Bác sĩ Trần Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn cho biết gần đây trên địa bàn TP HCM bắt đầu xuất hiện dịch thủy đậu, đối tượng mắc nhiều nhất là trẻ em. Theo ghi nhận của bác sĩ, hơn 60% bệnh nhi đến khám khi vết đậu đã bị nhiễm trùng và sốt cao. Ngày 23/3, một em bé 14 tuổi ở Nghệ An cũng mất, được cho là do biến chứng thủy đậu song người nhà quy trách nhiệm bác sĩ tắc trách.
Nghiên cứu dịch tễ cho thấy thủy đậu thường phát triển mạnh vào mùa hè nóng ẩm. Biểu hiện bệnh sẽ xuất hiện từ 10 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Thủy đậu thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt nhẹ, đôi khi sốt cao từ 39 đến 40oC, mệt mỏi, đau đầu, đau họng, nổi các bóng nước.
Ban đầu là các nốt nhỏ màu hồng, sau đó gồ lên da, sau 24 giờ trở thành nốt màu hồng có bóng nước trong các nốt rạ xuất hiện rải rác khắp cơ thể nhiều nhất là trên mặt, ngực, da đầu… Các nốt ra thường gây ngứa.
Thông thường bệnh kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Nếu không có biến chứng thì các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da, không để lại sẹo nếu không bị nhiễm trùng. Nếu bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ như:
- Nhiễm trùng, viêm da và sẹo tại nốt mụn nước: Do các mụn nước ở tay hoặc chân bị vỡ, bong tróc tiếp xúc với vi khuẩn trong môi trường không khí gây nhiễm trùng tại chỗ.
- Nhiễm trùng máu: Khi các vi khuẩn ở bề mặt da xâm lấn sâu vào bên trong cơ thể, có nguy cơ gây nhiễm trùng máu, xuất huyết.
Trẻ bị bệnh thủy đậu để lâu ngày có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm (Ảnh minh họa: internet)
- Viêm phổi: Biểu hiện thường gặp là ho ra máu, khó thở, sốt cao. Viêm phổi thủy đậu là biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nhanh.
- Viêm não: Là biến chứng nguy hiểm thường xảy ra ở người lớn và dễ tử vong hoặc để lại di chứng.
- Bệnh giời leo (Zona): Vi-rút thủy đậu có thể trú ngụ trong cơ thể lâu ngày, gây bệnh giời leo ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ và tinh thần người bệnh.
- Viêm họng thanh quản: Do các mụn nước mọc trong miệng lan xuống vùng họng, gây viêm nhiễm…
Bác sĩ Mai lưu ý khi thời tiết ẩm, nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm, chẳng hạn như mùa hè tại TP HCM là điều kiện thuận lợi cho vi-rút Vancella zoster gây bệnh thủy đậu phát triển mạnh. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, lây lan rất nhanh qua đường hô hấp và dễ bùng phát thành dịch. Thủy đậu rất dễ lây khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi, dịch hầu họng và nước bọt bắn ra chung quanh, người lành hít phải bị lây bệnh. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ dùng có dính dịch tiết hầu họng, nước... Từ lúc nhiễm vi-rút đến 7 ngày sau khi xuất hiện bóng nước, bệnh nhân có thể lây bệnh cho người lành.
Độ tuổi thường mắc bệnh nhất là trẻ từ 2 đến 8 tuổi và cả học sinh lớn. Khi phát hiện bé có những dấu hiêu của bệnh thủy đậu nên đưa bé đến ngay bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời. Không nên làm vỡ các nốt đậu, không bôi dung dịch nilian lên các nốt đậu để tránh bội nhiễm. Tắm bằng nước ấm hàng ngày để giữ vệ sinh da. Trong quá trình điều trị nếu thấy bệnh thấy ho nhiều, khó thở, sốt cao, lơ mơ phải nhập viện ngay.
Vì bệnh lây lan rất nhanh nên cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu. Trong gia đình nếu có người mắc thủy đậu, nên cách ly bệnh nhân ngay sau khi nổi bóng nước đến 7 ngày sau. Hãy dặn và giám sát bệnh nhân hạn chế tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang khi tiếp xúc để tránh lây nhiễm. Ngoài ra cần chủ ý khử khuẩn đồ dùng cá nhân của gia đình hằng ngày bằng nước sôi 100oC.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!