Bất cứ ai cũng có thể trở thành bệnh nhân
Chị H.T.T. 34 tuổi, ở Hà Nội, một bệnh nhân Covid-19 đã điều trị khỏi chia sẻ câu chuyện của bản thân, sau khi ra viện, chị cũng bị nhiều người kỳ thị. Có lúc, chị đi mua sữa cho con, vừa bước vào cửa hàng quen thuộc, chủ hàng là người quen nhìn thấy chị thì lập tức chạy đi tìm khẩu trang đeo vào dù trước đó họ bán hàng cho người khác mà không hề đeo khẩu trang.
Nhiều khi đã cố gắng quên đi những ngày hoang mang vì mắc bệnh, nhưng thực tế phũ phàng đập vào mắt hàng ngày khiến quá trình tái hoà nhập cộng đồng với một phụ nữ nhạy cảm như chị vô cùng khó khăn.
Thạc sĩ bác sĩ Đồng Phú Khiêm
ThS. BS Đồng Phú Khiêm - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương chia sẻ, ở giai đoạn 1 của dịch Covid-19, bệnh viện điều trị nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Không ít bệnh nhân khi khỏi bệnh đã bị kỳ thị.
Lẽ ra, họ phải nhận được sự động viên, chia sẻ của những người xung quanh, không để những người khỏi bệnh trở về phải trải qua những cảm xúc không mấy dễ chịu trong gia đình, cộng đồng, người thân, nơi làm việc của mình, nơi mình sinh sống.
Bác sĩ Khiêm cho biết, nếu không rơi vào thời điểm đại dịch, bệnh viện không quá tải, bệnh nhân có thể được tư vấn, điều trị tâm lý nhưng hiện nay, bác sĩ chỉ có thể dặn dò bệnh nhân khi xuất viện. Việc bệnh nhân bị kỳ thị là có thể xảy ra.
'Ngay cả với các bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới khi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì gia đình, con cái của họ cũng có lúc bị hàng xóm, láng giềng nghi ngại, kỳ thị. Vì vậy, khó tránh khỏi việc người bệnh khi trở về không được cộng đồng đón nhận ngay', bác sĩ Khiêm dốc lòng.
Virus không loại trừ bất cứ ai, ai trong chúng ta cũng có thể trở thành bệnh nhân Covid-19. Căn bệnh không phân biệt chủng tộc, giới tính, độ tuổi hoặc phẩm chất cá nhân. Vì vậy đừng kỳ thị người đã từng bị bệnh. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo người dân cần đoàn kết, không kỳ thị người bệnh Covid-19 để cùng nhau chống đại dịch.
Hiện nay, có nhiều bằng chứng cho thấy sự kỳ thị liên quan tới Covid-19 dẫn tới ít người chủ động chăm sóc y tế, chủ động đăng ký xét nghiệm hơn, ít người tuân thủ các biện pháp phòng dịch, ngay cả tự cách ly. Điều này có thể dẫn tới việc bỏ sót người mắc bệnh, gia tăng số người tiếp xúc với người mắc bệnh khiến cho việc phòng chống dịch thêm khó khăn.
Người đã chữa khỏi Covid-19 đi làm bình thường, không sợ lây cho người khác
Hiện mỗi ngày đều có các bệnh nhân Covid-19 khoẻ lại, được xuất viện, trở về cuộc sống bình thường và họ đang cố gắng trở thành các thành viên có ích cho cuộc chiến chống Covid-19 như họ sẵn sàng hiến huyết tương để nghiên cứu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng đang phải giành giật sự sống. Nhiều người đã được chữa trị khỏi bệnh, có kinh nghiệm, hiểu biết về căn bệnh này đã trở thành những tuyên truyền viên tốt trong phòng chống dịch.
Bác sĩ Khiêm khẳng định, bệnh nhân Covid-19 sau khi điều trị khỏi bệnh thì không còn khả năng lây bệnh cho người khác. Người khỏi bệnh đã có miễn dịch nên người xung quanh, đồng nghiệp khi tiếp xúc có thể hoàn toàn yên tâm.
'Bệnh nhân sau khi điều trị xong, hoàn thành cách ly tại nhà là có thể đi làm bình thường', bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.
Ông cũng chia sẻ thực tế đáng buồn là có nhiều bệnh nhân sau khi điều trị khỏi bệnh thì đã mất việc làm. Hành trình đi xin việc lại chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Vị bác sĩ cho rằng các đơn vị cũ cần có chính sách hỗ trợ những lao động này để họ sớm ổn định cuộc sống, tìm được công việc phù hợp.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho rằng, nếu muốn làm tốt việc chống dịch, chúng ta phải xóa bỏ tâm lý né tránh; hiểu biết về bệnh và ứng xử sao cho phù hợp.
'Kỳ thị khiến một số bệnh nhân có triệu chứng không dám đi khám, có người thì giấu bệnh, không khai báo y tế. Đừng xa lánh những người mắc Covid-19 bởi bất cứ ai cũng có thể trở thành bệnh nhân', bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!