11 lợi ích dành cho bé yêu khi bạn nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ - 09/18/2024

Sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và con. Việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà còn đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho người mẹ như giảm nguy cơ ung thư hay trầm cảm, hoãn chu kỳ kinh nguyệt, v.v..

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn hãy nuôi con bằng sữa mẹ. Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà còn đem lại nhiều điều tuyệt vời cho người mẹ.

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp bạn tiết kiệm một khoản tiền đáng kể mà còn tăng sự gắn kết giữa mẹ và con. Ngoài ra sữa mẹ còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả bạn và bé. Vậy đó là những lợi ích gì, mời bạn hãy đọc bài viết sau đây và khám phá ngay.

Tại sao nuôi con bằng sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất dành cho bé?

Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nuôi con bằng sữa mẹ còn là một nhân tố quan trọng giúp bé yêu thông minh hơn, trong sữa mẹ có chứa hầu hết các chất đề kháng và dưỡng chất có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bé. Việc cho con bú sữa mẹ mang lại những lợi ích sức khỏe quan trọng đối với cả mẹ và bé. Do đó đã có rất nhiều bà mẹ lập ra hội nuôi con bằng sữa mẹ trên các trang mạng xã hội để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con bằng nguồn dưỡng chất quý giá này.

11 lợi ích cho bé khi nuôi con bằng sữa mẹ

11 lợi ích dành cho bé yêu khi bạn nuôi con bằng sữa mẹ

1. Sữa mẹ được sản xuất đặc biệt dành riêng cho bé

Các cơ quan y tế khuyến cáo bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Để nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách, bạn hãy tiếp tục cho bé bú sữa mẹ trong vòng ít nhất một năm trước khi con có thể ăn các loại thực phẩm bổ sung khác. Sữa mẹ có chứa tất cả những chất dinh dưỡng bé cần cho 6 tháng đầu đời với tỷ lệ thích hợp. Thành phần của sữa mẹ thậm chí thay đổi theo nhu cầu của bé, đặc biệt là trong tháng đầu tiên sau khi bé chào đời.

Trong những ngày đầu sau sinh, bầu vú mẹ tạo ra một chất lỏng đặc và màu vàng nhạt hoặc trong được gọi là sữa non. Loại sữa này có nhiều  đạm, ít đường và giàu các vi chất có lợi khác. Sữa non là loại sữa đầu tiên vô cùng bổ dưỡng, giúp hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ sơ sinh phát triển. Sau vài ngày, bầu vú mẹ bắt đầu tiết ra một lượng sữa lớn hơn vì dạ dày trẻ đã phát triển hơn.

Nếu nói về chất dinh dưỡng duy nhất mà sữa mẹ còn thiếu thì đó chính là vitamin D. Nếu mẹ không được cung cấp đủ lượng vitamin D thì sữa mẹ cũng không thể cung cấp đầy đủ vi chất này cho bé. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, các bác sĩ khuyến cáo bổ sung vitamin D dưới dạng nhỏ giọt khi bé được 2−4 tuần tuổi.

2. Sữa mẹ dễ hấp thụ hơn

Sữa mẹ được tạo để phù hợp với hệ tiêu hóa nhạy cảm và đang phát triển của trẻ. Protein (hầu hết là lactalbumin) và chất béo trong sữa mẹ giúp trẻ dễ hấp thụ hơn protein (chủ yếu chứa caseinogen) và chất béo trong sữa bò. Trẻ sơ sinh cũng dễ dàng hấp thụ các vi chất dinh dưỡng quan trọng trong sữa mẹ hơn so với sữa bò bởi các chất dinh dưỡng trong sữa bò được tạo ra dành riêng cho bê chứ không phải bé. Vậy nên trẻ bú sữa mẹ ít có khả năng bị đầy hơi và nôn mửa hơn.

