Trẻ được bú mẹ ngay khi mới sinh ra là điều tuyệt vời nhất đứa trẻ đó có được. Cho con bú mẹ chính là sợi dây gắn kết tình cảm mẹ con và đứa trẻ dù mới sinh nhưng vẫn cảm nhận được tình yêu thương từ mẹ chúng.
Theo thống kê từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cả nước ta chỉ có 19,6% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ. Đặc biệt, theo thống kê của viện này vào tháng 12/2013, ngay tại TP.HCM, con số ấy chỉ có 1%.
Vậy tại sao trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ lại ít đến vậy? Đâu là những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ? Làm thế nào để biết bé có bú đủ? Cần kích sữa trở lại như thế nào để có nguồn sữa dồi dào? Tất cả sẽ được các chuyên gia giải đáp trong chương trình tư vấn ngày hôm nay 'Vô vàn lợi ích khi nuôi con bằng sữa mẹ'.
Khách mời tham gia chương trình:
ThS.BS Nguyễn Mai Hương - Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế;
TS.BS Cao Thị Hậu - Nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông Giáo dục dinh dưỡng - Viện dinh dưỡng quốc gia.
Nguyên nhân mất sữa sau sinh ở thai phụ (P1)
MC: Thưa các chuyên gia, ở Việt Nam hiện nay, chỉ khoảng một nửa trẻ được bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và chưa đến 20% được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Lượng sữa bột tiêu thụ tăng tới 39% mỗi năm. Hiện việc nuôi con bằng sữa mẹ hiện nay ở nước ta ra sao? Tại sao mọi người đều hiểu rõ về lợi ích của sữa mẹ nhưng tỷ lệ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ lại thấp như thế?
ThS.BS Nguyễn Mai Hương:Chỉ khoảng 62% bà mẹ cho con bú sớm trong 62 giờ đầu sau sinh, tỷ lệ bà mẹ ở nông thôn cho con bú sớm cao hơn ở thành thị. Trước đây, mẹ chỉ đc nghỉ 4 tháng nên không thể cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Ngoài sữa mẹ, còn có sữa bột và ăn dặm nên nhiều bà mẹ không cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời của trẻ. Chưa phải bà mẹ nào cũng biết hết lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Hiện nay việc quảng cáo sữa bột tràn lan, mua sữa bột dễ dàng và không hiểu biết đầy đủ hay thường khiến các bà mẹ tin dùng sữa bột nhiều hơn. Trẻ phải càng bú thì sữa mẹ mới càng ra, nhiều bà mẹ không hiểu rõ nên cứ tưởng không đủ sữa, do vậy cho trẻ ăn thêm sữa bột. Trẻ bú ít đi nên lượng sữa tiết ra càng ít.
ThS.BS Nguyễn Mai Hương - Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế
MC: Liệu nguyên nhân đẻ mổ cao có phải là nguyên nhân chính không? Tại sao lại có hiện tượng mất sữa sau sinh ở thai phụ trong 24 giờ đầu?
TS.BS Cao Thị Hậu:Tỷ lệ mổ đẻ có xu hướng tăng, xấp xỉ 40%, ảnh hưởng đến việc cho bú sớm trong 1h đầu. Hầu hết các bà mẹ sinh ở trạm y tế, nhà hộ sinh cho con bú sớm trong 1h đầu rất khó khả thi. Khi mẹ được sinh mổ rất mệt, nếu các nhân viên y tế, gia đình không hỗ trợ, giúp đỡ các bà mẹ thì họ không thể cho con bú sớm được. Càng bú sớm càng tốt vì như vậy sữa sẽ về sớm. Nếu để qua 24h đầu không cho trẻ bú mẹ, trẻ phải ăn thức ăn khác, bà mẹ càng có nguy cơ mất sữa.
Hồ Hoài An (Thanh Hóa): Cách đây 2 ngày, tôi ăn tôm và bị dị ứng (nổi mẩn, ngứa ở tay, chân và một phần cơ thể). Tôi đang nuôi con bú, cháu mới được 13 tháng nên tôi rất lo lắng. Không biết biểu hiện này có lây sang con tôi không?
TS.BS Cao Thị Hậu:Dị ứng tùy cơ địa và từng thực phẩm. Nếu mẹ ăn tôm, bị dị ứng và cho con bú thấy nổi mẩn thì nên cho trẻ dừng bú. Để duy trì sữa mẹ, mẹ nên vắt sữa trong 1-2 hôm và cho đến khi hết triệu chứng dị ứng.
