Vì sao máu hiến tình nguyện nhưng người bệnh vẫn mất tiền mua máu?

Kiến Thức Y Học - 11/24/2024

Không ít người đặt ra câu hỏi: Vì sao người dân đi hiến máu tình nguyện, mà người bệnh truyền máu lại phải mất tiền mua? Trao đổi với lãnh đạo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Không ít người đặt ra câu hỏi: Vì sao người dân đi hiến máu tình nguyện, mà người bệnh truyền máu lại phải mất tiền mua? Trao đổi với lãnh đạo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Vì sao máu hiến tình nguyện nhưng người bệnh vẫn mất tiền mua máu?

Trong những ngày qua, số lượng máu đặc biệt là nhóm máu O đang khan hiếm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị cho người bệnh. Chính vì thế, nhiều tổ chức cá nhân đã kêu gọi người dân đi hiến máu để "sẻ chia sự sống" cho người bệnh.

Tuy nhiên, có không ít người đặt ra câu hỏi: Vì sao người dân đi hiến máu tình nguyện, mà người bệnh truyền máu lại phải mất tiền mua? Trước thắc mắc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

TS Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, để có 1 đơn vị máu đến với người bệnh thì phải cần rất nhiều chi phí.

Vì sao máu hiến tình nguyện nhưng người bệnh vẫn mất tiền mua máu? Viện trưởng Viện Huyết học - TS Bạch Quốc Khánh (giữa).

Theo đó, chi phí cho bộ 4 bịch chứa máu/người hiến cần ít nhất 20 USD; Chi phí xét nghiệm phân tử sàng lọc HIV ít nhất là 1,2 triệu đồng/đơn vị máu để giúp rút ngắn thời gian cửa sổ từ 24-30 ngày xuống còn 7 ngày nhằm tăng an toàn truyền máu. Bênh cạnh đó, còn các chi phí xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C, HPV...; chi phí lưu trữ, bảo quản...

"Ngoài ra, còn các chi phí liên quan đến vận động hiến máu cũng là khoản rất lớn; chi phí quà, suất ăn, đi lại cho người hiến với tổng gần 250.000 đồng. Nếu cộng vào tất cả thì 1 bịch máu đến tay bệnh nhân lên tới hơn 2 triệu đồng, nhưng hiện BHYT và người bệnh chỉ phải trả khoảng 700.000 đồng", TS Khánh thông tin.

Đó là chưa kể, việc bỏ ra chi phí ban đầu để xây dựng một trung tâm có đầy đủ trang thiết bị như tại Viện Huyết học – Truyền máu TƯ cần ít nhất 10 triệu đô (220 tỷ đồng).

Tuy chi phí lớn như vậy, nhưng khi máu đến với người bệnh thì bảo hiểm y tế và bệnh nhân chỉ phải chi phí khoảng 700.000 đồng.

Đối với công tác vận động, hiến máu tình nguyện TS Khánh cho biết, trong năm 2017, cả nước tiếp nhận khoảng trên 1,4 triệu đơn vị máu.

Vì sao máu hiến tình nguyện nhưng người bệnh vẫn mất tiền mua máu?

Tuy nhiên, hiện máu đang rất cần và còn rất thiếu cho điều trị, đặc biệt là vào dịp Tết âm lịch tới đây. Ngay tại Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, từ nay đến tháng 3 cần khoảng 60.000 đơn vị máu nhưng mới chỉ dự kiến tiếp nhận được 50.000 đơn vị.

Để có phong trào hiến máu bền vững, TS Khánh cho biết sẽ thực hiện nhiều cách để tăng lượng người tham gia hiến máu nhắc lại. Ở nhiều nước, tỉ lệ này lên tới 75-80% nhưng tại Việt Nam chỉ dừng ở mức thấp, 40-42%. Trong khi nguồn máu nhắc lại là máu chất lượng nhất.

"Trước mắt chúng tôi sẽ phối hợp với Hội chữ thập đỏ Hà Nội xây dựng ít nhất 2-3 điểm hiến máu cố định. Viện sẽ cử cán bộ đến làm việc thường xuyên để mọi người dân có thể hiến máu thuận lợi nhất. Đồng thời, Viện sẽ tiến tới chăm sóc tốt người hiến máu như các nhà mạng chăm sóc khách hàng", TS Khánh nói.

Theo Trí Thức Trẻ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!