trong nhà
1/ Lập kế hoạch thoát thân và tiến hành luyện tập
Bạn phải chuẩn bị trước cho cả những tình huống xấu nhất bằng cách lập ra kế hoạch thoát khỏi đám cháy và đảm bảo mọi thành viên trong nhà đều biết được cần làm gì khi xảy ra hỏa hoạn. Trong kế hoạch, bạn cần liệt kê tất cả những vị trí có thể thoát hiểm từ mỗi căn phòng, hướng đi tới một nơi có không gian mở, an toàn và thoáng khí hơn như là sân nhà hàng xóm hoặc phía bên kia đường.
Điều quan trọng cần lưu ý là tuyến đường thoát hiểm không nên ngang qua khu vực nào bị khép kín, ví dụ như khoảng sân có cổng bị khóa chặt, sẽ cản trở bạn thoát ra ngoài. Do đó, tốt nhất là tất cả các loại cửa, hàng rào có thể dễ dàng mở từ bên trong.
Hãy hướng dẫn cho mọi thành viên trong gia đình những kỹ năng thoát khỏi đám cháy cũng như cách để mở khóa cửa, cửa sổ, cổng và cả hàng rào. Thường xuyên kiểm tra để xem có bất kỳ chướng ngại vật nào ngăn cản bạn khi cần thoát khỏi hỏa hoạn hay không.
Sau khi đã có kế hoạch, bạn nên cùng gia đình thử mô phỏng tình huống rồi luyện tập vài tháng một lần để trang bị được kỹ năng tốt nhất. Đừng quên luyện tập cả vào ban đêm nữa, vì đây là một trong những thời điểm nguy hiểm nhất, rất khó kiếm đường thoát ra ngoài. Bạn cũng nên lưu ý cho cả người lớn và trẻ em trong nhà gọi ngay cho đội cứu hỏa theo số 114, để lúc xảy ra cháy nổ, bất cứ ai gần điện thoại nhất đều có thể gọi.
2/ Chuẩn bị trước cho khả năng thoát hiểm của từng thành viên
Nếu trong gia đình bạn có người bị khiếm khuyết hoặc hạn chế khả năng về mặt nào đó – ví dụ như mắt kém hoặc lãng tai – họ có thể cần đến kính, thiết bị trợ thính để tìm lối ra cho mình. Do đó, bạn cần đảm bảo các thiết bị trợ lực này đều luôn nằm trên kệ, bàn cố định hoặc những nơi thuận tiện để lấy. Xe lăn, gậy chống và các vật dụng hỗ trợ di chuyển khác luôn ở gần giường hoặc khu vực dễ tiếp cận.
Tốt nhất là nếu nhà bạn có nhiều tầng, hãy để những thành viên gặp hạn chế về việc di chuyển ở tầng trệt.
3/ Hạ thấp thân mình và bò đến chỗ thoát hiểm để tránh bị ngạt khói
Nguồn: Wikihow.com
Bạn hãy cúi thấp, để thân mình càng sát mặt đất càng tốt và nhanh chóng đến chỗ thoát hiểm, đặc biệt là khi vị trí của bạn đang có rất nhiều khói. Ngạt khói có thể khiến bạn mất ý thức, do đó, ở sát mặt đất có thể giúp bạn hít được một ít không khí do khói và các hóa chất độc hại đã bay lên trên cao rồi. Ngoài ra, cúi xuống thấp cũng sẽ giúp bạn có tầm nhìn dễ dàng hơn.
4/ Kiểm tra độ nóng của tay nắm cửa trước khi mở
Nguồn: Wikihow.com
Bạn đừng bao giờ mở cửa nếu tay nắm cửa đó bị nóng. Vì điều này có nghĩa là lửa đang cháy phía sau cửa, nếu bạn mở ra, có thể tiếp thêm oxy cho lửa cháy, khiến bản thân nguy hiểm hơn nữa. Khi phương tiện thoát hiểm của bạn bị chặn bởi căn phòng đang cháy lớn hoặc các dấu hiệu cháy khác, hãy kiếm tuyến đường thay thế hoặc cửa sổ gần nhất để thoát ra.
Lưu ý, bạn nên dùng mu bàn tay để kiểm tra nhiệt độ trên tay nắm cửa vì vùng da này mỏng hơn so với lòng bàn tay, bạn sẽ cảm nhận được nhiệt độ trước khi bị bỏng. Khi mở bất kỳ cánh cửa nào, bạn nên mở chậm rãi và sẵn sàng đóng lại nhanh nhất có thể nếu phát hiện có khói hay lửa cháy.
5/ Không nên đi trốn khi nhà đang bị cháy
Cho dù là bạn đang hoảng sợ, tốt nhất bạn vẫn không nên trốn dưới gầm giường, trong tủ hay bất cứ vị trí nào khác khi có hỏa hoạn. Nếu bạn trốn đi, lính cứu hỏa hoặc những người khác có thể không kiếm được bạn, bạn cũng có khả năng bị ngạt hay bị đồ vật cháy đè lên cao hơn. Hãy cố gắng bình tĩnh và kiếm lối thoát gần nhất để ra ngoài.