TS.BS Cao Thị Hậu - Nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông Giáo dục dinh dưỡng - Viện dinh dưỡng quốc gia
MC: Sữa mẹ không chỉ cung cấp nguồn dinh dưỡng vô giá cho con mà khi cho con bú mẹ, người mẹ cũng có những lợi ích về mặt sức khỏe. Xin hỏi ThS.BS Nguyễn Mai Hương, là một bác sĩ có nhiều năm công tác trong ngành Nhi khoa, bác sĩ có thể cho biết khi cho con bú mẹ, người mẹ sẽ có những lợi ích gì về mặt sức khỏe?
ThS.BS Nguyễn Mai Hương: Lợi ích của sữa mẹ: Ngay sau sinh, mẹ cho bú sớm thì cơ thể mẹ sẽ tiết ra hoóc-môn ngăn ngừa băng huyết sau sinh và giảm thiếu máu, hồi phục sớm sau sinh; giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư vú. Nếu cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu thì cho con bú là biện pháp tránh thai hiệu quả. Mẹ cho con bú thường xuyên giúp mẹ lấy lại vóc dáng ban đầu. 2 mẹ con gắn bó tình cảm, giúp tinh thần người mẹ thoải mái và giảm stress sau sinh, giúp tăng tiết sữa. Tiết kiệm chi phí cho người mẹ.
Hồng Tâm (Hà Tĩnh): Chị em hiện đang nuôi con dưới 1 năm tuổi, vẫn còn bú mẹ. Vừa rồi chị phát hiện có thai khoảng 3 tuần vì điều kiện không cho phép nên chị chưa có ý định giữ lại đứa bé. Xin hỏi bác sĩ bé bú mẹ vậy có ảnh hưởng gì không? Chị em bỏ thai bằng thuốc có được không? Cám ơn bác sĩ!
TS.BS Cao Thị Hậu:Với bà mẹ đang nuôi con mà lại có thai thì người mẹ vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ và điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Nếu định chọn bỏ thai bằng thuốc thì không nên, nên đến cơ sở y tế khám để được tư vấn lựa chọn phương pháp tốt nhất, tránh các nguy cơ tai biến như băng huyết.
MC: Thưa các chuyên gia, theo một điều tra của Liên hợp quốc, 90% trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi trên thế giới tập trung ở 36 nước trong đó có Việt Nam. Liệu việc trẻ không được bú mẹ hoặc bú mẹ không đầy đủ có phải là nguyên nhân dẫn đến con số này không? Để cải thiện tình trạng đó, Vụ SKBMTE đã có những chỉ đạo gì xuống các tỉnh, thành phố?
ThS.BS Nguyễn Mai Hương: Việt Nam là 1 trong những nước có tỷ lệ trẻ thấp còi cao và 1 trong những nguyên nhân chính là dinh dưỡng chưa đầy đủ cho bà mẹ khi mang thai và cho trẻ. Dinh dưỡng tối ưu là khi mẹ mang thai có đầy đủ dinh dưỡng, vi chất; trong 6 tháng đầu đời trẻ được bú mẹ hoàn toàn và được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho tới 24 tháng.
TS.BS Cao Thị Hậu: Ngoài chế độ dinh dưỡng, hiện nay, yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ là vi chất dinh dưỡng: Khi trẻ thiếu vitamin D sớm sẽ còi xương, ảnh hưởng đến phát triển khung xương trong giai đoạn đầu đời. Thứ hai là sắt, kẽm và canxi. Ngoài sữa mẹ, cần lựa chọn thực phẩm có đầy đủ vi chất như vừa nói. Trẻ cần được vận động, tắm nắng đầy đủ để cho bé được sống trong môi trường trong lành, có đầy đủ ánh sáng.
Bảo quản sữa mẹ đúng cách (P2)
Lương Liên: Xin chào bác sĩ! Bé nhà cháu được 5 tháng tuổi, nặng 7 kg, một tháng trở lại đây cháu rất ít sữa do bị ốm và uống kháng sinh. Cháu có ăn canh móng giò đu đủ nhiều nhưng không thấy cải thiện. Uống sữa ngoài thì cháu bị dị ứng mẩn đỏ, ít thì xung quanh miệng, nhiều thì khắp người, khoảng 1 giờ sau thì lặn. Cháu đã đổi mấy loại sữa nhưng bé vẫn bị. Hiện tại cháu đã cho bé ăn dặm được 10 ngày với bột ăn dặm đóng gói. Ngày hai bữa, trưa và tối, mỗi bữa một muỗng gạt cùng 50ml nước. Có thể vì đói nên tối ngủ bé hay cựa quậy, đập chân tay nhiều. Vậy xin hỏi bác sĩ cháu phải làm sao để có nhiều sữa trở lại, và việc bé bị dị ứng sữa ngoài thì phải làm sao? Có sợ bé không ăn sữa ngoài sẽ bị thiếu chất không?
