Trẻ bị bạo hành: Nỗi đau còn mãi

Làm mẹ - 11/24/2024

Khi đến tuổi kết hôn, rất có thể các em sẽ bị chứng ám ảnh sợ lấy vợ, lấy chồng.

Liên tiếp các vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em gần đây xuất hiện trên mặt báo khiến vấn đề trở nên nóng bỏng, gây bất bình dư luận. Một điều không thể phủ nhận là, những đứa trẻ bị bạo hành chịu ảnh hưởng rất lớn về tinh thần.

Mấy ngày nay, việc Hào Anh đuổi mẹ và dượng ra khỏi nhà chỉ vì xin tiền đi chơi không được mẹ cho, khiến nhiều người quan tâm. Hào Anh là cái tên được xã hội quan tâm 4 năm trước, tháng 4/2010, khi em bị gia đình chủ trại tôm giống - nơi em làm việc, bạo hành bằng những màn tra tấn dã man như thời Trung cổ.

Hay chắc hẳn chưa ai quên được cái chết thương tâm của em bé 18 tháng tuổi (TP.HCM) do bị bảo mẫu dán băng keo bịt miệng đến tắt thở, học trò lớp 3 tại Hà Nội bị cô giáo tát vì quên viết hoa đầu dòng hay học sinh mầm non bị cô giáo tát sưng mặt do không chịu ăn…

Trẻ bị bạo hành: Nỗi đau còn mãi

Gần đây nhất, tối 14/9/2014, cơ quan chức năng thị xã Dĩ An, Bình Dương đã thông báo việc cháu Đỗ Thị Kim Ngân bị đánh nhập viện đến ông bà ngoại của cháu mà nguyên nhân là do mẹ đẻ và ‘dượng’ của bé Ngân đánh đập, hành hung.

Qua những vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em trên đây, chúng ta nhận thấy rằng việc bạo hành trẻ em đang ngày càng có xu hướng gia tăng và làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý trẻ. Đó là tổn thương về thể xác lẫn tinh thần từ lúc bị bạo hành đến suốt cuộc đời.

Sự thay đổi về tính tình

- Khi bị thầy cô, bạn bè bạo hành (bắt nạt học đường), trước tiên, trẻ sợ đến trường, không còn hứng thú với việc học tập, nảy sinh nhiều hành vi tiêu cực như loạn, sợ hãi, hung hăng, bạo lực, thậm chí là muốn tự tử.

- Đứa trẻ cũng mau chóng ‘học’ được tính bạo lực từ bố mẹ. Ở nhà, đập phá ở nhà. Đến trường, trẻ sẽ thành ‘đại ca’, chuyên đi bắt nạt bạn học và là chủ các trò nghịch dại, đánh đấm.

- Khi trẻ được cha mẹ nuông chiều thái quá, ra xã hội cũng muốn làm trung tâm, khi không được thì dễ nổi xung. Trẻ bị thiếu thốn kéo dài cũng dễ hung tính. Trẻ tiếp xúc thường xuyên với phim ảnh, đồ chơi bạo lực cũng dễ bắt chước.

- Khi bị chính người thân như bố mẹ gây bạo hành, trẻ thường thiếu tin tưởng vào gia đình, đặc biệt là việc có thể sống hạnh phúc trong một gia đình.

Trẻ bị bạo hành: Nỗi đau còn mãi

Và trong tương lai

Một số nghiên cứu cho thấy những trường hợp người lớn gây bạo hành và phát hiện 90% trong số họ từng bị trừng phạt về thân thể khi còn nhỏ bởi trẻ em là đối tượng thực sự nhạy cảm, nỗi đau về mặt thể chất ngay từ khi còn nhỏ có thể khiến các con bị ám ảnh suốt đời:

- Thiếu tin tưởng vào mọi người.

- Sống khép kín, gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội.

- Mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân.

- Hung hăng, bạo lực với mọi người, thậm chí có hành vi tự hại. Luôn muốn tự làm đau mình để giảm stress căng thẳng.

- Có hành vi phạm tội nghiêm trọng và thù ghét cuộc sống xã hội.

- Mắc những di chứng của bị bạo hành và tự thân thấy kém hoàn thiện, thấy mình như đồ bỏ đi.

- Một số người từng bị bạo hành khi còn nhỏ có hành vi lệch chuẩn về tình dục như khổ dâm, ác dâm…

- Khi đến tuổi kết hôn, rất có thể các em sẽ bị chứng ám ảnh sợ lấy vợ, lấy chồng.

Trẻ bị bạo hành: Nỗi đau còn mãi

Làm sao để giảm thiểu nạn bạo hành?

- Đối với bạo lực trường học: Để phòng và tránh cho trẻ khỏi bị bạo hành, bố mẹ nên gửi con đến cơ sở trông giữ trẻ, mẫu giáo có điều kiện vật chất khang trang, giáo viên được đào tạo bài bản, có tình thương yêu… Điều đặc biệt, giáo viên và phụ huynh phải thường xuyên trao đổi với nhau để nắm được tình hình của đứa trẻ.

- Đối với bạo lực gia đình: Các cơ quan chức năng tại địa phương cần quan tâm hơn nữa đến từng gia đình và có biện pháp mạnh răn đe những trường hợp gia đình, người lớn, chủ có hành vi bạo lực với trẻ em.

>> Xem thêm: Bé gái 4 tuổi bị bố mẹ đánh chấn thương sọ não

Ảnh minh họa: Internet

Thùy Chi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!