Những ngày vừa qua, xã hội lại một lần nữa bị khuấy động bởi tin tức bé Kim Ngân (Bình Dương) bị mẹ đẻ và bố hờ đánh đập tàn nhẫn phải nhập viện.Những cơ thể bé nhỏ đầy vết thương, hay đôi mắt sưng to không thể nhìn rõ, khiến người xem không khỏi chạnh lòng… Nhưng những gì chúng ta nhìn thấy có phải là tất cả những gì em đã, đang và sẽ phải gánh trong suốt cuộc đời còn lại?
Bé Kim Ngân
Trẻ bị bạo hành đã được phát hiện phải chịu nhiều tổn thương trên não, dù trẻ gần như hồi phục hoàn toàn và không có bất cứ biểu hiện nào về các vấn đề tâm thần. Theo các nghiên cứu mới nhất, thật đáng lo ngại khi mà cách phản ứng của não những trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường bạo lực cũng tương tự như cách mà não những người lính ra chiến trường phản ứng.
Tạp chí Current Biology đã cho đăng một nghiên cứu được tiến hành bằng cách chụp MRI (cộng hưởng từ) để tái hiện lại hình ảnh bộ não của 43 trẻ em ở Luân Đôn (Anh) khi các em này xem tranh vẽ những gương mặt giận dữ, buồn rầu hay vô cảm. 20 trẻ trong số đó, tuổi từ 11-13, đã lớn lên trong những gia đình bạo lực, sẽ được so sánh kết quả với 23 trẻ còn lại, những trẻ được nuôi dưỡng trong những gia đình lành mạnh, bình thường.
Các nhà khoa học cho biết, khi nhìn vào những bức tranh có gương mặt giận dữ, trẻ đã từng bị bạo hành cho thấy có sự tăng phản ứng ở vùng hạch hạnh nhân và vùng vỏ não thuỳ đảo (hai vùng chi phối cảm xúc), dấu hiệu tương tự với những người lính đã từng ra chiến trường. Những vùng não nói trên có vai trò nhận biết đe dọa, và chính sự gia tăng hoạt động của chúng khiến các em này luôn trong tâm trạng đề phòng.
Tất nhiên, trong bất kì tình huống nào, việc nhận biết được các dấu hiệu đe dọa, như gương mặt giận dữ hay đột ngột to tiếng, cũng thật quan trọng, vì có thể sẽ giúp chúng ta tránh được thiệt hại từ những hành vi bạo lực. Nhưng, nếu những vùng não này cứ chịu kích thích, thay đổi liên tục, như trong trường hợp các trẻ thường xuyên chịu bạo hành thì chắc chắn cũng sẽ để lại nhiều hậu quả. Cụ thể, trẻ sẽ lo âu, căng thẳng, stress hay trầm cảm. Về lâu dài, sẽ dẫn đến nguy cơ cao các bệnh: béo phì, tim mạch, đột quị, đái tháo đường…
Các trẻ trong nghiên cứu nói trên, hiện tại, vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, mà không có bất kì dấu hiệu nào của các vấn đề tâm thần. Nhưng, cách não phản ứng cho thấy, các em không hề vượt qua những lần bị bạo hành một cách hoàn toàn ‘bình yên vô sự’.
Tạp chí Archives of Pediatric and Adolescent Medicine cũng đã cho đăng một nghiên cứu với đối tượng là 42 trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi đã hồi phục sau quá khứ bị ngược đãi.
Dù chịu nhiều những đối xử bất công và tàn nhẫn, từ ngược đãi về cảm xúc, thể chất, cho đến lạm dụng sức lao động, thậm chí là lạm dụng tình dục; nhưng một lần nữa, các em này không hề có biểu hiện nào của các vấn đề tâm thần.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng, một đứa trẻ càng chịu nhiều loại tổn thương, thì những vùng quan trọng trong não trẻ sẽ càng ít đi chất xám. Cụ thể là, các hình thức bạo hành nói chung sẽ làm làm giảm thể tích của vùng vỏ não trước trán (định hình nên sự thận trọng, tự chủ, có kế hoạch), vùng hạch hạnh nhân (nơi đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên nỗi sợ hãi), hoặc thể vân của não (nơi tạo ra sự vận động, ham muốn hay vui thích). Từ đó, chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề không lường trước được cho tương lai của đứa trẻ.
Một lần nữa, những nghiên cứu nói trên cho thấy, vết sẹo trên da thịt có thể mất đi, nhưng những vết sẹo đã để lại trong tinh thần của các em thì vẫn luôn tồn tại như một nỗi đau quá khứ không thể chữa lành.
>> Xem thêm: Bé gái 4 tuổi bị bố mẹ đánh chấn thương sọ não
Ảnh minh họa: Internet
Thùy Linh (healthland)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!