TS.BS Cao Thị Hậu: Với trẻ 5 tháng, mẹ nên duy trì cho con bú sữa mẹ càng nhiều càng tốt. Trẻ 5 tháng 7kg là phát triển tốt. Cơ chế tiết sữa là cơ chế thần kinh thể dịch nên trẻ càng bú mẹ càng ra nhiều sữa. Do vậy, dể duy trì và có nhiều sữa, mẹ nên cho bé bú nhiều hơn và chờ đến 6 tháng thì cho bé ăn dặm. Nên tạm dừng cho bé ăn bột để tránh rối loạn chuyển hóa đường, không hấp thu, chuyển hóa được. Mẹ nên tiếp tục ăn cháo móng giò – 1 bài thuốc dân gian để cải thiện nguồn sữa.
Tô Quỳnh (Quảng Ninh): Chào bác sĩ! Con em được tháng rưỡi, tăng 1 cân. Cháu bú mẹ hoàn toàn, nhưng nhìn cháu không được bụ bẫm và chậm lớn nên mọi người bảo tại sữa mẹ loãng và không có chất nên khuyên em cho con uống thêm sữa ngoài trong khi sữa em quá nhiều. Theo hướng dẫn của bác sĩ, em cho cháu bú hết một bên rồi mới sang bên khác. Em cũng đã cho cháu đi khám sức khỏe, không thấy gì bất thường. Cháu ăn ngủ tốt cũng không quấy khóc. Vậy em có nên cho cháu uống thêm sữa ngoài không và có phải tại sữa mẹ loãng không ạ? Làm thế nào để sữa đặc hơn? Xin cảm ơn bác sĩ.
TS.BS Cao Thị Hậu: Bạn nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ và không nên ăn các loại sữa khác. Nếu sữa vắt ra lúc đầu thấy hơi loãng và hơi xanh thì đó là sữa đầu bữa, sau khi trẻ bú xong mẹ mới vắt ra được gọi là sữa cuối bữa. Sữa cuối bữa có nhiều dinh dưỡng và năng lượng. Trẻ 1 tháng lên 1 kg là phát triển tốt nên mẹ không phải lo lắng. Người mẹ cần quan tâm đến nước tiểu của con, nếu trẻ đi tiểu trung bình 6 lần/ngày và ko có mùi khai, nồng, như vậy chứng tỏ bé đã đủ sữa mẹ. Mẹ nên cho bú càng nhiều càng tốt để sữa ra nhiều. Mẹ cũng nên ăn nhiều để tăng chất dinh dưỡng và đặc biệt là uống đủ nước.
MC: Ngày 1-7/08 hằng năm, tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ được các quốc gia trên thế giới tổ chức nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ. Vậy trong chương trình đó, các tỉnh, thành phố trên cả nước thường có những hoạt động nào? Qua nhiều năm tổ chức, chương trình gặt hái được những thành công gì?
ThS.BS Nguyễn Mai Hương: 1-7/8 hàng năm, Việt Nam tổ chức tuần lễ hưởng ứng việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đây là dịp để tăng cường nhận thức của người dân và cán bộ y tế về tầm quan trọng của sữa mẹ. Với các cơ sở sản khoa, y tế, thường tổ chức truyền thông và tư vấn cho các bà mẹ việc nuôi con bằng sữa mẹ, cách cho con bú và duy trì nguồn sữa để nuôi con. Từ năm 1999, Việt Nam đã đẩy mạnh và hưởng ứng chương trình nuôi con bằng sữa mẹ.
Hồng Vy: Chào các bác sĩ! Hiện nay em nghe nói nhiều đến việc các mẹ hay dùng máy hút sữa để trữ sữa cho con. Vậy em xin hỏi: cách làm này có tốt cho mẹ và bé không? Nếu tốt thì nên dùng máy hút sữa như thế nào? Cách hút ra sao là an toàn? Trữ sữa như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng cho bé? Thời gian trữ được bao lâu để sữa vẫn còn tốt? Hiện em đang mang thai ở tuần 29, xin được bác sĩ tư vấn cho em chế độ ăn uống để sữa nhanh về với bé. Em xin cám ơn các bác sĩ rất nhiều!
