Ung thư da có thể bắt đầu chỉ từ một vết bầm nhỏ

Sống khỏe mạnh - 05/10/2024

Va chạm mạnh có thể gây ra những vết bầm trên da. Nhưng vết bầm ‘không rõ nguồn gốc’ cần cảnh giác ung thư da.

Một vết bầm nhỏ: Không thể chủ quan

Da là một cơ quan của cơ thể. Các sang thương trên da rất đa dạng, có thể do chấn thương thông thường nhưng đôi khi lại là dấu hiệu các bệnh da liễu, bệnh của cơ quan khác.

Melanie Williams, 36 tuổi sống tại thành phố Leeds nước Anh bị một vết bầm nhỏ ở đầu ngón tay. Cô nghĩ đó là chỉ bị nấm hay mụn cóc nhưng đi khám, bác sĩ nói đó là một khối u ác tính, một dạng nguy hiểm của ung thư da. Do phát hiện kịp thời nên khối u không có cơ hội di căn nhưng Melanie buộc phải tháo bỏ... khớp ngón tay cái.

Cô cho biết thật may mắn khi đã không chủ quan với một vết bầm, nếu không cô sẽ mất nhiều hơn một ngón tay. Melanie đã đăng tải trên trang cá nhân của mình để cảnh báo mọi người lưu ý về các thay đổi nhỏ trên da bởi đó có thể là dấu hiệu của căn bệnh ung thư. Rất nhiều người đã theo dõi và ủng hộ cô.

Ung thư da có thể bắt đầu chỉ từ một vết bầm nhỏ

Melanie đã may mắn khi không chủ quan với một vết bầm nhỏ đầu ngón tay

Ung thư da, lúc đầu có những biểu hiện tương tự như những sang thương bình thường khác, phát hiện sớm ung thư da có thể điều trị khỏi hẳn hoàn toàn, nên cần nhận biết những dấu hiệu có thể nghi ngờ ung thư da để được điều trị kịp thời.

Triệu chứng và biểu hiện các loại ung thư da

Ung thư tế bào đáy

Tế bào ung thư xuất hiện ở lớp cuối cùng của tế bào da, các vị trí hay bị ung thư nhất là tai, mũi, cổ và thân trên. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi với những khối u phát triển khá chậm và thường có khuynh hướng trở thành ổ viêm loét trên da. Các khối u chỉ thâm nhập ở da mà không xâm lấn ra các bộ phận khác của cơ thể.

Ung thư tế bảo vảy

Tế bào ung thư xuất hiện từ lớp da ngoài cùng, ung thư có thể di căn sang các hạch bạch huyết dưới háng, nách, cổ và các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư tế bảo vảy gây ra những vảy màu đỏ trên vùng da bị ung thư và khiến ngứa ngáy, chảy dịch ở vùng này. Các vùng đầu, cổ và vùng lưng trên là nơi hay gặp ung thư tế bào vảy vì là tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều nhất.

U hắc sắc tố (Melanoma)

Đây là loại ung thư da nguy hiểm nhất. Ung thư tạo ra hắc tố trên da có màu màu nâu sẫm, đen hoặc xanh đen. Vùng ung thư có thể phẳng hoặc lồi lên, thường thì đường biên không giống nhau. Khối u hắc sắc tố có thể xuất hiện ở một phần da bình thường hoặc trên một nốt ruồi hoặc tàn nhang có sẵn trên da. Khi các nốt ruồi hoặc tàn nhang phát triển và bị thay đổi hình dạng, màu sắc, có hiện tượng ngứa hoặc chảy máu thì có thể đây là u hắc tố (còn được gọi là u hắc sắc tố).

U hắc sắc tố có thể mọc ở bất cứ nơi nào trong cơ thể, không chỉ ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đôi khi, khối u này có thể xuất hiện ở gan bàn chân, lòng bàn tay và bên trong miệng hoặc dưới móng chân, tay. Khối u có thể phát triển nhanh và di căn sang các hạch bạch huyết gần đó hoặc qua đường máu tới các cơ quan nằm ở xa như xương, gan, phổi hoặc não.

