10 chứng nghiện bạn có thể đang mắc phải

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/19/2024

Đừng nghĩ rằng chỉ có chứng nghiện bia rượu, thuốc lá hay cà phê mới gây ra nhiều tác hại. Chứng nghiện bạn có thể đang mắc nhiều khi dễ lầm tưởng là tốt cho sức khỏe như tập thể dục, phơi nắng hay thậm chí là... chuyện chăn gối!

Đừng nghĩ rằng chỉ có chứng nghiện bia rượu, thuốc lá hay cà phê mới gây ra nhiều tác hại. Chứng nghiện bạn có thể đang mắc nhiều khi dễ lầm tưởng là tốt cho sức khỏe như tập thể dục, phơi nắng hay thậm chí là… chuyện chăn gối!

Đôi khi những chứng nghiện bạn có thể mắc phải chỉ xoay quanh những thói quen, vật dụng có thể làm bạn vui. Ví dụ, ban đầu bạn chỉ muốn thư giãn bằng cách chơi bài, mua sắm hay lướt mạng xã hội. Tuy nhiên sau đó, cảm giác sung sướng khi thắng một ván bài, mua được thứ mình muốn hay có bình luận trên mạng xã hội khiến bạn không thể dừng những thứ này.

Hãy cùng xem bạn có mắc các chứng nghiện sau đây không để kịp thời điều chỉnh lại lối sống lành mạnh hơn nhé!

1. Chứng nghiện tập thể dục

Một buổi tập thể dục hiệu quả có thể giúp bạn vượt qua cơn nghiện đồ ngọt hay nghiện điện thoại nhưng cũng có thể khiến bạn nghiện chính quá trình tập luyện. Thói quen tập thể dục giúp não tiết endorphin nên đây cũng có thể là một chứng nghiện bạn có thể đang mắc đấy.

Bạn cần xen một số ngày nghỉ vào lịch tập thể dục của mình để cơ thể có thời gian phục hồi và tránh bị kiệt sức. Hơn nữa, bạn cũng nên hạn chế hạn chế tập khi bị ốm hoặc bị thương.

2. Chứng nghiện đồ ngọt

10 chứng nghiện bạn có thể đang mắc phải

Có thể bạn từng gặp tình trạng rất thèm ngọt và khi ăn đồ ngọt rồi thì không thể dừng lại. Điều này là vì thực phẩm chứa nhiều carbs, chất béo và đường có tác dụng tương tự như chất gây nghiện đối với não bộ.

Tuy bạn có thể thỉnh thoảng ăn chocolate hay kem nhưng việc thường xuyên ăn đồ ngọt có thể dẫn tới rất nhiều vấn đề về sức khỏe như béo phì hay tiểu đường.

Bạn có thể cai chứng nghiện đồ ngọt bằng cách chọn các món ngọt tự nghiên như chuối, nhãn, nho, chà là… Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm soát stress vì khi căng thẳng, bạn sẽ thèm đồ ngọt hơn.

3. Chứng nghiện mua sắm

Ai cũng đã từng mua những thứ mình không thực sự cần nhưng nếu chuyện mua sắm này xảy ra quá nhiều thì có thể đây là một chứng nghiện bạn có thể đang mắc phải. Đó là bởi vì bạn mua sắm sẽ làm tăng lượng dopamine và giúp bản thân vui vẻ hơn. Tuy nhiên, chứng nghiện đi mua sắm hoặc mua hàng trên mạng có thể khiến bạn gặp vấn đề tài chính, mắc nợ và ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội.

Bạn có thể kiềm chế cơn nghiện mua sắm của mình bằng cách ghi chép lại chi tiêu hàng ngày để kiểm soát số tiền mình đã dùng và hạn chế mang nhiều tiền trong người.

4. Chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ

10 chứng nghiện bạn có thể đang mắc phải

Một số người luôn lo lắng mình không có vòng một đầy đặn, không có eo thon hay mũi chưa đủ cao và cảm thấy mình phải phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi những khuyết điểm này. Đây có thể là dấu hiệu của chứng mặc cảm ngoại hình hay còn gọi là hội chứng “sợ xấu”. Người bệnh bị ám ảnh bởi những khiếm khuyết về ngoại hình mình tự tưởng tượng ra.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Mặc cảm ngoại hình (hội chứng “sợ xấu”) là bệnh gì?

Nếu bạn thấy mình có dấu hiệu nghiện phẫu thuật thẩm mỹ thì hãy gặp bác sĩ để được thực hiện trị liệu nhận thức hành vi, đồng thời phối hợp với người thân để kiểm soát cơn nghiện tốt hơn. 

5. Chứng nghiện điện thoại

Dấu hiệu của chứng nghiện điện thoại là bạn đi đâu cũng cầm theo điện thoại, luôn giữ điện thoại bên mình và kiểm tra vài phút một lần. Chứng nghiện này có thể ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của bạn. Có thể bạn sẽ phải làm việc vào cuối tuần khi nhận được tin nhắn từ cấp trên hay mất một mối quan hệ vì không dành sự chú ý cho người ngồi đang ngồi ăn cùng mình mà mải nhắn tin.

