Đánh tưa lưỡi bằng mật ong là kinh nghiệm dân gian được truyền miệng qua rất nhiều đời nay. Người Việt quan niệm rằng mật ong không chỉ tốt cho cơ thể mà còn rất hiệu quả trong việc làm sạch lưỡi cho bé.
Đặc biệt là khi trẻ bị tưa lưỡi, mật ong được xem là bài thuốc hữu hiệu để trị dứt điểm những đốm trắng hoặc màng trắng xuất hiện trên lưỡi trẻ. Với trẻ sơ sinh, nếu các đốm trắng này không được điều trị kịp thời thì có thể khiến lưỡi bé xuất hiện những vết loét, gây đau đớn cho bé, khiến cho trẻ biếng ăn và lười bú.
Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với quan niệm truyền thống này, khoa học hiện đại đã chứng minh việc rơ lưỡi cho trẻ bằng mật ong có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị tử vong.
Tưa lưỡi cho trẻ bằng mật ong có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị tử vong
Mật ong dễ gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trẻ em cho biết mặc dù mật ong là thực phẩm tự nhiên thơm ngon và bổ dưỡng, hỗ trợ kháng viêm, kháng khuẩn, trị ho, cảm lạnh, làm lành vết thương, tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch nhưng nó lại không được khuyên dùng cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây ra nguy cơ ngộ độc trầm trọng.
Nguyên nhân mật ong có thể gây ngộ độc là do trong quá trình lấy mật những con ong vô tình mang theo bào tử của vi khuẩn clostridium botulinum từ môi trường về tổ và nhiễm vào mật ong. Rất nhiều các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng mật ong dễ bị trực khuẩn tấn công, sinh sôi nảy nở và thải ra chất độc và lượng độc tố do 2.000 trực khuẩn sinh ra có thể làm chết một đứa trẻ nặng 7kg. Trong khi đó, với trẻ dưới 12 tháng tuổi, hệ tiêu hoá của trẻ còn chưa phát triển đầy đủ, dẫn đến việc mật ong có thể gây ngộ độc botulism - độc tố của vi khuẩn clostridium botulinum.
Cũng theo các nhà khoa học thì vi khuẩn clostridium botulinum sau khi được đưa vào cơ thể dễ sinh sôi và sản sinh ra độc tố trong đường ruột, gây ngộ độc thức ăn. Với người lớn thì do hệ tiêu hóa đã phát triển một cách toàn diện, đã đủ khả năng vô hiệu hóa độc tố này nên họ hầu như không bao giờ bị bệnh do vi khuẩn này gây nên. Nhưng với trẻ em dưới 12 tháng tuổi thì hệ tiêu hoá còn chưa đủ các vi khuẩn hữu ích, vì vậy, chưa thể tiêu diệt bào tử, ngăn ngừa sự phát triển và sản sinh độc tố của chúng, dẫn đến việc trẻ dễ dàng bị ngộ độc botulism.
Với trẻ dưới 12 tháng tuổi, mật ong là chất dễ gây độc hại
Triệu chứng báo hiệu trẻ bị ngộ độc mật ong
Triệu chứng đầu tiên của ngộ độc botulism trong mật ong là táo bón, có thể kéo dài 3-30 ngày sau khi ăn phải mật ong chứa bào tử. Trong vòng vài ngày tiếp theo, trẻ trở nên bơ phờ, mệt mỏi, chán ăn, khóc yếu.
Sau giai đoạn này, trẻ có thể thèm ăn trở lại, đó là lúc bệnh đã qua đỉnh điểm và bắt đầu giảm nhẹ. Nếu bệnh tiếp tục tiến triển, trẻ sẽ ngày càng ít vận động và có thể bắt đầu chảy nước dãi, phản xạ bú giảm.
Một dấu hiệu quan trọng nữa là bỗng nhiên người trẻ trở nên mềm nhũn, không giữ được đầu như trước. Một số trường hợp bị khó thở vì liệt cơ hoành. Ngừng thở hoàn toàn có thể xuất hiện ngay hoặc từ từ.
Do đó, mẹ cần lưu ý không được dùng mật ong cũng như đánh tưa lưỡi bằng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi (đặc biệt là với trẻ dưới 6 tháng).
Cách rơ lưỡi cho trẻ đúng chuẩn khoa học
- Dùng gạc vô trùng quấn quanh ngón tay đã rửa sạch, thấm hoặc nhỏ vài giọt vào nước muối sinh lý rồi nhẹ nhàng lau lần lượt trên bề mặt lưỡi bé và xung quanh lợi bé. Nên rơ lưỡi thường xuyên hàng ngày để tránh tình trạng nấm lưỡi hay tưa lưỡi.
- Nếu trẻ bị tưa lưỡi, tuyệt đối không tìm cách cạo sạch những đốm trắng trên lưỡi trẻ, vì rất dễ làm chảy máu gây nhiễm trùng lưỡi ở trẻ. Thay vào đó, mẹ nên dùng gạc vô trùng và nước muối sinh lý rơ lưỡi thường xuyên hơn cho đến khi tình trạng nấm, tưa đỡ dần. Khi thấy hiện tượng tưa lưỡi ở trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm, hãy mang trẻ tới bác sĩ ngay để được tư vấn trực tiếp.
Hãy rơ lưỡi cho trẻ đúng chuẩn khoa học
Một số vấn đề cần lưu ý khi rơ lưỡi cho trẻ:
- Rơ lưỡi có thể kích thích làm trẻ nôn ói, do đó, nên thực hiện thao tác này lúc bé đói, tốt nhất là vào buổi sáng sau khi trẻ ngủ dậy.
- Trước khi rơ lưỡi, người lớn cần vệ sinh tay mình sạch sẽ, tránh cọ xát mạnh làm đau lưỡi bé.
- Nên rơ theo tứ tự từ hai bên má, vùng khác trong vòm miệng, sau đó mới rơ lưỡi cuối cùng, từ ngoài vào trong để trẻ bớt khó chịu.
- Sau khi rơ lưỡi cho trẻ xong không nên cho trẻ bú ngay, mà nên chờ ít nhất 20 phút mới cho trẻ bú hoặc ăn.
Bên cạnh đó, để phòng bệnh nấm lưỡi, tưa lưỡi ở trẻ, các mẹ nên cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, khi cho trẻ bú sữa xong, phải rửa bình thật sạch. Tráng lại bình sữa bằng nước sôi trước khi pha sữa cho trẻ để khử trùng. Các bà mẹ đang trong giai đoạn cho con bú cũng nên giữ vệ sinh cá nhân tốt, vệ sinh vú mẹ mỗi ngày.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!