6/ Có dự phòng nếu như lối thoát của bạn đã bị chặn
Nếu các lối thoát hiểm đều đã bị chặn, bạn cần kiếm cách để những người cứu hộ biết được vị trí của mình. Bạn có thể gọi điện thoại, hét lên, bật đèn flash hoặc dùng quần áo, phụ kiện sặc sỡ ra hiệu ngay tại cửa sổ để thông báo.
Nếu bạn đang kẹt lại trong một căn phòng, hãy đóng tất cả các lỗ thông hơi, đóng cửa, dùng khăn và quần áo hay bất cứ thứ gì có thể chèn tại những vết nứt. Như vậy có thể ngăn cản khói tràn vào phòng.
Kỹ năng thoái khỏi đám cháy khi ở trong chung cư, cao ốc
1/ Trang bị đủ vật dụng phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm cần thiết
Tuy ở chung cư, cao ốc đều sẽ có trang bị một ít bình và vòi xịt chữa cháy, nhưng để đề phòng những trường hợp khẩn cấp, bạn lại ở xa không tiếp cận được các thiết bị này, hãy trang bị ngay một bộ thiết bị cần thiết như đèn báo cháy, bình chữa cháy,… cho căn nhà của mình.
Ngoài ra, để thoát hiểm an toàn và nhanh chóng hơn, bạn nên chuẩn bị thêm:
- Mền cứu sinh: loại mền cực gọn, nhẹ, chống nhiệt, có thể bảo vệ cơ thể của bạn trong cả trường hợp gặp lửa cháy hay mưa bão
- Thang dây: trong trường hợp các lối thoát hiểm đều bị chặn, thì sử dụng thang dây để thoát khỏi đám cháy từ cửa sổ hoặc ban công sẽ có ích hơn nhiều
- Mặt nạ chống khói: khi đang thoát khỏi đám cháy, nếu bị ngạt khói có thể dẫn đến tình trạng mất ý thức. Dù cho đang tìm đường thoát hay bị kẹt lại trong phòng kín, bạn vẫn nên có mặt nạ phòng độc để tránh hít quá nhiều khói và khí độc, duy trì hô hấp lâu nhất có thể cho đến khi được cứu hộ
- Bình dưỡng khí: loại bình này có rất nhiều kích thước và mức giá khác nhau. Tùy theo nhu cầu sử dụng bạn có thể lựa chọn loại phù hợp để duy trì oxy hít thở. Tuy nhiên, cung cấp oxy trong đám cháy là khá nguy hiểm, do đó bạn nên học cách sử dụng loại bình này thật kỹ để đảm bảo an toàn.
Bạn có thể tìm mua các thiết bị phòng cháy chữa cháy và hỗ trợ thoát hiểm tại đây.
2/ Biết lộ trình và quy cách di tản khỏi tòa nhà
Dù cho bạn đang sống ở chung cư, đang nghỉ ngơi tại khách sạn hay làm việc trong một cao ốc, hãy tìm hiểu trước về sơ đồ các tầng cũng như những tuyến đường để thoát hiểm. Bạn nên nắm được con đường ngắn nhất và nhanh nhất để có thể đến được cầu thang bộ, đồng thời nắm luôn vị trí của những tuyến thoát hiểm khác để đề phòng.
3/ Đi thang bộ
Nguồn: Wikihow.com
Bạn tuyệt đối không dùng thang máy nếu có hỏa hoạn xảy ra. Bạn nên thường xuyên luyện tập leo thang bộ nếu sống ở chung cư hay làm việc trong cao ốc.
Bạn nên nắm rõ có bao nhiêu lối thoát hiểm và mất bao nhiêu thời gian để xuống cầu thang. Lưu ý khi di chuyển, bạn nên nắm tay vịn và đi sát vào để chừa lối nếu có người muốn đi lên.
Hãy quay ngược trở lại khi bạn phát hiện có khói từ tầng phía dưới. Nếu có thể, bạn hãy lên đến sân thượng hoặc tầng cao nhất của tòa nhà. Mở cửa để hút bớt khói từ những tầng thấp hơn, đồng thời cũng có thể giúp người khác và đội cứu hộ dễ dàng tiếp cận hơn.
Một khi đã ở vị trí cao nhất, bạn hãy đi theo hướng gió thổi, gọi cho dịch vụ cứu hộ và thông báo vị trí chính xác của mình.
4/ Xem xét nếu có bất cứ vấn đề nào khi di chuyển
Thông báo với quản lý tòa nhà nếu bạn cảm thấy mình hoặc bất cứ người nào khác có thể gặp vấn đề khó khăn khi đi thang bộ. Nếu phải dùng xe lăn hoặc không leo thang được, bạn nên nhờ sự trợ giúp từ những người ở gần nhất để họ có thể hỗ trợ bạn đi thang xuống. Nếu có thể, bạn nên thông báo với đội cứu hộ về vị trí và tình trạng của người hạn chế khả năng di chuyển để được hỗ trợ kịp thời.
Khi bạn đang ở tầng cao và không thể đi xuống, hãy dùng điện thoại hoặc vật dụng khác, lại gần cửa sổ để ra hiệu và thông báo vị trí chính xác của mình.
