Tử vong do hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

Cần biết - 11/24/2024

Vừa qua, bệnh nhân nữ 56 tuổi ở TP.HCM trước khi đến BV. Chợ Rẫy để cấp cứu được chẩn đoán hôn mê hạ đường huyết và xử trí ban đầu với truyền dịch đường ưu trương rồi tỉnh lại.

Khi vào viện, BỆNH NHÂN vẫn ở trạng thái tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường. Tuy vậy sau 4 giờ theo dõi tại khoa cấp cứu, người bệnh bị hôn mê, ngừng hô hấp và tuần hoàn dẫn đến tử vong mặc dù đã được hồi sức tích cực. Bệnh viện nhận trách nhiệm do thiếu kinh nghiệm của bác sĩ điều trị trong phiên trực dẫn đến hậu quả đáng tiếc này. Đây là một hồi chuông cảnh báo.

Theo thông tin ghi nhận được từ người thân, trước đó vài ngày bệnh nhân đã từng vào bệnh viện để điều trị với chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch chân trái, cao huyết áp vô căn, đái tháo đường type 2 rồi được xuất viện ngay trong ngày. Với bệnh lý này, người bệnh rất dễ có nguy cơ xảy ra biến chứng về tim mạch như nhồi máu cơ tim mà các bác sĩ trong phiên trực cấp cứu đã chủ quan không lưu ý. Lãnh đạo bệnh viện cũng thừa nhận có sự sai sót của bác sĩ điều trị do chưa có nhiều kinh nghiệm để xử trí trên bệnh nhân có nhiều bệnh cảnh nền, chưa nhận định chính xác tình trạng bệnh lý và chưa tiên lượng được diễn biến có thể xảy ra...

Đây là một bài học kinh nghiệm cùng với những trường hợp tương tự đã xảy ra trước đó tại một số bệnh viện ở Hà Nội. Vì vậy cần quan tâm đến vấn đề này với một hồi chuông cảnh báo để hạn chế tai biến và sự cố y khoa có thể xảy ra từ những bệnh nhân đái tháo đường bị hạ đường huyết và các biến chứng khác dẫn đến tử vong.

Tử vong do hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

Hạ đường huyết làm cho cơ thể thiếu năng lượng hoạt động, bị chóng mặt, đột quỵ...

Hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

Các nhà khoa học xác định hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường là tình huống cảnh báo khá nguy hiểm cần phải phát hiện, chẩn đoán và xử trí kịp thời mới hạn chế được nguy cơ hôn mê gây tử vong.

Bình thường đường huyết dao động ở mức 90 - 130 mg/dL (5,0 - 7,2 mmol/l) lúc đói hay trước bữa ăn; nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/l) sau bữa ăn khoảng 1 - 2 giờ và ở mức 110 - 150 ng/dL (6,0 - 8,3 mmol/l) trước khi đi ngủ.

Hạ đường huyết được xác định khi đường huyết hạ xuống thấp hơn so với mức bình thường hay thấp dưới mức 3,8 mmol/l. Các triệu chứng về thần kinh do hạ đường huyết xuất hiện khi đường huyết xuống dưới 65 mg/dL (3,6mmol/l) và các tế bào thần kinh mất hoạt động điện học làm cho bệnh nhân nhanh chóng bị hôn mê khi đường huyết xuống dưới 10mg/dL (0,55 mmol/l).

Tuy nhiên các dấu hiệu của hạ đường huyết thường có biểu hiện khác nhau theo từng bệnh nhân.

Trên thực tế, hiện tượng hạ đường huyết thường hay xảy ra ở những bệnh nhân đái tháo đường do thực hiện chế độ ăn kiêng hay vận động, tập luyện thể dục thể thao quá mức. Hạ đường huyết làm cho cơ thể thiếu năng lượng hoạt động, bị chóng mặt, đột quỵ... gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng nếu không được phát hiện và xử trí sớm.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, hạ đường huyết có thể dẫn đến tình trạng hôn mê, nếu không được bù đắp đường glucose kịp thời bằng đường tĩnh mạch sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm và tử vong.

Người hạ đường huyết thường có biểu hiện với các mức độ khác nhau tùy từng trường hợp. Ở mức độ nhẹ, chỉ cảm thấy đói cồn cào, xót ruột, đau bụng, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nhịp tim nhanh, run tay, đánh trống ngực và vã mồ hôi...