3. Sữa mẹ rất an toàn

Một điều chắc chắn là sữa mẹ luôn duy trì một nhiệt độ ổn định, không bao giờ thiếu dưỡng chất, bị hư hỏng hoặc nhiễm độc tố (trừ trường hợp người mẹ mắc phải chứng bệnh ảnh hưởng tới sữa mẹ).

4. Nuôi con bằng sữa mẹ bảo vệ bé khỏi dị ứng

Trẻ sơ sinh dùng sữa bột có nguồn gốc từ sữa bò hay sữa đậu nành có xu hướng mắc phải các phản ứng dị ứng nhiều hơn trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Các nhà khoa học cho biết các yếu tố miễn dịch như kháng thể IgA tiết ra (chỉ có trong sữa mẹ) giúp ngăn ngừa tình trạng bé bị dị ứng với thức ăn bằng cách cung cấp một lớp màng bảo vệ đường ruột của bé.

Nếu không có sự bảo vệ này, các bệnh nhiễm trùng có thể phát triển và thành ruột của bé có nguy cơ bị bào mòn. Điều này cho phép các protein không tiêu hóa đi qua ruột và gây ra phản ứng dị ứng cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Trẻ sơ sinh uống sữa bột không nhận được sự trang bị từ lớp bảo vệ này nên dễ bị nhiễm trùng, dị ứng và các bệnh thường gặp khác.

5. Sữa mẹ giúp làm dịu dạ dày của bé

Nhờ vào khả năng nhuận trường và dễ tiêu hóa tự nhiên nên trẻ bú sữa mẹ gần như không mắc bệnh táo bón. Tuy phân của bé khá lỏng nhưng bé sẽ ít bị tiêu chảy. Trên thực tế, sữa mẹ còn làm giảm nguy cơ khó tiêu bằng cách triệt tiêu những vi sinh vật có hại và hỗ trợ những vi sinh có lợi trong cơ thể bé.

6. Sữa mẹ giúp bé ít bị phát ban tã

Mồ hôi từ trẻ được bú sữa mẹ ít gây ra hiện tượng phát ban tã hơn, mặc dù lợi thế này (cùng với những mùi ít gây khó chịu khác) cũng sẽ biến mất khi bé đi ngoài ra tã.

7. Sữa mẹ giúp tăng cường hệ miễn dịch của bé

Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ là ngay từ lúc bắt đầu được cho bú, bé đã nhận được một lượng kháng thể để tăng cường khả năng miễn dịch của mình. Nhìn chung, bé sẽ ít bị cảm, nhiễm trùng tai và ít mắc các bệnh về đường hô hấp, tiết niệu và các bệnh khác hơn trẻ bú bình. Ngoài ra, nếu có mắc những bệnh này, bé sẽ nhanh khỏi hơn. Sữa mẹ cũng giúp cải thiện các phản ứng miễn dịch cho hầu hết các bệnh như uốn ván, bạch cầu và bại liệt. Ngoài ra, sữa mẹ còn có thể phần nào bảo vệ bé khỏi hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

8. Sữa mẹ giúp cân bằng chất béo và ngăn ngừa tình trạng béo phì

Trẻ bú sữa mẹ thường ít trở nên mũm mĩm so với những bé bú bình. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ tăng cân vừa phải và ngăn ngừa béo phì. Các nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ béo phì sẽ thấp hơn 15−30% ở trẻ bú sữa mẹ. Khoảng thời gian cho con bú cũng rất quan trọng, vì mỗi tháng nuôi con bằng sữa mẹ giúp làm giảm nguy cơ bé mắc béo phì sau này lên đến 4%. Điều này có thể là do sự phát triển của các loại vi khuẩn khác nhau trong đường ruột. Trẻ bú sữa mẹ có số lượng lợi khuẩn trong ruột cao hơn nên có thể tác động đến cơ chế dự trữ chất béo của cơ thể.