ThS.BS Nguyễn Mai Hương: Có 2 cách vắt sữa: bằng tay và bằng máy. Sau khi vắt sữa, mẹ nên để vào 1 cốc/chai để đủ cho trẻ ăn 1 bữa, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Có 3 cách bảo quản: Với nhiệt độ mát: sữa mẹ để được 4 tiếng. Ngăn mát, tủ lạnh: để sữa được 8 tiếng. Trữ ngăn đá tủ lạnh: để được 6 tháng, khi ăn thì rã đông và cách thủy cho trẻ ăn.
TS.BS Cao Thị Hậu:Mẹ nên vắt sữa bằng tay thì tốt hơn, trước khi vắt sữa người mẹ dùng tay day đầu vú hoặc lấy khăn ấm chườm vú. Vắt sữa bằng tay sẽ kích thích sữa ra tốt hơn. Sữa nên được trữ trong cốc rửa xà phòng sạch sẽ và đậy nắp để đảm bảo vệ sinh. Tuyệt đối không đun sữa mẹ trước khi cho trẻ bú bởi sữa mẹ khác sữa công thức, sữa mẹ có kháng thể đã diệt được vi khuẩn. Mẹ chỉ cần lấy sữa đã vắt ngâm trong nước nóng rồi cho trẻ bú.
Thanhbui1988@gmail.com: Bé nhà em hiện được 4 tháng. Em ít sữa, kích sữa không thành công. Em kích 1 ngày được khoảng 4, 5 lần bằng máy hút tay, vì em còn bận trông bé. Trước khi kích 20 phút, em uống 1 cốc nước nóng hoặc 1 cốc sữa nóng, rồi mát-xa ngực trong 3 phút, và hút trong 30 phút. Em ăn 3 bữa chính, 2 bữa phụ, ăn đầy đủ vitamin, mỗi ngày uống 2 lít nước. Vậy mà sữa vẫn ít, em có làm sai bước nào không? Liệu ăn móng giò hầm có thực sự giúp sữa về không?
TS.BS Cao Thị Hậu: Tốt nhất em nên cho con bú trực tiếp để sữa về và đây cũng là sự gắn bó tình cảm mẹ con. Để có sữa, em nên 1 tiếng vắt 1 lần, càng vắt nhiều càng kích thích ra sữa. Chế độ ăn của em như chia sẻ là đủ rồi và nên tiếp tục ăn móng giò để sữa được bài tiết nhiều hơn.
Huyền Trân (Thừa Thiên Huế): Chào các chuyên gia. Cháu sinh em bé được 4 tháng đã phải đi làm. Vậy nên cháu không thể tiếp tục cho bé bú mẹ liên tục được nữa. Mọi người chỉ cháu cách tích sữa cho vào tủ lạnh để bé bú dần. Cháu cũng có làm như thế nhưng sau 1 tháng thấy bé lớn không nhanh bằng việc cho bú mẹ trực tiếp, thỉnh thoảng có bị nôn. Liệu có phải trong quá trình bảo quản sữa mẹ, chất dinh dưỡng đã bị mất đi và ảnh hưởng đến sự phát triển của bé? Cháu cần bảo quản sữa mẹ như thế nào cho đúng cách?
ThS.BS Nguyễn Mai Hương:Dụng cụ vắt sữa cần đảm bảo sạch sẽ, nên trữ trong ngăn mát tủ lạnh (4-8 tiếng) hoặc ngăn đá (6 tháng). Khi ăn, trẻ bị nôn, đây có thể là yếu tố khiến trẻ tăng cân chậm. Việc bảo quản sữa ảnh hưởng đến trẻ chỉ là 1 yếu tố, ngoài ra còn nhiều yếu tố khác. Cần cho trẻ đi khám ở các phòng khám nhi để được xác định rõ yếu tố gây nôn cho trẻ.
TS.BS Cao Thị Hậu: Nhiều bà mẹ thường hay ép trẻ ăn no, ăn nhiều để tránh bị trớ. Do đặc điểm dạ dày trẻ em bé và nằm ngang, nên trẻ dễ bị trớ. Sau khi cho bé ăn, mẹ nên bế vác để cằm trẻ tì vào vai mẹ và để đầu trẻ cao. Sau đó, mẹ nên vỗ ợ hơi cho trẻ. Khi đặt bé nằm, người mẹ nên để bé nằm nghiêng để không bị sặc nếu nôn trớ.
