Xem pháo hoa đêm Giao thừa: Để niềm vui được trọn vẹn

Cần biết - 11/24/2024

Từ lâu, đốt pháo vào đêm giao thừa đã trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Theo quan niệm của người xưa, tiếng pháo giòn giã không chỉ là lời chào tạm biệt năm cũ để một năm mới, mà việc đốt pháo còn giúp xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều không may mắn.

Mặc dù vậy, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra trong quá trình vận chuyển và sản xuất pháo, ngày 01/01/1995, nhà nước đã ban hành chỉ thị về việc cấm buôn bán và đốt các loại pháo nổ trung phạm vi cả nước (trừ pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Hiện nay, pháo hoa chỉ được bắn tại các địa điểm công cộng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Vì tổ chức ở địa điểm công cộng nên số lượng người tham gia xem pháo hoa thường rất đông. Đôi khi, khoảnh khắc ý nghĩa đêm giao thừa có thể sẽ trở thành nỗi ám ảnh vì những tai nạn không mong muốn. Những lưu ý sau đây có thể giúp bạn có một buổi xem pháo hoa vui vẻ và an toàn.

Xem pháo hoa đêm Giao thừa: Để niềm vui được trọn vẹn

Đốt pháo vào đêm giao thừa đã trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam (Ảnh minh họa: Internet)

1. Chủ động về mặt thời gian, địa điểm

Để đảm bảo an toàn và tránh ùn tắc giao thông, khu vực bắn pháo hoa thường cấm phương tiện qua lại. Vì vậy, trước khi đi xem, bạn nên kiểm tra thông tin về các điểm bắn pháo hoa, các tuyến phố cấm để chọn được địa điểm gần nhà và đi lại thuận tiện nhất.

Ngoài ra, cũng nên chủ động đi sớm để chọn được chỗ thoải mái và có tầm nhìn đẹp. Nếu muốn xem pháo hoa từ các quán cà phê hoặc nhà hàng có vị trí đẹp, bạn nên đặt chỗ trước càng sớm càng tốt.

2. Trang phục phù hợp

Thời tiết đêm giao thừa các tỉnh phía Bắc thường khá lạnh. Ở các tỉnh phía Nam, dù nền nhiệt độ cao hơn nhưng giữa đêm nhiệt độ vẫn có thể giảm mạnh so với ban ngày và thường có sương. Để không ảnh hưởng đến sức khỏe, nên chọn trang phục đủ ấm và đi giầy, tất, găng tay, mũ len (đối với miền Bắc) và khăn quàng nhẹ, áo khoác mỏng (đối với các tỉnh phía Nam).

Đứng, đi bộ nhiều và thậm chí chen lấn là điều khó tránh khỏi khi đi xem pháo hoa. Để dễ dàng di chuyển và tránh nhức mỏi chân,  bạn nên chọn cho mình một đôi giày có độ cao phù hợp và thoải mái.

3. Tránh đứng ngay dưới điểm bắn pháo hoa

Một số loại pháo hoa khi cháy xong có thể để lại tro tàn. Do đó, nếu đứng ngay dưới điểm bắn, khả năng tro tàn của pháo vào mắt tương đối cao, gây ảnh hưởng tới thị lực. Chưa kể, ngửa cổ trong một thời gian dài còn khiến bạn bị mỏi, đau cổ.

Khoảng cách an toàn được khuyến cáo khi xem pháo hoa là từ 200 - 500m tính từ vị trí đứng tới điểm bắn.

4. Hạn chế hít thở sâu

Trong pháo hoa tồn tại một số chất hóa học độc hại như bari, percholorate… Các chất này có thể gây nên một số bệnh đường hô hấp, ảnh hưởng đến tuyến giáp. Khi đốt pháo hoa, các chất này lan tỏa trong không khí, cộng thêm việc có quá đông người ở một địa điểm sẽ tạo cảm giác oi bức, có thể khiến bạn chóng mặt, nhức đầu và buồn nôn.

Để hạn chế những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, nên tránh hít thở sâu. Đối với những người có tiền sử mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, hoặc có vấn đề về sức khỏe, tuyệt đối không chen lấn giữa đám đông.

5. Lưu ý trộm cắp

Những chỗ đông người, lộn xộn là địa điểm hoạt động yêu thích của những kẻ xấu. Khi bạn đang mải mê xem pháo hoa cũng có thể chính là lúc những tên trộm lợi dụng để móc túi, trộm cắp. Vì vậy hãy mang theo đồ đạc gọn nhẹ, hạn chế mang trang sức, túi xách và các tài sản có giá trị.

6. Tránh bị lạc nhau

Khi ở nơi đông người tình trạng lạc nhau rất dễ diễn ra, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Hãy cố gắng đi thành nhóm và liên tục để ý nhau. Người lớn hãy nắm chặt tay các bé. Nếu xảy ra chen lấn, hỗn loạn, hãy bế bé trên người để đảm bảo bé không bị lạc và không bị chèn ép.

Ngọc Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!