9 bí quyết giúp bạn vượt qua cảm giác mệt mỏi do bệnh đa xơ cứng

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/26/2024

Nếu biết cách điều chỉnh thói quen sống lành mạnh kết hợp với giải pháp trị liệu, bạn sẽ sớm đẩy lùi cảm giác mệt mỏi do bệnh đa xương cứng!

Bệnh đa xơ cứng với những triệu chứng mệt mỏi khó chịu gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt người bệnh. Nếu bạn biết cách điều chỉnh thói quen sống lành mạnh kết hợp với giải pháp trị liệu, sức khỏe sẽ cải thiện hơn hẳn!

Bệnh đa xơ cứng là bệnh tự miễn gây ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh ở não và tủy sống. Tình trạng viêm này dẫn tới gián đoạn tín hiệu thần kinh, gây tổn thương các sợi thần kinh cơ và các triệu chứng của bệnh. Tùy thuộc vào loại và số lượng tế bào thần kinh bị tổn thương mà người bệnh có thể biểu hiện những triệu chứng khác nhau.

Khoảng 80% bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh đa xơ cứng đều gặp phải các tình trạng mệt mỏi gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người bệnh, bao gồm cả công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Tình trạng này có thể khiến khả năng hoạt động bị hạn chế và khiến người bệnh thậm chí phải tạm ngưng công việc hiện tại. Đặc điểm khác biệt giữa mệt mỏi do bệnh đa xơ cứng so với mệt mỏi thông thường cụ thể như:

  • Thời điểm:Có thể xuất hiện đột ngột.
  • Diễn biến:Thường có chiều hướng nặng hơn theo thời gian.
  • Độ nhạy cảm: Nhiệt độ và độ ẩm có thể làm người bệnh mệt mỏi hơn.
  • Mức độ mệt mỏi:Thường nặng hơn so với các dạng mệt mỏi thông thường.
  • Tần suất:Thường xuất hiện hàng ngày, có thể xuất hiện vào buổi sáng ngày hôm sau dù đã nghỉ ngơi.
  • Mức ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày: Gây ảnh hưởng lớn tới hầu hết mọi hoạt động hàng ngày của người bệnh.

Người bệnh đa xơ cứng cần có biện pháp hiệu quả giúp giảm bớt mệt mỏi, khó chịu và tăng cường năng lượng. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 9 bí quyết giúp vượt qua cảm giác mệt mỏi do bệnh đa xơ cứng dưới đây nhé!

1. Tập thể dục giúp cải thiện bệnh đa xơ cứng

Các chuyên gia sức khỏe cho biết thói quen tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn vượt qua cảm giác mệt mỏi do bệnh đa xơ cứng. Bạn nên kiên trì tập luyện đều đặn các bài tập phù hợp với sức khỏe để tăng khả năng sức bền, giảm cân, cải thiện sức khỏe. Điều này sẽ giúp ích rất lớn cho những người đang chung sống với căn bệnh đa xơ cứng.

Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe và khả năng vận động của mỗi người bệnh mắc đa xơ cứng khác nhau, vì vậy không thể áp dụng chung một chế độ luyện tập. Cách tốt nhất là bạn hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn kỹ về chế độ tập luyện, vận động phù hợp.

Người bệnh đa xương cứng cần xây dựng chế độ tập luyện vừa sức, nếu gắng sức tập có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn.

2. Sắp xếp thời gian để tránh mệt mỏi

Người mắc bệnh đa xơ cứng thường trải qua cảm giác mệt mỏi thường xuyên hàng ngày, vì vậy người bệnh cần nắm được quy luật và tận dụng thời gian cảm thấy mình khỏe khoắn, ít mệt mỏi nhất trong ngày để hoàn thành công việc.

Ví dụ, nếu bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn vào buổi sáng thì có thể làm những việc quan trọng và việc tốn nhiều năng lượng như đi mua sắm, dọn dẹp. Như vậy, bạn có thể nghỉ ngơi vào thời điểm khác mà không phải lo lắng quá nhiều về những công việc trong ngày.

3. Tạo môi trường sống tốt cho sức khỏe

9 bí quyết giúp bạn vượt qua cảm giác mệt mỏi do bệnh đa xơ cứng

Người bệnh đa xơ cứng rất nhạy cảm với nhiệt độ và độ ẩm. Không gian sống quá nóng bức và độ ẩm thấp thì sẽ càng khiến người bệnh mệt mỏi hơn. Bạn có thể thử những bí quyết sau để giữ không gian sống và cơ thể thoáng mát:

  • Bơi lội
  • Mặc quần áo nhẹ, chất liệu thoáng mát
  • Sử dụng điều hòa nếu có thể, đặc biệt là vào mùa hè nóng bức
  • Uống các loại thức uống mát mẻ, bổ dưỡng như nước ép trái cây

4. Áp dụng các liệu pháp giảm mệt mỏi

Nếu điều chỉnh lối sống không giúp cải thiện mệt mỏi thì người mắc bệnh đa xơ cứng có thể xem xét các liệu pháp như:

• Trị liệu cơ năng: Những người có chuyên môn sẽ giúp bạn đơn giản hóa các hoạt động ở nhà và nơi làm việc bằng cách sử dụng một số thiết bị hỗ trợ, hoặc thay đổi môi trường làm việc và sinh hoạt giúp bạn tăng cường thể lực và tinh thần.

