Theo thống kê tại Trung Quốc, có khoảng 500 ca tự tử xảy ra mỗi năm trong cộng đồng giới trẻ do sức ép học hành. Ở Việt Nam, có hơn 90% sinh viên học sinh bị rối loạn tâm trí. Áp lực học hành, thi cử, sự cạnh tranh khốc liệt trong trường học và các vấn đề trong cuộc sống khiến nhiều học sinh, sinh viên rơi vào trạng thái khủng hoảng, rối loạn tâm thần, thậm chí có suy nghĩ tiêu cực là tự tử.
Vì thế, điều quan trọng trong giai đoạn này không phải cố gắng học càng nhiều càng tốt, nhớ càng nhiều càng hay. Mà hơn cả, chính là việc các sĩ tử cần phải giữ vững tinh thần thoải mái và quyết tâm để 'vượt vũ môn hóa rồng'.
Bạn HÃY NHỚ...
Luôn lạc quan và hy vọng
Nên nhớ rằng, rất nhiều người đã từng rơi vào trạng thái căng thẳng vì áp lực nhưng họ đa số họ đều đã vượt qua. Mọi việc đều có cách giải quyết. Những cảm xúc rồi tồi tệ sẽ trôi qua nhanh thôi khi kỳ thi kết thúc. Những chuyện vui hay buồn, thành công thất bại hay đều là rất bình thường trong cuộc sống. Và bạn chỉ thực sự thất bại khi không thể đứng dậy sau vấp ngã mà thôi.
Mùa thi cử là 'ác mộng' của rất nhiều học sinh
Học cách chấp nhận và chia sẻ cảm xúc suy nghĩ
Đối với nhiều người, thật khó để chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ, nhất là khi chán nản, tuyệt vọng, xấu hổ.
Tất cả mọi người đều phải đấu tranh với những cảm xúc như vậy tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Chấp nhận những điều không hay và chia sẻ một cách cởi mở với một ai đó bạn tin tưởng sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn. Sự trợ giúp từ người thân, gia đình, bạn bè, thầy cô sẽ là điểm tựa vững chắc cho bạn. Chắc chắn có rất nhiều người muốn giúp đỡ bạn trong thời gian khó khăn nhất.
Sống vì người khác
Nên sống có trách nhiệm, không vì riêng bạn mà còn phải vì người khác. Bạn được sinh ra trên đời, lành lặn, khỏe mạnh đã là hạnh phúc hơn rất nhiều người khác. Hãy sống xứng đáng với những gì mà cha mẹ, người thân đã hy sinh cho bạn. Nếu chỉ để chấm dứt những nỗi buồn, khó khăn của riêng mình mà khiến người khác phải đau khổ thì phải chăng, bạn đã quá ích kỷ?!
Tự chăm sóc bản thân
Việc lựa chọn một lối sống lành mạnh giúp cho tâm trạng trở nên tốt hơn. Chế độ ăn uống điều độ, tập thể dục mỗi ngày, ngủ đủ giấc giúp hạn chế căng thẳng, trầm cảm. Các hoạt động thể chất có tác dụng như thuốc điều trị bệnh trầm cảm, do đó hãy tham gia các môn thể thao như đạp xe, khiêu vũ…
Không vượt qua được các áp lực đó dễ dẫn đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực
Không nên tự đặt áp lực cho bản thân
Mục tiêu học tập rất quan trọng nhưng không nên tự tạo cho mình những áp lực hoặc yêu cầu quá cao để bằng mọi giá phải đạt được.
Đừng suy nghĩ quá nhiều về những mong muốn, kỳ vọng của người thân, gia đình. Cần phải hiểu,và thuyết phục mọi người về khả năng cũng như mối quan tâm hiện nay của bạn là gì.
Luôn tạo những khoảng thời gian để nghỉ ngơi
Điều này sẽ giúp đầu óc minh mẫn và tập trung hơn, cải thiện cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó có những quyết định và suy nghĩ đúng đắn.
Tự tin và năng động
Sống năng động, cởi mở sẽ tạo cơ hội cho suy nghĩ và hành động theo chiều hướng tích cực hơn. Hơn nữa, chúng còn giúp bạn vượt qua những khó khăn và sẵn sàng đón nhận thử thách mới.
Và ĐỪNG BAO GIỜ...
Tự cô lập mình
Bố mẹ nên là điểm tựa giúp trẻ vượt qua những kỳ thi khó khăn
Cô lập bản thân dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực.
Hãy hòa mình với mọi người trong các hoạt động đa dạng xung quanh. Rất nhiều người sẵn sàng mở rộng vòng tay với bạn.
Rượu và các chất kích thích
Những đồ uống này có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, cản trở khả năng giải quyết vấn đề của bạn, và là tác nhân gây nên những hành động bạn sẽ phải ân hận sau đó.
Chìm đắm vào tâm trạng buồn
Nghe nhạc buồn, đọc những lá thư cũ, xem những bộ phim, đọc những câu chuyện kết thúc không có hậu,…. đôi khi có thể khiến bản thân tự bi kịch hóa suy nghĩ của mình.
Mỗi ngày trôi qua đều có những trải nghiệm vui buồn, thành công và thất bại đan xen, nhưng cảm giác được sống và trải nghiệm đáng giá hơn việc kết thúc cuốc sống. Suy nghĩ này sẽ giúp các sỹ tử có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, để có được bản lĩnh và sự kiên cường vượt qua tất cả mọi khó khăn.
TS. BS Vũ Thị Lừu - Chuyên khoa Nội - Tiêu hóa - Bệnh viện E cho biết: Nguyên nhân trầm cảm có thể là do áp lực công việc và cuộc sống. Người bệnh cần hạn chế thời gian ở một mình và tốt nhất là nên đi khám càng sớm càng tốt, không nên cố gắng giấu giếm cảm xúc của mình. Hãy tâm sự và nhờ sự giúp đỡ của người thân. Hãy luôn giữ tinh thần luôn thoải mái, tìm kiếm một cuộc sống bận rộn để không có thời gian nghĩ đến những chuyện tiêu cực.
Ảnh minh họa: Internet
Mai Hồ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!