Vào những thời gian chuyển mùa, mưa nắng thất thường cơ thể rất dễ bị cảm lạnh, đau bụng do lạnh, đau lưng hoặc phong thấp thể hàn. Để chữa trị các chứng bệnh này, đông y có rất nhiều bài thuốc dễ tìm, dễ sử dụng mà hiệu quả xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Đau lưng ở thể hàn thấp:
Chứng đau lưng cấp tính, thường xảy ra sau khi làm nặng hoặc khi thời tiết chuyển mùa, người bị lạnh như mắc mưa, ngâm nước lâu...; Theo Y học cổ truyền người bệnh đau lưng ở thể hàn thấp có biểu hiện đau lưng, người bệnh cúi ngửa khó khăn, khám thấy rêu lưỡi trắng, mạch phù khẩn hoặc phù hoãn. Người bệnh có thể dùng một trong hai bài thuốc sau.
Bài 1: Độc hoạt 15g, ggại táo 15g, khương hoạt, cảo bản, mạn kinh tử, xuyên khung, quế chi, ma hoàng, cam thảo mỗi vị 10g. Tất cả các vị đổ vào ấm cho ngập nước sắc nhỏ lửa còn 300ml nước, có thể thêm 2-3 lát gừng tươi giã nhỏ cho vào nước thuốc mới sắc xong, uống khi thuốc còn ấm. Ngày uống 3 lần, dùng trong 5 ngày.
Bài 2: Độc hoạt, ngưu tất , đỗ trọng , đảng sâm , đại táo mỗi vị 15g, ký sinh, phòng phong, tần giao, quế chi, đương quy, bạch thược, xuyên khung, cam thảo mỗi vị 10g, tế tân 05g. Tất cả các vị đổ vào ấm cho ngập nước sắc nhỏ lửa, có thể thêm 2-3 lát gừng tươi giã nhỏ cho vào nước thuốc mới sắc xong, uống khi thuốc còn ấm, sắc còn 300ml nước. Ngày uống 3 lần, dùng trong 5 ngày. Bài thuốc trên có công dụng khu phong, tán hàn, trừ thấp ôn kinh hoạt lạc. Ngoài ra để giảm đau lưng người bệnh có thể tự dùng hai mu bàn tay xoa và day nhẹ vùng lưng bị đau. Đối với trường hợp đau nhiều người bệnh có thể lấy cám gạo khoảng 150g hoặc muối tinh 200g rang nóng sau đó dùng 3-5 lớp lá lốt trải trên vùng đau, sau đó dùng vải bọc cám hoặc muối đã rang chườm trên vùng đã trải lá. Lưu ý khi dùng muối rất nóng do vậy cần cẩn thận để tránh bị bỏng.
Chứng đau lưng thường gặp khi chuyển mùa.
Trị cảm lạnh:
Đông y gọi cảm lạnh là thương hàn có nghĩa là cảm thương phải khí hàn. Do sự xâm nhập của các yếu tố thời tiết, khí hậu bất thường, cơ thể nhiễm lạnh và rối loạn. Ngoài ra, có thể do nguyên nhân ăn uống quá nhiều đồ lạnh làm cơ thể bị khí lạnh tấn công từ bên trong, do đó khi gặp khí lạnh bên ngoài thì không đủ sức chống đỡ. Khi mắc người bệnh thường có triệu chứng của cảm lạnh thường là sốt mà không ra mồ hôi, nhức đầu, chóng mặt, ho, sổ mũi, người gai gai ớn lạnh. Có thể dùng một trong các bài thuốc sau đây:
Bài 1: Gừng tươi 15g - 20g, hành hoa 15g. Hai thứ rửa sạch, xắt nhỏ, nấu với 500ml nước, để sôi khoảng 10 phút. Uống nóng rồi đắp chăn cho ra mồ hôi, khi mồ hôi ra cần lau khô để tránh bị cảm lạnh lại.
Bài 2: Gạo tẻ 100g, tía tô, dọc hành tươi, mỗi thứ 20g; gừng tươi 12g. Tất cả rửa sạch, xắt nhỏ. Nấu gạo tẻ thành cháo. Múc ra bát rồi trộn chung với tía tô, hành, gừng. Thêm gia vị và ăn nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.
Ngoài ra, có thể lấy dầu xoa đánh gió thêm để giải cảm cũng rất tốt.
Trị đau nhức xương khớp:
Mỗi khi thời tiết thay đổi, những người mắc bệnh phong thấp hoặc viêm khớp dạng thấp dễ bị tái phát. Nhất là người cao tuổi ki thời tiết chuyển mùa mưa nắng thất thường lại gặp một số triệu chứng như đau nhức một khớp hay nhiều khớp, đau lưng, đau khớp cổ, vai, khuỷu tay, khớp ngón tay, ngón chân... Trường hợp này có thể dùng một trong bài thuốc sau:
Bài 1: Lá lốt, cỏ xước, cành dâu tằm, mỗi thứ 12g, gừng khô, rễ tranh, mỗi thứ 10g; củ nghệ 8g. Tất cả đổ ngập nước sắc nhỏ lửa, sắc còn 300ml, chia 2 lần, uống ấm, trước bữa ăn.
Bài 2: Tầm gửi cây dâu, rễ cây đinh lăng, ké đầu ngựa, đậu ván, mỗi thứ 12g; kinh giới, mã đề, gừng khô, mỗi thứ 8 g. Tất cả cho vào ấm đổ ngập nước sắc còn 300ml, chia 2 lần, uống ấm trước bữa ăn.
Bài 3: Lá lốt, cỏ xước, tang chi, thổ phục linh, mỗi thứ 12g; quế chi, thiên niên kiện, vỏ quýt, mỗi thứ 8g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần, uống ấm trước bữa ăn.
Lưu ý, đối đối những người có bệnh mạn tính, rối loạn chuyển hóa hoặc đang uống thuốc định kỳ khi áp dụng các bài thuốc đông y cần được tư vấn cụ thể của thầy thuốc.
Bác sĩ Trần Thị Hải
Bộ môn y học cổ truyền. Trường cao đẳng y tế Thái Nguyên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!