Bốn mươi tuần mang thai là thời gian để các mẹ chuẩn bị tinh thần cho việc sinh nở và những thay đổi đi kèm sau khi bé chào đời. Dưới đây là các cách giúp mẹ lên kế hoạch chào đón thiên thần nhỏ.
Tìm hiểu về quá trình lâm bồn trước khi sinh
Sinh nở là lúc bạn cảm thấy đau đớn nhất. Theo kinh nghiệm của các bác sĩ chuyên khoa sản, ban cần tìm hiểu kiến thức trước khi sinh để việc sinh nở trở nên dễ dàng hơn.
Bạn nên tham gia một lớp học tiền sản dạy về các giai đoạn mang thai, kiềm chế cơn đau, kĩ thuật hít thở và các thiết bị y tế có thể được dùng trong lúc sinh nở. Các dịch vụ rất đa dạng, vì vậy hãy khảo sát ý kiến từ bạn bè từ giữa thai kỳ để chọn được một nơi bạn thích và cố gắng dành thời gian đến lớp.
Tuy nhiên, có rất nhiều những thay đổi và biến cố có thể xảy ra ở mỗi ca sinh nở và không ai có thể dự đoán nó sẽ xảy ra như thế nào. Việc bạn càng hiểu và chấp nhận những điều bất trắc sẽ giúp tâm trạng mình dễ chịu hơn. Bạn nên tìm hiểu về những tình huống sinh nở khác nhau và quyết định cách mà bạn sẽ đối phó với tình huống đó.
Ngoài ra, bạn có thể đọc các tài liệu về kế hoạch sinh nở để biết các tư thế sinh, việc sử dụng thuốc giảm đau, cách chăm sóc trẻ sau khi sinh và nhiều điều khác.
Quan trọng không kém, bạn nên nói chuyện với công ty bảo hiểm trước khi sinh về các quyền lợi về việc sinh con, thanh toán chi phí bệnh viện và chăm sóc thai phụ và thai nhi.
Trao đổi nhiều hơn cùng chồng để anh ấy có thể chia sẻ với bạn
Hãy trò chuyện cùng nhau để cho chồng biết bạn muốn anh ấy giúp đỡ gì trong quá trình mang thai và sinh nở. Những mong đợi khác nhau từ 2 người có thể gây ra tranh cãi, vì vậy tốt nhất là bạn nên thắng thắn chia sẻ trước đó.
Bạn không nên cho rằng bạn đời có thể mặc nhiên biết được việc mang thai và sinh nở sẽ ảnh hưởng thế nào đến tâm sinh lí của bạn và biết nên làm gì để giúp đỡ bạn. Hãy cùng thảo luận về chuyện phân chia công việc chăm con và việc nhà. Bên cạnh đó, bạn nên hướng dẫn anh ấy từ những việc nhỏ nhất, ví dụ như cách giúp bạn cho con bú sữa.
Bạn cũng nên tính toán trước một số việc để giảm bớt gánh nặng cho tới khi sinh nở, chẳng hạn như đặt tên con, tìm hiểu cách cho con ăn hay tổ chức lễ đầy tháng cho con như thế nào.
Học hỏi kinh nghiệm sinh nở từ các bà mẹ nhưng phải biết chắt lọc
Nếu một người bạn huyên thuyên về những biến chứng nghiêm trọng sau sinh của cô ấy, một trong những trường hợp vô cùng hiếm gặp, làm cho bạn bắt đầu bối rối và trở nên lo lắng thì tốt hơn hết là bạn chuyển sang hỏi thăm cô ấy về tã lót cho bé. Bạn nên biết rằng không phải mọi tình huống đều xảy ra tương tự với các bà mẹ. Bạn chỉ nên chuẩn bị trước tâm lí bằng cách tìm hiểu các thông tin đáng tin cậy hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cách hay nhất là bạn tham gia các lớp học tiền sản tổ chức tại bệnh viện. Ở đó, bạn sẽ được học cách thay tã, tắm bé, cách cho bé bú hay tham vấn về việc sinh nở diễn ra như thế nào dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia sản khoa.
Tập làm quen cho anh chị của bé và cả vật nuôi trong nhà
Em bé mới chào đời có thể làm xáo động thế giới của các anh chị lớn trong nhà. Nhiều bậc cha mẹ dùng búp bê để giúp các bé lớn hình dung ra em bé sắp chào đời từ bụng mẹ, cho bé thấy cách bạn thay tã hay cho em bú.
Bố mẹ có thể giải thích cho các anh chị lớn nghe tại sao em bé khóc hay làm thể nào để đảm bảo an toàn cho bé. Điều này giúp bé cảm nhận được mình là một phần của gia đình và cảm nhận dần dần vai trò bảo vệ em nhỏ.
Khi sắp đến ngày sinh, hãy tìm người giúp chăm sóc các bé lớn nhà bạn trong thời gian bạn sinh nở và ở cữ.