Nông Thị Hợi (Cao Bằng): Xin chào bác sĩ, chị gái tôi mới sinh mổ được 2 tuần và không có sữa cho bé bú. Tôi lên mạng tìm hiểu làm thế nào để có sữa mẹ cho bé bú thì thấy trên các diễn đàn có nhiều chị em chia sẻ sữa của mình cho những người mẹ thiếu sữa như chị gái tôi. Tuy nhiên tôi thắc mắc liệu những nguồn sữa đó có tiềm ẩn nguy cơ gì cho bé không. Vậy làm thế nào để biết nguồn sữa đó đảm bảo an toàn? Trong trường hợp không thể bú sữa mẹ, bé cần có chế độ dinh dưỡng như thể nào để phát triển tốt? Tôi xin cảm ơn.
TS.BS Cao Thị Hậu: Sữa mẹ đi xin chưa thể kiểm soát được chất lượng. Vì vậy cách trên là chưa được an toàn. Người mẹ nên tập cho bé bú thường xuyên để kích sữa, bú càng nhiều càng tốt. 1 tiếng bú 1 lần, miễn làm sao trẻ và mẹ tiếp xúc với nhau để kích thích sữa ra. Trong trường hợp trẻ bú không ra sữa và bỏ ti, người mẹ xem lại cách bế trẻ đúng cách: cho người trẻ áp vào người mình và miệng trẻ đúng tầm với vú mẹ. Ngoài ra, người mẹ vừa cho bé bú vừa sử dụng xi lanh để bơm sữa cho trẻ, giúp trẻ không bị chán vì mẹ quá ít sữa. Tinh thần người mẹ: nếu mất ngủ, lo lắng cũng cản trở việc có sữa cho con. Do vậy, người mẹ nên giữ tinh thần thoải mái.
MC: Hiện nay, phong trào 'ngân hàng sữa' cho các bé thiếu sữa mẹ phát triển rất rầm rộ trên các diễn đàn. Tuy nhiên đây là phong trào tự phát, các mẹ dù có kiến thức nhưng việc cất trữ sữa chưa chắc đảm bảo an toàn và dinh dưỡng. Vậy, Vụ SKBMTE đã nghĩ đến việc thành lập ngân hàng sữa mẹ tại các bệnh viện chưa ạ?
ThS.BS Nguyễn Mai Hương: Vụ SKBMTE sẽ thành lập ngân hàng sữa mẹ ở các BV sản nhi, ngành y cũng cần có biện pháp sàng lọc và tiệt trùng sữa, để cung cấp cho các bà mẹ không có sữa hoặc có sữa nhưng vì 1 số lý do không thể cho con bú.
Chế độ dinh dưỡng cho mẹ để 'sữa về' (P3)
Trần Tuyết Mai (Hòa Bình): Tôi sinh mổ nên 2 ngày đầu bé không được bú mẹ vả lại mẹ cũng không có sữa nên bé phải uống sữa công thức. Sau 1 ngày thì tôi có nặn ra giọt sữa vàng vàng. Đến nay đã được 12 ngày nhưng tôi vẫn rất ít sữa, bé lại chỉ chịu bú một bên bầu vú và mỗi lần cho bú cả 2 mẹ con đều chật vật. Vậy làm cách nào để tôi nhiều sữa và bé bú đều 2 bên? Khi cho con bú cần có tư thế ngồi và bế con như thế nào để con bú sữa hiệu quả nhất? Tần suất cho bé bú mỗi ngày là bao nhiêu lần?
TS.BS Cao Thị Hậu: Với trường hợp của em đã cho trẻ uống sữa ngoài, sữa ngọt hơn nên trẻ thích hơn sữa mẹ. Ngay từ đầu trẻ bú bằng bình sữa nên trẻ khó thích nghi với việc bú ti mẹ. Trường hợp này em cần kiên trì cho bú trở lại, cho bú càng nhiều càng tốt. Tư thế em cho con bú phải thoải mái: ngồi trên giường/ghế, hoặc ngồi dựa lưng vào tường, bế làm sao cho người trẻ áp vào người mẹ và đầu trẻ quay vào bầu vú của bà mẹ để trẻ bú dễ dàng. Để trẻ mở miệng, người mẹ mới nhẹ nhàng cho trẻ ngậm vú, miệng trẻ phải tì trên núm vú của mẹ để trẻ mút được và không bị mỏi. Em nên cho con bú nhiều để kích thích sữa ra. Ngoài ra nên ăn uống đầy đủ và giữ tinh thần thoải mái.