Ung thư da có thể bắt đầu chỉ từ một vết bầm nhỏ

Nốt ruồi đổi màu hoặc tự nhiên đau có thể là dấu hiệu của u hắc sắc tố

Những dấu hiệu cần nghi ngờ bị ung thư da

- Xuất hiện mảng da ửng đỏ và rát:

Một vùng da đột nhiên xuất hiện những mảng đỏ ửng, rát, hoặc các đốm xậm màu trên da kéo dài nhiều tuần không mất, đốm có màu tím nâu, hoặc tím xanh.

- Nốt ruồi:

Đột nhiên phát hiện nhiều nốt ruồi lạ vừa xuất hiện. Hoặc các nốt ruồi bẩm sinh bỗng dưng đau, chảy máu, tăng kích thước nhanh, hình thù không đối xứng, đổi màu, viền ngoài hình răng cưa.

- Xuất hiện một vết màu trên da:

Vết màu bị đau, ngứa, bị sần, chảy máu hoặc liên tục phát triển.

Ung thư da có thể bắt đầu chỉ từ một vết bầm nhỏ

Đừng chủ quan với những thay đổi nhỏ trên da

- Xuất hiện vùng da có vảy màu đỏ:

Một vùng da hơi gồ lên và có những vảy màu đỏ, ngứa ngáy, chảy dịch ở vùng này. Các vùng đầu, cổ và vùng lưng trên là nơi hay gặp vì là nơi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều nhất

- Vết bớt trên da đổi màu kèm theo ngứa, rát:

Những vết bớt khi sinh ra đã có thường có màu hồng, hoặc màu da sẫm (bình thường các vết này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe). Vết bớt thấy có dấu hiệu đổi màu kèm ngứa, rát ở vị trí vết bớt hoặc nổi sần lên, rỉ nước hoặc loét… thì cần cảnh giác.

- Xuất hiện vết chàm nổi sần lên: 

Vết chàm có màu đỏ hồng, nâu hoặc đen, có thể mịn hoặc sần sùi có mọc nhiều lông, vết chàm tăng kích thước cả về chiều cao và diện tích, có ranh giới rõ ràng giữa vùng da lành và vùng da có sang thương.

- Ổ loét dai dẳng lâu khỏi:

Ổ loét không ở vùng tì đè, ổ loét có bờ nham nhở, cứng chắc, chảy máu nhiều, xung quanh bờ có những hạt nhú bì màu trắng hồng (hạt ngọc), to nhỏ không đều từ như hạt cám, hạt vừng đến cục sùi ở đáy hoặc bờ của ổ loét. Đáy ổ loét ít dịch tiết, va chạm ít đau, vùng xung quanh không có quầng thâm đỏ.

- Một vùng da sần lên 

Các vùng da đầu gối, khuỷu tay, mu bàn tay… xuất hiện một vùng (hoặc một nốt) da sần lên bất thường. Thông thường, các vết sần này là những vết chàm bội nhiễm trên da nhưng cũng có thể là dấu hiệu của ung thư da giai đoạn đầu.

Ung thư da có thể bắt đầu chỉ từ một vết bầm nhỏ

Hãy đi kiểm tra bác sĩ khi nghi ngờ những thay đổi bất thường trên da để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh

Phòng tránh ung thư da

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, nhất là thời điểm nắng gắt.

- Sử dụng kem chống nắng khi phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.

- Dùng đồ bảo hộ lao động hạn chế tiếp xúc với môi trường độc hại.

- Thường xuyên quan tâm đến các vết bớt, vết chàm, nốt ruồi nếu có thay đổi bất thường thì phải kiểm tra kịp thời, không coi thường.

- Không kích thích, tự đắp những sản phẩm tùy tiện để tẩy nốt ruồi, tàn nhang….

>> Xem thêm: Phát hiện ung thư ác tính nhờ một vết bầm

Ảnh minh họa: Internet

BS Đỗ Hữu Thảnh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!