4 nguyên tắc cần nhớ để tránh ngộ độc thực phẩm

Dinh dưỡng - 04/29/2024

Với 4 nguyên tắc căn bản được chuyên gia của Hello Bacsi chia sẻ, bạn có thể tránh ngộ độc thực phẩm cho bản thân và gia đình một cách an toàn và đơn giản. 

Yếu tố quan trọng của việc ăn uống lành mạnh chính là giữ an toàn vệ sinh thực phẩm. Bạn có thể thực hiện các bước xử lí thực phẩm đơn giản nhưng rất hiệu quả nhằm tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đó là “Làm sạch, phân loại, nấu chín và làm lạnh”. Hãy cùng xem qua bốn nguyên tắc cơ bản này trong bài viết dưới đây nhé!

1. Làm sạch

Rửa tay bằng xà phòng và nước

Bạn nhớ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng. Hãy sử dụng nước ấm nếu có sẵn. Xoa 2 tay vào nhau để tạo bọt và chà xát tất cả các bộ phận trên tay trong 20 giây rồi rửa lại thật sahj với nước. Sau đó, hãy dùng giấy hoặc khăn sạch lau khô.

Khử trùng bề mặt chế biến

Bàn bếp – nơi bạn chế biến đồ ăn – nên được khử trùng sạch bằng nước nóng và xà phòng. Bạn có thể sử dụng một muỗng canh chất tẩy clo không mùi/4 lít nước để khử trùng bề mặt.

Dọn dẹp thực phẩm trong tủ lạnh mỗi tuần một lần

Ít nhất một lần một tuần, hãy loại bỏ các thực phẩm đã để tủ lạnh quá lâu. Thức ăn nấu chín bị thừa phải bỏ sau 4 ngày, thịt gia cầm sống hay thịt xay phải bỏ sau 1-2 ngày.

Giữ sạch đồ dùng

Hãy làm sạch bên trong cũng như bên ngoài đồ dùng xung quanh và đặc biệt chú ý đến các nút bấm hoặc tay cầm nơi có thể xảy ra nhiễm khuẩn chéo cho tay.

Rửa sạch thực phẩm

Rửa sạch rau củ quả hoặc trái cây dưới vòi nước ngay trước khi ăn, cắt gọt hoặc nấu chín.

2. Phân loại

Phân loại thực phẩm khi đi mua sắm

Đựng hải sản, thịt, gia cầm tươi trong các túi nhựa. Sau đó, để chúng dưới ngăn thực phẩm ăn liền trong tủ lạnh.

Phân loại thực phẩm khi chuẩn bị dùng

Hãy nhớ luôn luôn sử dụng thớt sạch cho thực phẩm tươi, phân loại từng thớt riêng cho hải sản, thịt, gia cầm tươi sống. Không bao giờ đặt thức ăn nấu chín lên đĩa hoặc thớt đã từng đặt thực phẩm tươi sống trước đó.

3. Nấu chín

Sử dụng nhiệt kế đo thực phẩm khi nấu ăn

Nhiệt kế đo thực phẩm được dùng để đảm bảo rằng thức ăn được nấu kĩ và thực phẩm nấu chín được giữ ở nhiệt độ ổn định cho đến khi đem ra phục vụ.

Nấu thức ăn ở nhiệt độ an toàn

Cách hiệu quả để ngăn ngừa ngộ độc chính là kiểm tra nhiệt độ hải sản, thịt, gia cầm và các món trứng. Nấu thịt bò, lợn, cừu, bê nướng, sườn nướng và thịt quay sống ở nhiệt độ an toàn tối thiểu là 63oC. Nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng, hãy để thịt nguội ít nhất 3 phút trước khi cắt hoặc ăn. Thịt bò, lợn, cừu, bê xay nên được nấu ở nhiệt độ an toàn 71oC. Nấu thịt gia cầm, kể cả gà tây hoặc gà thường xay ở nhiệt độ an toàn là 74oC.

4. Bảo quản

Bảo quản thức ăn ở nhiệt độ an toàn

Hãy giữ thức ăn lạnh ở nhiệt độ khoảng 4oC hoặc thấp hơn. Giữ thức ăn nóng ở nhiệt độ 60oC hoặc cao hơn. Thực phẩm không còn an toàn khi để ở mức nhiệt độ từ 4-60oC trong hơn 2 giờ (1 giờ nếu nhiệt độ trên 32oC).

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!