Khi mẹ tròn con vuông trở về nhà, việc đầu tiên bạn nên làm là hãy nhẹ nhàng đặt em bé xuống và ôm các bé lớn vào lòng. Điều này sẽ giúp bé lớn cảm thấy mình vẫn được mẹ yêu thương và coi trọng.
Vật nuôi trong nhà cũng nên được tập làm quen với những thay đổi sau khi bạn sinh em bé. Để phòng tránh nguy hiểm cho em bé, nhất là tình trạng dị ứng với lông thú, bạn có thể gửi thú cưng đến các nơi chăm sóc vật nuôi tạm thời hoặc nhà người thân, bạn bè.
Phân công người hỗ trợ khi bạn bắt đầu chuyển dạ
Trước khi có dấu hiệu chuyển dạ, bạn nên lên kế hoạch sẵn tới khi sinh thì ai sẽ là người đưa bạn tới bệnh viện, sinh ở bệnh viện nào và khi nào thì bắt đầu nên nhờ người chở tới bệnh viện.
Có một số điều nhỏ nhặt tưởng chừng như không đáng quan tâm nhưng tới thời điểm đang chuyển dạ hết sức gấp gáp, bạn sẽ thấy việc tìm hiểu trước không hề dư thừa, ví dụ như nơi đậu xe hay lối vào để nhập viện chuẩn bị sinh.
Quyết định ai sẽ ở lại phòng sinh cùng bạn
Vấn đề này tuỳ thuộc vào quyết định cá nhân của từng người. Hãy kiểm tra với bệnh viện để biết có bao nhiêu người được phép vào phòng mổ cùng bạn.
Sắp xếp hành lý trước ngày sinh
Bạn nên sắp xếp hành lý một vài tuần trước ngày dự sinh để tâm trí của bạn thoải mái. Hãy tham khảo danh sách vật dụng cần thiết, đặc biệt là nếu bạn sinh mổ:
- Chứng minh nhân dân và giấy tờ bệnh viện;
- Áo choàng tắm, váy ngủ, dép đi trong nhà và vài đôi tất;
- Những món đồ quen thuộc có thể giúp bạn thư giãn;
- Máy ảnh, điện thoại;
- Một vài bồ độ và một đôi giày thoải mái;
- Đồ ăn vặt như bánh quy giòn, trái cây tươi;
- Đồ dùng cá nhân như bàn chải, kem đánh răng, lược, kem dưỡng môi, quần lót chuyên dụng;
- Tiền mặt;
- Nếu tinh tế hơn, bạn có thể chuẩn bị một món quà nhỏ để tặng cho các bé lớn như món quà mà em bé mới sinh đem đến.
Chuẩn bị những thứ cần thiết cho trẻ sơ sinh
Những món đồ mà bạn có thể chuẩn bị từ trước như quần áo cho bé, tã lót, bình sữa hoặc xe đẩy. Đừng cảm thấy áp lực khi bắt buộc phải mua một món đồ mà hiện tại bạn chưa đủ khả năng mua. Bạn có thể hỏi bạn bè việc liệu họ có thể thanh lý lại đồ đã từng sử dụng hay không hoặc tham gia vào một nhóm các bà mẹ để tìm những món đồ giá hời nhưng chất lượng vẫn còn tốt.
Bạn cũng nên tích trữ những thứ cần thiết trước khi sinh như thực phẩm đông lạnh, đồ tẩy rửa, thuốc, giấy vệ sinh, dầu gội đầu và những thứ linh tinh khác.
Bắt đầu thăm hỏi để tìm một bác sĩ nhi cho bé
Thời điểm tốt nhất để bắt đầu tìm một bác sĩ nhi là giữa thai kỳ. Đó sẽ là người sẵn sàng tư vấn cũng như hiểu bạn và con bạn để có thể chăm sóc tốt. Hãy hỏi thăm bạn bè, người thân hoặc tham gia các diễn đàn mẹ và bé để nhờ tư vấn một vị bác sĩ nhi đồng đáng tin cậy.
Tìm kiếm sự giúp đỡ sau khi sinh
Trong những tuần hậu sản, các bà mẹ rất cần sự giúp đỡ từ người khác. Nếu may mắn có người thân, bạn nên trao đổi cụ thể trước về những việc bạn cần được giúp đỡ sau khi sinh con. Bà nội hay bà ngoại của bé có thể rất thích được chăm cháu nhưng bạn vẫn nên tham gia để cùng định hướng cách chăm sóc bé.
Bạn cũng có thể thuê người giúp việc, ví dụ như người giúp đỡ sau sinh và các dịch vụ dọn dẹp vệ sinh để tránh tình trạng lo âu hoặc trầm cảm kéo dài có thể dẫn đến thiếu ngủ đối với một số người. Vì vậy, bạn nên tận dụng mọi thời gian để ngủ khi bạn có thể.
Bạn có thể quan tâm tới đề tài:
- Những điều mẹ cần lưu ý khi mới sinh
- Giúp mẹ vượt qua bệnh trầm cảm sau khi sinh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!