Ở mức độ trung bình, có biểu hiện về thần kinh, cơ thể bạc nhược, giảm hoạt động trí tuệ, lú lẫn, thay đổi tính tình, dễ bị kích động; có hiện tượng dị cảm, nhìn một thành hai, có các hoạt động bất thường, một số người bị rối loạn giấc ngủ.

Ở mức độ nặng, xuất hiện tình trạng lú lẫn cấp tính, dễ bị kích động mạnh, có dấu hiệu liệt nửa người hoặc dấu hiệu thần kinh khu trú; có những cơn co giật, có thể ngắt quảng hay liên tục; khi hôn mê sâu có rối loạn ý thức, có thể kèm theo tình trạng vật vã, có các động tác bất thường; có những dấu hiệu đặc biệt như tăng trương lực cơ toàn thân, vã mồ hôi nhưng không có biểu hiện mất nước; ngoài ra còn có thể có phản xạ tăng, dấu hiệu mút tay, níu áo, đầu và mắt quay sang một bên, giãn dồng tử hoặc đồng tử dao động; đồng thời có biểu hiện hội chứng vận mạch và tim, điện tâm đồ có dấu hiệu thiếu máu cơ tim; trường hợp nguy hiểm hơn có thể tiến triển thành hôn mê kéo dài do phù não hoặc di chứng tinh thần kinh vĩnh viễn do bệnh não sau cơn hạ đường huyết.

Hạ đường huyết xảy ra khi điều trị đái tháo đường

Đối với những bệnh nhân đái tháo đường, hiện tượng hạ đường huyết có thể xảy ra cho người bệnh trong quá trình điều trị bằng thuốc.Vì vậy đây là trường hợp trên thực tế cần được lưu ý, người bệnh không được chủ quan kể cả cơ sở y tế vì sẽ dẫn đến hậu quả xấu không lường trước được.

Người bệnh điều trị bằng thuốc tiêm insulin:Hiện tượng hạ đường huyết có thể xảy ra do người bệnh dùng quá liều insulin, insulin hấp thu quá nhanh hoặc kéo dài do loạn dưỡng mỡ dưới da ở vùng tiêm lâu ngày; tiêm insulin ở những vùng có hoạt động nhiều như tay chân, chườm nóng sau khi tiêm. Đồng thời thực hiện chế độ ăn sai lầm như ăn quá chậm sau khi tiêm insulin, ăn không đủ bữa, thiếu bữa ăn phụ, bỏ bữa ăn, ăn quá ít mà vẫn tiêm insulin, có hoạt động thể lực không thường xuyên...

Người bệnh điều trị bằng thuốc viên sulfamid:Hiện tượng hạ đường huyết có thể xảy ra do người bệnh uống quá liều, uống thuốc xa bữa ăn chính, không ăn bữa ăn nào nhưng vẫn uống thuốc, tự uống thuốc mặc dù không có chỉ định của bác sĩ, có hoạt động thể lực quá sức...

Với những nguyên nhân đã nêu trên, người bệnh đái tháo đường cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng cũng như vận động hợp lý khi điều trị bằng thuốc để ngăn ngừa hiện tượng hạ đường huyết có thể xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng.

Xử trí can thiệp khi hạ đường huyết do đái tháo đường

Cần sử dụng máy đo đường huyết để kiểm tra xác định chỉ số đường huyết một cách chính xác mức độ đường huyết suy giảm để xử trí can thiệp. Đối với những trường hợp khi cảm thấy có dấu hiệu hạ đường huyết với mức độ nhẹ như đã nêu ở trên, cần nhanh chóng ăn nhẹ bằng cháo loãng, uống súp hoặc một ly nước đường; nên nằm nghỉ ngơi ở chỗ yên tĩnh, khi đã tỉnh táo hơn nên ăn một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

Tử vong do hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đườngCần sử dụng máy đo đường huyết để kiểm tra xác định chỉ số đường huyết một cách chính xác

Nếu bị hạ đường huyết do bệnh đái tháo đường, phải tuân theo sự hướng dẫn, khuyến cáo của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc tiêm hay thuốc viên; thực hiện đúng chế độ ăn uống hàng ngày, đặc biệt ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ lượng carbonhydrate, ăn thêm bữa ăn phụ, ăn nhiều rau quả...