Ngoài ra, hàm lượng calorie trong sữa cũng được kiểm soát hợp lý. Sữa mà mẹ tiết ra khi bé sắp ngừng bú có hàm lượng calorie cao hơn so với sữa lúc bé mới bắt đầu bú và sẽ khiến bé nhanh no hơn. Mặc dù vẫn chưa đủ dữ kiện nhưng nhiều ý kiến cho rằng ưu điểm cân bằng chất béo của sữa mẹ sẽ có tác dụng lâu dài cho tới quãng đời sau này của bé. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ bú sữa mẹ nhiều sẽ ít bị thừa cân khi bước vào tuổi thiếu niên. Một lợi ích khác cho người mẹ là việc cho con bú sẽ góp phần làm giảm cholesterol và huyết áp trong giai đoạn sau này.

9. Sữa mẹ giúp bé phát triển trí não toàn diện

Sữa mẹ phần nào sẽ giúp tăng trí thông minh cho trẻ, ít nhất là đến khi bé được 15 tuổi hoặc có thể kéo dài tới giai đoạn bé trưởng thành. Có được điều này là nhờ lượng axit béo giúp phát triển não (DHA) trong sữa và sự tương tác giữa mẹ và bé khi bé được bú sữa mẹ.

Một số nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt trong sự phát triển của trí não giữa một đứa trẻ bú sữa mẹ so với các bé bú sữa bột thông thường. Sự khác biệt này có thể là do sự gần gũi, tiếp xúc trực tiếp trên da thịt giữa mẹ và bé cũng như sự giao tiếp bằng mắt khi mẹ cho con bú. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ bú sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn và ít có khả năng phát sinh các vấn đề về hành vi và học tập sau này khi bé lớn lên.

Tuy nhiên, những ảnh hưởng rõ rệt nhất được thấy ở những bé sinh non, đối tượng có nguy cơ cao gặp phải những vấn đề về sự phát triển. Nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng việc cho con bú có những tác động tích cực đáng kể đối với sự phát triển trí tuệ lâu dài của não bộ. Bởi vì sữa bột không chứa bất kỳ kháng thể nào giúp bảo vệ trẻ nhỏ nên những đứa bé không được bú sữa mẹ dễ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe hơn như viêm phổi, tiêu chảy hay nhiễm trùng.

10. Việc bú mẹ có thể giúp bé cảm thấy vui thích

Một đứa trẻ vẫn có thể bú tiếp ngay sau khi đã no dù người mẹ hầu như không còn sữa. Tuy việc này không đem lại lợi ích về mặt dinh dưỡng nhưng bù lại nó rất hiệu quả nếu bé bị kích động (như quấy khóc) và cần phải làm dịu đi. Ngược lại, bé không thể tiếp tục bú một bình sữa đã cạn để dịu bớt tâm trạng được.

11. Bú sữa mẹ giúp bé phát triển cơ miệng

Các thiết kế khoa học dù có tốt đến đâu chăng nữa cũng không thể giúp trẻ luyện tập cơ hàm, nướu, răng và vòm miệng. Thế nhưng động tác mút núm vú khi bú sữa mẹ sẽ đảm bảo việc phát triển khoang miệng và xương cơ hàm để răng mọc sau này. Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ cũng ít bị sâu răng hơn so với các trẻ khác.

Nuôi con bằng sữa mẹ cũng tốt cho mẹ

11 lợi ích dành cho bé yêu khi bạn nuôi con bằng sữa mẹ

1. Nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ trầm cảm của bà mẹ sau sinh

Nhiều bà mẹ cảm thấy thư giãn trong khi cho con bú, vì việc cho con bú giúp kích thích sự giải phóng hormone oxytocin. Theo nhiều nghiên cứu trên người và động vật, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng oxytocin thúc đẩy việc nuôi dưỡng và thư giãn tinh thần. Oxytocin được tiết ra khi đang cho con bú cũng giúp cho tử cung của các mẹ co thắt bình thường sau khi sinh, làm giảm nguy cơ xuất huyết giai đoạn hậu sản.

Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ có lượng oxytocin cao trong cơ thể (50% các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ và 8% bà mẹ cho con bú bằng sữa bình) có huyết áp ổn định sau khi được giải tỏa tâm lý căng thẳng. Hơn nữa, nếu đang trong quá trình điều trị trầm cảm, bạn vẫn có thể cho con bú sữa mẹ. Bác sĩ tâm lý có thể giúp bạn đưa ra những cách an toàn để điều trị trầm cảm trong trong khi chăm sóc bé.

2. Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ cho con bú bằng sữa mẹ có rất ít nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư vú hay ung thư buồng trứng. Đối với ung thư vú, khả năng bảo vệ người mẹ không mắc loại ung thư này ít nhất là một năm.

Sở dĩ việc cho con bú sữa mẹ mang lại những kết quả đáng ngạc nhiên như thế là vì hoạt động cho bé bú có liên quan đến sự thay đổi cấu trúc mô vú và quá trình tiết sữa làm giảm lượng estrogen mà cơ thể phụ nữ sản sinh ra. Các nhà nghiên cứu cho rằng ung thư buồng trứng cũng có thể liên quan đến quá trình sản xuất estrogen.

3. Nuôi con bằng sữa mẹ có thể hoãn thời gian hành kinh

Tiếp tục cho con bú sữa mẹ cũng làm ngưng việc rụng trứng và hành kinh. Việc ngưng chu kỳ kinh nguyệt được xem là phương pháp ngừa thai tự nhiên để đảm bảo khoảng cách giữa các lần mang thai. Một số phụ nữ thậm chí còn sử dụng cách này như một biện pháp tránh thai tự nhiên trong vài tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên, lưu ý rằng đây có thể không phải là một phương pháp ngừa thai hiệu quả. Bạn hãy coi sự thay đổi này là một lợi ích kèm theo. Trong khi  tận hưởng thời gian quý báu bên bé yêu, bạn sẽ không phải bận tâm về “những ngày đèn đỏ” nữa.

4. Một số lợi ích khác

Việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp mẹ nhanh chóng giảm cân sau sinh mà còn khiến tử cung co bóp trở lại kích thước như trước khi mang thai. Đồng thời việc cho con bú còn giúp tử cung co thắt, tống xuất sản dịch ra ngoài nhanh chóng.

Cho con bú sữa mẹ, giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền. Nuôi một đứa trẻ bú sữa mẹ ít tốn kém hơn so với bé dùng sữa bột. Nếu cho con dùng sữa bột, bạn có thể tốn từ 90.000 – 200.000 đồng/ngày, tùy thuộc vào thương hiệu, loại (dạng bột hay lỏng) và lượng sữa bé tiêu thụ. Ngoài ra, vào ban đêm, cho bé bú sữa mẹ sẽ đơn giản hơn và nhanh hơn so với việc mẹ hoặc người thân phải dậy để pha sữa hoặc làm ấm một chai sữa đã pha sẵn rồi cho bé bú.

Bên cạnh đó, thật tuyệt vời khi bạn đưa bé ra ngoài chơi hay đi chích ngừa, khám sức khỏe định kỳ… mà không cần phải mang theo một túi đầy đủ các dụng cụ để cho bé bú sữa bột. Thay vào đó, mẹ chỉ cần mang theo một chiếc khăn to để che khi con bú mẹ mà thôi.

Các lợi ích từ việc cho bé bú sữa mẹ đều vô cùng to lớn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là việc cho con bú khiến hầu hết các bà mẹ cảm nhận được thiên chức làm mẹ của mình. Đây chính là điều ý nghĩa nhất mà việc này đem lại.

Làm thế nào để mẹ và bé luôn cảm thấy thoải mái khi nuôi con bằng sữa mẹ?

