Tuyệt chiêu tăng cường sức đề kháng cho con vào mùa lạnh

Nuôi dạy con - 04/20/2024

Mùa đông là thời điểm sức đề kháng suy giảm, để con tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật, bố mẹ cần tuân thủ các biện pháp chăm sóc con như sau.

Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột trẻ nhỏ chưa kịp thích nghi nên dễ mắc bệnh hơn.  Vi khuẩn, virus, các tác nhân gây bệnh… tấn công, làm suy giảmhệ miễn dịch của trẻ. Để con tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật, bố mẹ cần tuân thủ các biện pháp chăm sóc con như sau:

Rèn luyện cho trẻ ngủ đủ giấc

Để có sức khỏe tốt, cơ thể phát triển toàn diện, trẻ cần được ngủ đủ giấc. Khi trẻ thiếu ngủ, hệ miễn dịch giảm, vi khuẩn, virus có nhiều khả năng xâm nhập vào cơ thể làm cho trẻ dễ bị ốm.  Do vậy cha mẹ nên hình thành cho trẻ thói quen ngủ đủ giấc.

- Trẻ dưới 1 tuổi: trung bình ngủ từ 11 – 15 giờ/ngày.

- Trẻ từ 1 – 3 tuổi: trung bình ngủ từ 12 – 14 giờ/ngày.

- Trẻ từ 3 – 5 tuổi: trung bình ngủ từ 11 – 13 giờ/ngày.

- Trẻ trên 12 tuổi: trung bình ngủ từ 7 – 9 giờ/ngày.

Cung cấp đủ nước cho cơ thể

Theo các nghiên cứu, 70% thể trọng cơ thể con người là nước. Do vậy việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là một điều rất cần thiết đối với con người. Nếu trẻ uống đủ lượng nước trong ngày có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa, tăng cường trao đổi chất, giúp các tế bào khỏe mạnh.

Bạn có thể nhìn vào màu sắc nước tiểu để biết được lượng nước uống của trẻ đủ hay thiếu. Nếu nước tiểu màu vàng nhạt là trẻ uống đủ nước, nếu nước tiểu màu vàng cam sậm, ít thể hiện tình trạng trẻ uống thiếu nước. Nên tập luyện cho trẻ uống nước chủ động, tránh trường hợp đến lúc khát mới uống, khi đó cơ thể đã ở trong tình trạng thiếu nước.

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: chỉ cần bú sữa mẹ hoặc sữa công thức, không cần thiết bổ sung thêm nước.

- Trẻ từ 6 tháng - 1 tuổi: Cần bổ sung lượng nước cho trẻ khoảng 200 – 300ml/ngày.

- Trẻ trên 1 tuổi: Lượng nước uống cần bổ sung cho trẻ tuỳ thuộc vào nhu cầu của bé.

Cho trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài

Cha mẹ không nên giữ con quá cẩn thận trong nhà kín do sợ thời tiết thay đổi với quan niệm con ra ngoài tiếp xúc với vi khuẩn, virus nên dễ mắc bệnh. Trẻ con nên được tham gia các hoạt động ngoài trời, tiếp xúc với môi trường tự nhiên để tăng khả năng miễn dịch.

Ngoài ra, trẻ cần tăng cường các hoạt động thể chất, vận động chân tay, tập thể dục thể thao. Điều này giúp trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, ăn ngon, ngủ tốt, có tác dụng tốt cho sự phát triển toàn diện của cơ thể.

Tuyệt chiêu tăng cường sức đề kháng cho con vào mùa lạnh

Ảnh minh họa

Giữ vệ sinh tốt

Bố mẹ nên rèn cho con thói quen tắm gội thường xuyên, rửa tay sạch sẽ. Bạn hãy hướng dẫn trẻ cách rửa sạch tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi với thú cưng, sau khi vận động ngoài trời hoặc chơi đồ chơi. Đặc biệt lưu ý trẻ không cho tay vào miệng vì có thể đưa vi khuẩn vào miệng gây bệnh.

Bố mẹ cũng lưu ý thay bàn chải đánh răng định kỳ cho con. Vi khuẩn từ bàn chải đánh răng có thể là nguồn lây bệnh, đặc biệt khi trẻ bị ốm. Hành động nhỏ này còn giúp tránh lây nhiễm bệnh cho cả gia đình.

Bổ sung thực phẩm đa dạng

Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ ngoài các biện pháp đã nêu trên, cha mẹ nên chú ý yếu tố dinh dưỡng cho con. Cần bổ sung đầy đủ các nhóm thức ăn có chứa tinh bột, rau xanh, các loại vitamin, khoáng chất và chất béo.

Một số loại thực phẩm tiêu biểu giúp tăng sức đề kháng cho trẻ như: 

- Súp lơ: Súp lơ xanh hoặc súp lơ trắng là một nguồn cung cấp vitamin C, vitamin A rất dồi dào. Vitamin C là một chất chống oxy hoá tự nhiên, và có khả năng tăng miễn dịch giúp chống lại virus gây ra bệnh cúm. Vitamin A giúp cho thị lực khỏe mạnh. Ngoài ra, súp lơ còn chứa hàm lượng chất xơ lớn, giúp hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh.

- Nấm: Đa số các loại nấm đều có khả năng giúp tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Nếu cho trẻ sử dụng các món ăn có nấm thường xuyên sẽ giúp bé hạn chế mắc bệnh cảm lạnh vì trong nấm có chứa nhiều vitamin D, chất chống oxy hóa.

- Củ cải trắng: Củ cải trắng còn được gọi là ‘nhân sâm mùa đông’ do có tác dụng trong việc hỗ trợ tăng cường sức khỏe, chữa bệnh. Với hàm lượng vitamin C cao, củ cải trắng có tác dụng làm sạch tự nhiên, tăng cường sức đề kháng. Nếu thường xuyên ăn củ cải trắng sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng cơ thể nhiễm virus.

- Thịt nạc: Các loại thịt nạc như: thịt lợn, thịt bò, thịt gà … là nguồn thực phẩm tốt cho sức đề kháng của trẻ. Hàm lượng protein trong các loại thịt nạc là thành phần quan trọng để bảo vệ, duy trì, tăng cường sức khỏe.  Hàm lượng kẽm trong thịt nạc còn hỗ trợ các tế bào bạch cầu của cơ thể chống nhiễm trùng hiệu quả.

- Hải sản: Các loại hải sản như tôm, cua, cá, hàu…  rất giàu chất kẽm, axit béo omega3 nên tốt cho việc nâng cao sức đề kháng cho bé. Đối với trẻ dưới 1 tuổi không nên cho ăn các loại hải sản có vỏ vì dễ gây dị ứng. 

- Quả óc chó: Trong quả óc chó có chứa axit béo omega 3 lành mạnh rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy quả óc chó giúp giảm một số bệnh nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em.

Trần Huyền

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!