5/ Đảm bảo chìa khóa luôn trong tầm tay của mình
Nếu bạn đang ở khách sạn, hãy luôn mang theo khóa phòng mỗi khi ra ngoài. Nếu có cháy ở hành lang, bạn phải vào lại trong phòng ngay, bịt kín các khe hở để ngăn khói tràn vào phòng. Dùng đèn flash hoặc vật dụng sặc sỡ để ra hiệu ở cửa sổ, giúp đội cứu hộ phát hiện được vị trí của bạn. Cẩn thận hơn, bạn nên kiểm tra độ nóng của tay nắm cửa trước khi ra ngoài.
Khi làm việc trong tòa cao ốc, kỹ năng thoát khỏi đám cháy và quy trình thoát hiểm cũng sẽ tương tự như vậy nếu tất cả lối thoát đều bị chặn. Đóng cửa và luôn mang chìa khóa để đề phòng cửa bị khóa tự động.
Sơ cứu khi bị ngạt khói do hỏa hoạn
Khi xảy ra hỏa hoạn, 2 điều quan trọng nhất cần làm chính là tìm đường thoát ra ngoài và không để bản thân bị ngạt khói. Tuy nhiên, trong trường hợp có người bị ngạt khói, bạn nên biết cách để xử lý tình trạng này, tránh gây thêm nguy hiểm.
1/ Bạn cần gọi cấp cứu ngay (115) nếu nạn nhân có các dấu hiệu:
- Bất tỉnh
- Bối rối, chóng mặt
- Đau hoặc tức ngực
- Ho hoặc nghẹt thở dữ dội
- Thở khò khè, thở dốc, hoặc hít thở không đều
- Có tro hoặc khói quanh miệng và mũi
- Có bỏng trong miệng, cổ họng và mũi
- Đường hô hấp bị sưng
- Có nước bọt màu đen hoặc xám
- Cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa
- Giọng bị khàn
- Nhìn không rõ hoặc thấy một vật thành nhiều
- Cảm thấy cực kỳ tê rần hoặc ngứa
Nếu phát hiện có người gặp những dấu hiệu này, hãy hỏi xem họ có bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay hen suyễn không và kiểm tra nếu có thuốc hít gần đó để hỗ trợ tạm thời.
2/ Đưa nạn nhân đến khu vực an toàn
Cẩn thận di chuyển nạn nhân đến nơi có không khí trong lành hơn. Sau đó để họ ngồi hoặc nằm nghiêng một bên, tránh tình trạng mắc nghẹn nếu nạn nhân nôn mửa hoặc ho ra đờm.
3/ Hô hấp nhân tạo (CPR) cho nạn nhân
Trong khi chờ đợi cứu hộ, nếu nạn nhân không thở được, hãy hô hấp nhân tạo cho họ.
+ Tiền hành ấn ngực:
- Đặt cạnh dưới của một bàn tay (phần kế cổ tay) lên giữa ngực nạn nhân
- Đặt cạnh dưới của bàn tay còn lại đè lên trên tay kia, đan các ngón tay lại với nhau
- Cánh tay duỗi thẳng, vai cũng giữ thẳng phía trên tay
- Ấn mạnh và nhanh, nhấn xuống ít nhất khoảng 5cm
- Để ngực phồng lên lại hoàn toàn trước khi ấn lần tiếp theo
- Duy trì nhịp độ theo 100 lần/phút
+ Dừng lại nếu:
- Nạn nhân hô hấp lại bình thường
- Có chuyên viên y tế đến hỗ trợ
- Bạn không đủ sức thực hiện tiếp
- Có máy phá rung bên ngoài tự động (AED) để sử dụng
Nếu nạn nhân có da bị tái nhợt đi, mắt bất động, đổ mồ hôi, hít thở gấp, yếu đi, hoa mắt và nôn mửa, bạn nên gọi cấp cứu đến ngay và thực hiện các biện pháp tạm thời để nạn nhân bớt bị sốc: để họ nằm nghỉ, nghiêng qua một bên, sơ cứu vết thương hoặc giữ nạn nhân được ấm và thoải mái.
4/ Đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu
Nạn nhân cần được kiểm tra ngay dù cho không có thêm triệu chứng nào khác.
Những thương tổn do bị ngạt khí độc có thể không xuất hiện ngay nhưng sẽ phát triển rất nhanh. Do đó, nạn nhân cần được đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt.
Với những kỹ năng thoát khỏi đám cháy này, Hello Bacsi hy vọng bạn có thể luôn chuẩn bị thật tốt để giữ cho bản thân được an toàn. Trang bị thêm kỹ năng cho mình không bao giờ là thừa cả, vì vậy, đừng ngần ngại học hỏi và rèn luyện thêm để có thể cứu sống chính mình cùng những người khác trong trường hợp nguy cấp nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Hướng dẫn sơ cứu khi chảy máu để ngăn ngừa nhiễm trùng
- Sơ cứu và hô hấp nhân tạo khi bé bị nghẹn
- 14 kỹ năng sinh tồn cứu sống bạn trong lúc nguy hiểm
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!