11 lợi ích dành cho bé yêu khi bạn nuôi con bằng sữa mẹ

Thông thường, việc cho con bú mất khoảng 20 – 30 phút/cữ bú, nhất là ở những tháng mới sinh, do đó bạn hãy chọn những nơi ấm áp, thoải mái để cho bé bú nhé. Mẹ có thể ẵm đỡ bé ở tư thế sao cho lưng và cánh tay không thấy mỏi và đau. Cách tốt nhất là dùng cánh tay đỡ một phần phía sau đầu và vai bé, kê mông bé bằng một cái gối mềm nhằm nâng bé lên đúng tầm bầu vú. Tất nhiên là bạn có thể chọn những tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái hơn.

Nếu bạn ngồi cho con bú  thì một cái gối sẽ hỗ trợ bé rất nhiều. Nhiều bà mẹ cũng dùng ghế gác chân để giúp họ cảm thấy thoải mái hơn. Cho dù ngồi hay nằm thì hãy bắt đầu cho con bú khi bạn và con đều cảm thấy thoải mái với tư thế ấy trong khoảng thời gian dài.

Món ăn lợi sữa dành cho mẹ mới sinh

Một chế độ ăn uống lành mạnh là tất cả những gì bạn cần trong khi đang cho con bú. Mặc dù bạn vẫn có sữa cho con ngay cả khi cơ thể bạn không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, một chế độ ăn uống cân bằng sẽ đảm bảo số lượng và chất lượng sữa. Bạn hãy ăn khi cảm thấy đói và nhớ uống nước thường xuyên để giữ ẩm cho cơ thể.

Nhiều bà mẹ cảm thấy cực kỳ đói trong khi cho con bú. Điều này là hoàn toàn hợp lý, vì cơ thể bạn phải làm việc liên tục để tạo ra sữa cho bé. Ăn các bữa nhỏ với đồ ăn nhẹ vào giữa buổi là một cách tốt để vượt qua cơn đói và nạp đủ năng lượng. Hầu hết phụ nữ đang cho con bú sữa mẹ sẽ cần thêm khoảng 200 – 500 calo so với những bà mẹ không cho con bú.

Bạn không nên sử dụng quá nhiều caffeine và rượu vì chúng sẽ truyền cho con khi bú và tích lũy bên trong cơ thể bé. Các chuyên gia khuyên bạn không nên tiêu thụ quá 300mg caffeine/ngày, tương đương với 1–2 tách cà phê.

Hầu hết trẻ sơ sinh bú sữa mẹ không có vấn đề gì nếu mẹ thưởng thức những món ăn cay. Trên thực tế, một số chuyên gia tin rằng trẻ sơ sinh rất thích sự đa dạng nên mẹ không cần phải hạn chế những gì ăn vào. Nếu con có biểu hiện đầy hơi hoặc khó chịu mỗi khi bạn ăn một loại thực phẩm cụ thể nào đó (ví dụ như các sản phẩm từ sữa), hãy thử loại bỏ loại thức ăn đó trong một thời gian. Sau đó, hãy quan sát xem liệu tình trạng của bé có dduwwocj cải thiện khi bạn không ăn chúng hay không.

Nếu phải đi làm sớm trước khi kết thúc kỳ nghỉ thai sản, mỗi ngày bạn nên hút sữa ra trữ đông. Việc giúp bé vẫn được hưởng nguồn dinh dưỡng quý giá dù mẹ không ở bên cả ngày.

Cho con bú là việc mà mọi người mẹ nên làm và chỉ có người mẹ mới có thể làm được. Việc này tạo ra một sự gắn kết đặc biệt mạnh mẽ về mặt thể chất và tinh thần giữa mẹ và bé. Vì vậy, bạn hãy chú trọng việc cho trẻ bú sữa mẹ thay vì sữa bột để cả mẹ và bé cùng nhận được nhiều ích lợi hơn nhé!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • 4 thực phẩm đơn giản giúp làm giàu nguồn sữa mẹ
  • Bạn đã biết cách cai sữa mẹ cho bé?
  • 7 thói quen không tốt khi nuôi con bằng sữa mẹ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!