Bạn có thể cai điện thoại bằng cách dùng một loại điện thoại ít chức năng, xóa bớt ứng dụng trong điện thoại hay tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn. 

6. Chứng nghiện mặt trời

10 chứng nghiện bạn có thể đang mắc phải

Các tia UV trong ánh sáng mặt trời khiến cơ thể giải phóng endorphin, một chất giúp bạn cảm thấy hạnh phúc. Bạn có thể sẽ cảm thấy rất thích thú khi được đứng trong nắng mà bỏ qua nguy cơ cháy nắng, phồng rộp da và ung thư da khi tiếp xúc với ánh nắng quá lâu.

Khi ra nắng, bạn cần thoa kem chống nắng, đeo kính mát và đội nón để giảm thiểu những tác động tiêu cực của tia UV lên cơ thể.

Tuy nhiên, dù có thích ánh nắng tới đâu thì bạn cũng không nên ra đường vào buổi trưa lúc nắng gắt nhất nhé.

7. Chứng nghiện bài bạc

Cho dù bạn đến sòng bài hay chơi cá cược trực tuyến thì các hình thức bài bạc này cũng làm tăng hormone hạnh phúc dopamine trong não trong một khoảng thời gian ngắn và có thể gây nghiện. Bạn sẽ khó từ bỏ được cảm giác sung sướng khi bốc được bài đẹp hay khi thắng được quá nhiều tiền. Tuy nhiên, thú vui này có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính, công việc và cuộc sống gia đình rất nhiều.

Bạn có thể kiềm chế cơn nghiện cờ bạc bằng cách tránh các môi trường dễ dẫn đến cờ bạc và không giữ quá nhiều tiền.

Khi cảm thấy buồn chán và muốn cờ bạc, bạn hãy tự làm bản thân sao nhãng khỏi cơn nghiện bằng cách chơi thể thao hay đi chơi với bạn bè.

8. Chứng nghiện mạng xã hội

10 chứng nghiện bạn có thể đang mắc phải

Nghiện mạng xã hội là tình trạng bạn dành quá nhiều thời gian lên Facebook, Zalo, Twitter… Chứng nghiện này không hiếm vì sự bất ngờ của bài đăng trên mạng xã hội có tác dụng gây nghiện như cocaine. Hơn nữa, việc chia sẻ về bản thân với người khác trên mạng xã hội cũng tạo ra những cảm xúc tích cực khiến bạn luôn muốn cập nhập mọi lúc.

Các nghiên cứu mới cho thấy có tới 10% người dùng mạng xã hội đang bị nghiện. Mạng xã hội nếu dùng quá đà không những tiêu tốn thời gian mà còn khiến bạn suy nghĩ tiêu cực, tự ti và mất ngủ.

Để hạn chế cơn nghiện mạng xã hội, bạn hãy xóa các ứng dụng mạng xã hội và tắt chế độ nhận thông báo từ mạng xã hội trên điện thoại.

9. Chứng nghiện cà phê

Mỗi sáng, bạn có cần cà phê để tỉnh táo và làm việc hiệu quả? Chứng nghiện cà phê này có thể ảnh hưởng tới tim mạch, hệ tiêu hóa hay thai kỳ của phụ nữ. Tuy nhiên, cai cà phê không dễ dàng vì bạn có thể cảm thấy lo lắng hay bị đau đầu khi cắt giảm thức uống này.

Bạn hãy giảm từ từ lượng cà phê mỗi ngày đồng thời pha cà phê loãng hơn bằng cách cho thêm sữa và đá vào cà phê. Bạn cũng có thể chuẩn bị nước chanh hoặc sinh tố để uống trong những lúc thèm cà phê. 

10. Chứng nghiện chuyện ấy

10 chứng nghiện bạn có thể đang mắc phải

Bạn có thể đã bị nghiện chuyện ấy nếu cảm thấy mình cần quan hệ tình dục hoặc xem phim khiêu dâm liên tục. Bạn cũng có thể quan hệ nhiều hơn nhưng vẫn không cảm thấy thỏa mãn và có thể mạo hiểm để có tình dục. Não bộ của những người nghiện tình dục cũng hoạt động tương tự như những ai nghiện thuốc hoặc nghiện bài bạc.

Bạn cần hạn chế ở một mình và thường xuyên tham gia hoạt động xã hội để tránh nghĩ về tình dục trong thời gian rảnh. Bạn cũng có thể tìm đến các chuyên gia trị liệu để được trị liệu tâm lý.  

Đôi khi những chứng nghiện bạn có thể đang mắc có thể đến từ những thói quen hay thú vui như lướt mạng xã hội trên điện thoại, tập thể dục hay mua sắm. Nếu những thói quen này bắt đầu ảnh hưởng tới cuộc sống, bạn cần nhờ bác sĩ tâm lý và người thân trợ giúp nhé.

Như Vũ | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bạn có phải là người nghiện công việc?
  • 5 sự thật đáng sợ về chứng nghiện điện thoại
  • Nghiện chơi game cũng là một bệnh lý thần kinh?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!