Lời khuyên của thầy thuốc

Thực tế tình trạng hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường thường xảy ra khi người bệnh đang ở nhà hoặc đang đi xa, thậm chí khi đang ngủ…Vì vậy tình huống này ít được người thân phát hiện để đưa đi cấp cứu kịp thời, dẫn đến các biến chứng nặng như hôn mê, tử vong do hôn mê quá giai đoạn, suy hô hấp hoặc quá nặng do sặc phổi.

Tình trạng sặc phổi do dịch vị, thức ăn, dịch ở hầu họng, đặc biệt có trường hợp do răng giả rơi ra gây tắc nghẽn đường hô hấp khi bệnh nhân đang hôn mê; càng nguy hiểm hơn khi tình trạng hạ đường huyết xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường đang làm việc, lao động hoặc đang điều khiển phương tiện giao thông nên rất dễ gây ra tai nạn.

Từ vấn đề đã nêu, bệnh nhân đái tháo đường, người thân và ngay cả các cơ sở y tế cần lưu ý để phát hiện, chẩn đoán và xử trí can thiệp điều trị kịp thời, phù hợp. Trường hợp bệnh nhân đái tháo đường tử vong vừa qua tại Bệnh viện Chợ Rẫy do hạ đường huyết là hồi chuông cảnh báo, không được chủ quan sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Trong trường hợp phải tiêm truyền bổ sung đường glucose, khi tiêm tĩnh mạch cần tiêm rất chậm với liều lượng sử dụng không quá 60ml; sau đó thay bằng truyền nhỏ giọt tĩnh mạch với dung dịch glucose 10 - 15%. Theo các nhà khoa học, tiêm glucose tĩnh mạch đồng thời cũng là thực hiện một thử nghiệm chẩn đoán có giá trị lớn vì các dấu hiệu hạ đường huyết nặng như hôn mê sẽ biến mất ngay. Thực tế cũng có thể tiêm glucagon bằng đường bắp thịt hay đường tĩnh mạch cũng có giá trị tương tự

Một vấn đề cần lưu ý trên thực tế đã gặp là nếu hiện tượng hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể tự khỏi và không để lại di chứng mặc dù sau cơn hạ đường huyết có bị suy giảm tình trạng bình thường một phần; tiến triển của bệnh phụ thuộc rất nhiều vào việc bệnh nhân có được điều trị kịp thời và hợp lý hay không.

Phòng tránh nguy cơ hạ đường huyết do đái tháo đường

Dù có cách xử trí can thiệp hạ đường huyết do đái tháo đường đã nêu ở trên nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là cách phòng tránh. Tâm lý chung của những bệnh nhân đái tháo đường là rất sợ đường huyết tăng, thậm chí có người bệnh nhịn cả việc ăn cơm, đây là điều sai lầm vô cùng nguy hiểm.

Vì vậy để tránh tình trạng hạ đường huyết, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về việc sử dụng thuốc và thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp điều trị bệnh đái tháo đường. Lưu ý đến các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng như không nên kiêng cử ăn uống quá mức, bỏ ăn uống khi bị mệt mỏi hay mắc các bệnh lý khác...

Cần thực hiện chế độ tập luyện thể dục thường xuyên hàng ngày và phù hợp với từng trường hợp bệnh theo sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ để bảo đảm sức khỏe cần thiết. Thường xuyên kiểm tra chỉ số đường huyết tại các cơ sở y tế hoặc sử dụng thiết bị tự đo đường huyết tại nhà theo sự chỉ dẫn của nhân viên y tế.

Từ một số trường hợp tử vong do hạ đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường, thực tế người bệnh đái tháo đường thường chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để làm giảm đường huyết bằng chế độ tiết thực trong ăn uống, luyện tập thể dục kết hợp với sử dụng thuốc điều trị mà không chú ý đến hiện tượng đường huyết có thể đột ngột hạ xuống thấp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng gây tử vong. Vì vậy trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường, người bệnh phải cảnh giác vấn đề này để chủ động hạn chế những nguy cơ xảy ra do hạ đường huyết.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!