• Vật lý trị liệu: Những người có chuyên môn sẽ giúp bạn thực hiện những việc cần làm hàng ngày hiệu quả hơn. Bạn có thể dùng các thiết bị giúp bớt hao tổn năng lượng khi đi bộ.

Bạn có thể tìm hiểu thêm:Phân biệt giữa vật lý trị liệu và trị liệu cơ năng.

5. Ngủ đủ giấc giúp cải thiện mệt mỏi

Các vấn đề về giấc ngủ là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi ở người bệnh đa xơ cứng. Các vấn đề này bao gồm khó ngủ, thiếu ngủ, ngủ không sâu hay luôn buồn ngủ đều khiến người bệnh không sảng khoái khi thức dậy và cảm thấy mệt mỏi.

Để dễ ngủ hơn, bạn cần có thói quen ngủ lành mạnh, đúng giờ hoặc hoạt động nhẹ nhàng trước khi ngủ như tập yoga, đọc sách…

Nếu các biện pháp này không phát huy hiệu quả, bạn cần đi khám bác sĩ và dùng thuốc hỗ trợ giấc ngủ theo chỉ dẫn của bác sĩ trong thời gian ngắn.

6. Tránh thói quen không tốt gây mệt mỏi

Một số thói quen sinh hoạt có vẻ như giúp giảm bớt mệt mỏi tạm thời, nhưng về lâu dài sẽ gây ra rất nhiều vấn đề và ảnh hưởng tới sức khỏe đối với người bệnh đa xơ cứng.

Ví dụ như thói quen uống đồ nóng có thể giúp bạn dễ ngủ hơn, nhưng đối với đồ uống nóng có chứa caffeine như trà và cà phê, có thể khiến bạn khó ngủ và mệt mỏi vào ngày hôm sau. Tương tự, rượu bia có thể giúp bạn thấy dễ ngủ ban đầu, nhưng sau đó vài giờ có thể thức giấc giữa đêm và rất khó ngủ lại.

Bạn có thể tìm hiểu thêm:Những thói quen không tốt bạn nên bỏ ngay hôm nay.

7. Ăn uống lành mạnh giúp giảm mệt mỏi

9 bí quyết giúp bạn vượt qua cảm giác mệt mỏi do bệnh đa xơ cứng

Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, thiếu chất có thể khiến bất cứ ai kể cả người khỏe mạnh cảm thấy mệt mỏi. Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng tới các triệu chứng và cảm giác của người bệnh cũng như tiến triển của bệnh.

Người bệnh đa xơ cứng nên có chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh bao gồm ăn nhiều hoa quả, rau xanh, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần bổ sung đầy đủ chất béo tốt và vitamin D, vì đây là những dưỡng chất rất quan trọng với người bệnh đa xơ cứng.

Nếu có bất kỳ câu hỏi nào về chế độ dinh dưỡng trong thời gian điều trị bệnh, bạn có thể hỏi bác sĩ điều trị. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh thực tế để đưa ra những lời khuyên phù hợp hoặc giới thiệu bạn tới các chuyên gia dinh dưỡng để thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học cho bạn.

8. Giảm stress để ngăn ngừa mệt mỏi

Stress gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người bệnh đa xơ cứng, không chỉ dẫn đến mệt mỏi do mất ngủ mà còn làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Nghiên cứu cho thấy stress có thể gây tổn thương não ở người mắc bệnh đa xơ cứng, làm bệnh tiến triển và các triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Thói quen ăn uống đầy đủ, điều độ, tập luyện thể thao thường xuyên, nghe nhạc… là những cách có thể giúp bạn giảm stress. Ngồi thiền là cách được chứng minh có thể giúp thư giãn và giải tỏa stress hiệu quả. Bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ nếu bạn gặp phải stress quá mức để nhận được những lời khuyên từ bác sĩ về cách kiểm soát.

Bạn không nên quá nghiêm trọng hóa vấn đề sẽ dễ dẫn đến stress mà học cách đơn giản hóa mọi việc để tránh ảnh hưởng đến bệnh đa xơ cứng.

9. Lưu ý dùng thuốc điều trị bệnh đa xơ cứng

9 bí quyết giúp bạn vượt qua cảm giác mệt mỏi do bệnh đa xơ cứng

Nếu người bệnh đa xơ cứng đang trong thời gian dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng bệnh thì cần tìm hiểu kỹ về các tác dụng phụ của thuốc. Người bệnh cũng nên trao đổi với bác sĩ về mỗi loại thuốc bạn sử dụng nếu gặp phải triệu chứng mệt mỏi thường xuyên.

Triệu chứng của bệnh đa xơ cứng ở mỗi người có nhiều khác biệt, một số bệnh nhân có thể cần tới thuốc nếu tình trạng mệt mỏi quá nặng theo chỉ định của bác sĩ.

Tình trạng mệt mỏi có thể gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của người bệnh đa xơ cứng bao gồm cả công việc và sinh hoạt hàng ngày. Nếu có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, bạn nên trực tiếp trao đổi với bác sĩ về tình trạng của mình để tìm ra cách hiệu quả giúp đẩy lùi cảm giác mệt mỏi nhé.

Hồng Nhung | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bạn biết gì về vật lý trị liệu cho bệnh đa xơ cứng?
  • Dấu hiệu cho thấy con bạn có thể mắc bệnh đa xơ cứng
  • Tìm hiểu về bệnh đa xơ cứng khi mang thai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!