Đậu Thị Hiếu (Nghệ An): Em sinh đôi 2 bé gái. Nay đã được 7 ngày tuổi. 1 trong 2 bé yếu hơn bé còn lại và mỗi bé chỉ nặng khoảng 2 kg. Em cần cho 2 bé bú như thế nào cho đúng cách? Cần có chế độ chăm sóc bé yếu hơn ra sao để bé phát triển tốt? Chế độ ăn uống của em cần chú ý những gì để đảm bảo đủ sữa cho con?
ThS.BS Nguyễn Mai Hương: Em nên cho 1 bé yếu hơn bú trước bất cứ khi nào bé muốn ăn. Không nên cho bé bú bên này rồi lại chuyển sang bên kia, mẹ nên để cho bé bú hết 1 bên để tận dụng được lợi ích của nguồn sữa. Em nên tăng cường ăn uống đủ chất (ăn nhiều bữa), uống đủ nước để có đủ sữa cho con. Em tranh thủ sự hỗ trợ của gia đình, người mẹ cần ngủ đủ để giữ tinh thần thoải mái, đảm bảo đủ sữa cho bé.
Đỗ Bích Phượng (Khánh Hòa): Chào bác sĩ. Em bị nhiễm HIV. Do em được dự phòng sớm nên không lây truyền HIV sang con. Tuy nhiên bé sinh ra rất nhẹ cân. Em đã cho bé thử các loại sữa công thức cho trẻ sinh non nhưng bé vẫn còi cọc. Bác sĩ cho em hỏi em có nên cho bé bú sữa mẹ không? Nếu bú sữa mẹ, bé có nguy cơ gì tới sức khỏe không? Em xin cảm ơn.
ThS.BS Nguyễn Mai Hương: Với các bà mẹ được theo dõi và điều trị HIV trong thai kỳ thì khả năng lây truyền bệnh cho bé là thấp. Tuy nhiên bé bú sữa mẹ có khả năng lây nhiễm nếu không được bú đúng cách, đặc biệt khi vú mẹ bị xây xước. Không phải tất cả các bà mẹ bị HIV đều không thể cho con bú, đứa trẻ đã được tiêm kháng huyết thanh thì mẹ có thể cho bú. Đặc biệt nếu 2 mẹ con bạn được theo dõi tại phòng khám ngoại trú thì có thể cho bé bú sữa.
MC: Trước khi kết thúc chương trình, tôi rất mong các chuyên gia đưa ra một vài lời khuyên cho những ai đang và sẽ làm mẹ. Thưa TS.BS Cao Thị Hậu, là một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong vấn đề giáo dục dinh dưỡng, bà có lời khuyên gì cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ hoặc sắp sửa làm mẹ về chế độ dinh dưỡng không ạ?
TS.BS Cao Thị Hậu: Mẹ ăn uống đủ chất, duy trì cho con bú thường xuyên, cho con bú sớm trong 1 giờ đầu để bé nhận được sữa non bởi sưa non có thành phần dinh dưỡng tốt, nhất là vitamin A. Người mẹ cần cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và không nên cai sữa cho trẻ trước 12 tháng. Ngoài việc ăn uống đầy đủ, người mẹ cần giữ tinh thần thoải mái.
MC: Thưa ThS.BS Nguyễn Mai Hương, là người tham gia nhiều trong các chính sách vận động tuyên truyền kiến thức về sức khỏe bà mẹ trẻ em, chị có lời khuyên gì để các bà mẹ tiếp cận được với kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ không ạ?
ThS.BS Nguyễn Mai Hương: Người mẹ cần kiên trì khi cho con bú và cần trang bị đầy đủ kiến thức về việc cho con bú bằng sữa mẹ. Không nên lấy cân nặng làm chuẩn mực. Bởi khi con được nuôi bằng sữa mẹ sẽ phát triển hài hòa về thể trạng, không nhất theiets phải quá bụ bẫm.
Chị em có thể tiếp cận với các nguồn thông tin trên mạng internet chính thống như trang thông tin của Viện dinh dưỡng, Bộ Y tế, hoặc các trung tâm tư vấn dinh dưỡng của các sở y tế tại các tỉnh. Với những phụ nữ sống ở các vùng nông thôn, có thể đến các trạm y tế xã, huyện để được tư vấn và có lời khuyên đúng đắn nhất trong việc nuôi con.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!