Vì sao chúng ta dễ mắc lừa?

Vui khỏe - 11/24/2024

Đừng xấu hổ nếu bị mắc lừa vào ngày cá tháng 4 bởi vì chúng ta đã được ‘lập trình sẵn’ là người cả tin.

Theo các chuyên gia, bộ não con người đôi khi tham gia vào việc khống chế những nhận thức rõ ràng bằng giác quan của con người về thế giới xung quanh, có nghĩa là chúng ta có thể bị đánh lừa bởi một trò đùa đơn giản.

Rất nhiều người tin rằng quá trình ra quyết định của con người dựa trên logic và tính khách quan. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, các nghiên cứu tâm lý đều xác nhận sự hiện diện của tính thiên vị cố hữu trong nhận thức của con người. Một nghiên cứu năm 2001 mang tên Màu sắc của mùi đã xem xét ảnh hưởng của màu sắc lên nhận thức về mùi vị của rượu vang. Trong thí nghiệm này, các chuyên gia rượu vang được đưa 2 ly rượu vang: một ly rượu đỏ và một ly rượu trắng. Mỗi người được yêu cầu mô tả về rượu sau khi nếm thử. Các chuyên gia đã sử dụng những từ như cam, hoa, chanh và mật ong để mô tả vang trắng, trong khi họ sử dụng những từ như đinh hương, xạ hương và trái cây nghiền màu đỏ để mô tả vang đỏ.

Cách nhận biết một người đang nói dối (Việt hóa bởi Songkhoe.vn)

Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia đều vô tình bị lừa: cả 2 ly thực ra đều chứa cùng một loại vang trắng, sự khác biệt duy nhất giữa chúng là một ly đã được bỏ màu thực phẩm đỏ. Không có chuyên gia nào phát hiện ra cả 2 ly cùng chứa vang trắng và họ đều mô tả vang trắng pha màu như thể chúng là vang đỏ. Nghiên cứu này cho thấy những kỳ vọng có sức mạnh như thế nào với phương thức mà chúng ta nhận thức thế giới.

Trong một nghiên cứu khác vào năm 2008, những người tham gia được đặt trong một chiếc máy chụp cộng hưởng từ chức năng và được nếm 2 ly rượu, một ly dán nhãn 5 USD và một ly dán nhãn 90 USD. Họ đều không biết mỗi ly đều chứa cùng loại rượu 90 USD. Kết quả là họ cho ly rượu ghi nhãn 90 USD điểm hài lòng cao hơn ly rượu ghi nhãn 5 USD. Hình ảnh từ máy chụp cho thấy vỏ não trung gian trước trán hoạt động nhiều hơn khi nếm loại rượu được ghi nhãn là đắt tiền hơn. Thùy trán của não là một khu vực quan trọng đối với chức năng nhận thức cấp cao và cách xử lý thông tin từ trên xuống. Bộ phận này cần thiết cho quá trình ra quyết định, lên kế hoạch cho các sự kiện tương lai và so sánh kết quả.

Vì sao chúng ta dễ mắc lừa?

Bộ não của chúng ta đã được lập trình 'bị đánh lừa' (ảnh minh họa: Internet)

Nghiên cứu này cho thấy vỏ não trung gian trước trán không phản ứng với rượu mà thay vào đó là dựa vào việc nó có được tri nhận là loại rượu tốt hơn hay không. Nghiên cứu cũng minh họa phương thức bộ não con người có thể lừa dối chúng ta, bắt nguồn từ việc từng bộ phận khác nhau của não xử lý yếu tố kích thích một cách khác nhau. Xử lý từ dưới lên là khi chúng ta tri nhận thực tế một cách khách quan căn cứ vào yếu tố kích thích – chúng ta để cho các giác quan dẫn hướng cho nhận thức. Xử lý từ trên xuống là khi chúng ta bẻ lái thực tế dựa vào nhận thức. Khuynh hướng xử lý từ trên xuống của vỏ não vùng trán là lý do vì sao người tham gia trong những nghiên cứu trên lại dễ bị lừa đến vậy, và đó cũng là lý do con người dễ bị sai lệch.

Ngoài vấn đề về cách xử lý từ trên xuống, đối với những trò đùa mang tính dọa nạt, con người cũng được ‘lập trình sẵn’ trong cách phản ứng. Bộ não được thiết kế để tri nhận bất cứ mối đe dọa nào là có thật ngay cả khi đó chỉ là một con rắn cao su. Bộ não xử lý yếu tố kích thích dựa vào mức độ đe dọa. Hệ thần kinh phản ứng với mối đe dọa rất nhanh để chuẩn bị cho phản xạ chiến đấu hay bỏ chạy. Điều này có nghĩa nếu ai đó đang cố gắng lừa bạn bằng một thứ bạn sợ, bạn sẽ không thể bình tĩnh được vì bộ não thà phản ứng với một mối đe dọa, kể cả là giả, còn hơn là bị tổn thương. 

>> Xem thêm: Có hay không lợi ích sức khỏe của ngày Cá tháng Tư?

Ngọc Hòa (psychologytoday, abcnews)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!