Viêm khớp là nguyên nhân gây đau và tàn phế hàng đầu trên thế giới. Vậy bạn có biết điều gì là tốt nhất cho căn bệnh viêm khớp?
1. Những điều cơ bản nên làm:
- Cung cấp cho bác sỹ về tất cả triệu chứng (kể cả những triệu chứng tưởng như không liên quan đến bệnh tình của bạn), tình hình điều trị, thuốc sử dụng (kể cả những thuốc mua không cần đơn và các chất bổ sung).
- Hỏi bác sĩ để biết rõ về loại viêm khớp mà bạn mắc phải và liệu có khớp nào của bạn đã bị tổn thương hay không.
2. Thói quen thường ngày nên làm
Tập thể dục nhẹ nhàng vào chiều tối để giảm cứng khớp vào sáng hôm sau.
Lúc ngồi xem TV, đọc sách hay làm việc, cần lưu ý:
- Thường xuyên thay đổi tư thế, xoay khớp cổ, khớp tay và uốn cong, căng duỗi cẳng chân.
- Nghỉ ngơi để tránh sử dụng quá nhiều một khớp nào đó và gây đau.
- Đứng dậy và đi loanh quanh sau 30 phút.
Viêm khớp ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày
3. Thay đổi lối sống cũng giúp giảm đau
- Giảm cân: giúp giảm áp lực lên các khớp, hạn chế biến chứng và giảm đau.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá gây tăng áp lực lên các mô liên kết và gây đau hơn.
4. Tập thể dục
Giúp giảm đau, cải thiện phạm vi vận động, tăng lực cơ và sự dẻo dai.
Những việc nên làm:
- Chọn bài tập phù hợp, giúp tăng sức cơ mà không tác động xấu tới khớp. Nên chọn những bài tập nhẹ như đi bộ, đạp xe hay các bài tập dưới nước.
- Tập trung vào các động tác căng, duỗi, tăng phạm vi vận động và cải thiện sự dẻo dai.
- Có thể gặp chuyên gia trị liệu để có một chế độ luyện tập phù hợp.
Những việc nên tránh:
Tránh những hoạt động va chạm mạnh và chuyển động lặp lại như: chạy bộ, nhảy, quần vợt, thể dục nhịp điệu cường độ mạnh.
Tập thể dục nhẹ nhàng để cải thiện tình trạng viêm khớp
5. Sử dụng thuốc
Các thuốc giảm đau thông dụng khá an toàn, tuy nhiên chúng vẫn có một số tác dụng phụ. Do đó nên gặp bác sĩ để được tư vấn một liệu trình phù hợp.
Những việc nên làm:
- Thuốc uống: Sử dụng các thuốc giảm đau không cần kê đơn như acetaminophen (Tylenol…) hay ibuprofen (Advil, Motrin IB…) để giảm đau cơ hoặc khớp.
- Thuốc giảm đau tại chỗ: bôi kem chứa capsaicin lên da để giảm đau. Có thể dùng riêng hoặc kết hợp với thuốc uống.
- Hỏi ý kiến bác sĩ nếu thuốc đang dùng không đủ mạnh để giảm đau cho bạn.
Những việc nên tránh:
- Dùng quá liều: nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên.
- Dùng không đủ liều: nên tuân thủ liệu trình điều trị, đừng bỏ qua những cơn đau nặng và kéo dài.
- Chỉ chú trọng giảm đau: Nhiều bệnh nhân viêm khớp còn bị trầm cảm. Với trường hợp này nên lưu ý điều trị cả tình trạng trầm cảm và giảm đau.
6. Cải thiện tâm trạng và thể chất
Đau ảnh hưởng xấu đến tâm trạng, gây chán nản và hình thành sự sợ hãi kéo dài.
Sống vui vẻ, lạc quan, tránh thái độ tiêu cực rất cần ở bệnh nhân viêm khớp
Những việc nên làm:Sử dụng các liệu pháp sau:
- Liệu pháp nhận thức hành vi: sự kết hợp giữa nói chuyện và thay đổi hành vi giúp người bệnh suy nghĩ và hành động tích cực.
- Liệu pháp thư giãn: Ngồi thiền, tập Yoga, hít thở sâu, nghe nhạc, hòa mình vào thiên nhiên… sẽ giúp giảm đau.
- Châm cứu: Châm cứu cũng là một cách giảm đau được nhiều người sử dụng.
- Dùng nhiệt nóng và lạnh: Đặt túi nhiệt vào vùng khớp đau nhức, tắm nước nóng hoặc ngâm sáp ấm… giúp giảm đau tạm thời. Lưu ý mỗi lần chườm không quá 20 phút và thận trọng kẻo bỏng. Cũng có thể chườm túi đá lên vùng cơ bị đau để giảm đau và viêm sau khi tập thể dục gắng sức.
- Xoa bóp: giúp giảm đau và giảm cứng khớp. Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng người xoa bóp biết về tình trạng bệnh của bạn.
Những việc nên tránh:Tránh thái độ tiêu cực, thay vào đó nên duy trì sự thoải mái và điềm tĩnh.
>> Xem thêm: CHUYÊN ĐỀ: Phòng chống bệnh khớp khi đông về
Ảnh minh họa: Internet
Ánh Minh (mayoclinic)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!